Đối sách của Thái Lan

Một phần của tài liệu Chính sách của các nước phương tây đối với thái lan thời cận đại (Trang 91 - 97)

B. NỘI DUNG

2.4.1.Đối sách của Thái Lan

2.4.1.1. Đường lối ngoại giao linh hoạt

Từ sớm các nước phương Tây đã lần lượt đặt chân tới Xiêm như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh... nhưng mục đích ở thời kì đầu chủ yếu là thương mại, chưa đe doạ trực tiếp đến nền độc lập của Xiêm. Ngay từ buổi đầu tiếp xúc với Phương Tây, Xiêm đã thực hiện chính sách ngoại giao mang tính truyền thống của mình: chính sách ngoại giao “lựa chiều”, dùng nước này để kiềm chế nước kia, tránh lệ thuộc vào một quốc gia. Đến thế kỉ XIX, các nước phương Tây lộ rõ âm mưu của mình thì Xiêm phải đối phó với những toan tính, những âm mưu khác nhau từ nhiều phía.

Thế kỉ XIX là lúc chủ nghĩa tư bản thực dân phương tây đặt áp lực to lớn đe dọa nền an ninh chính trị và lợi ích Xiêm. Xiêm đã đối mặt với áp lực đó như thế nào? Lúc đầu Xiêm thi hành chính sách hết sức dè dặt, nhất là trước tình hình diễn ra ở Ấn Độ và Trung Quốc càng làm cho Chính phủ Xiêm thận trọng hơn trong các mối bang giao của mình. Trong khi tất cả các nước phương Đông cũng như phương Tây thời Xukhothay đến giai đoạn này đặt quan hệ với Xiêm đều có mục đích riêng của mình hoặc là vì lợi ích kinh tế, hoặc vì ý đồ chính trị. Đáp lại nhà nước Xiêm đã rất sáng suốt trên cơ sở quyền lợi dân tộc để tìm ra lối thoát cho mình bằng những chính sách mềm dẻo và khôn khéo, phù hợp với thực tiễn của đất nước mình. Trong xu thế thời

đại, khi Anh, Mỹ đều đến Xiêm với yêu cầu đặt quan hệ ngoại giao và thương mại. Họ đều được triều đình Xiêm tiếp đón trọng thể và kí kết các hiệp ước vào các năm 1822, 1826, 1833 (cũng chính phái đoàn này của Mỹ trước đó một năm (1832) đã đến Việt Nam để thiết lập quan hệ nhưng thất bại). Khi Rama III (1824-1851) thi hành những chính sách cứng rắn về nội thương và ngoại thương đã đụng chạm tới quyền lợi của tư bản nước ngoài. Do đó, Anh, Mỹ đều đòi xem xét, thay đổi lại các điều khoản đã kí vào các năm 1826, 1833 có lợi cho họ. Nhưng người Xiêm đã từ chối dứt khoát những yêu sách này, đại sứ Mỹ và Anh đều buộc phải rời khỏi Xiêm. Như vậy, có thể thấy trong những điều kiện cụ thể Xiêm sẵn sàng nhân nhượng một số quyền lợi nhất định, nhưng khi những đòi hỏi của tư bản nước ngoài vi phạm đến nguyên tắc ngoại giao, chủ quyền thì Xiêm đã kiên quyết chối từ. Điều đó có nghĩa trong quan hệ với phương Tây, Xiêm hoàn toàn ở thế bình đẳng, ngang hàng.

Nhưng tình hình đã khác đi vào nửa sau thế kỉ XIX. Các nước Phương Tây như Anh, Pháp đang hối hả tìm kiếm thuộc địa để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguyên liệu, nhân công và thị trường tiêu thụ hàng hóa. Tình hình ấy khiến Rama IV lo ngại cho nền an ninh đất nước, nếu tiếp tục đóng cửa như các triều đại trước đây nghĩa là vẫn giữ thái độ căng thẳng với phương Tây. Là người nghiên cứu phương Tây một cách sâu sắc, Rama IV hiểu rõ trong hoàn cảnh đó không có hệ thống phòng thủ nào của người Xiêm có thể cứu được đất nước nếu không có được sự hỗ trợ của một chính sách ngoại giao khôn khéo. Tư tưởng này được ông truyền đạt lại trong một bức thư gửi Đại sứ Xiêm ở Pari năm 1867: “Một nước nhỏ như chúng ta phải làm gì khi nó bị các nước hùng mạnh bao vây từ hai mặt hoặc ba phía? Cứ cho rằng chúng ta sẽ khai mỏ vàng trong nước được nhiều triệu kitti (thỏi) vàng, số thỏi vàng đó đủ để mua hàng trăm tàu chiến. Nhưng ngay cả vốn vàng trong tay

chúng ta cũng không thể đấu tranh chống họ vì chúng ta phải mua của chính họ tàu chiến và đạn dược này. Hiện nay chúng ta không có khả năng tự sản xuất thứ này, còn nếu chúng ta có đủ tiền mua thì các nước này cũng có thể bất cứ lúc nào ngừng bán cho chúng ta khi biết rằng chúng ta đang vũ trang chống họ. Vũ khí duy nhất mà chúng ta có và có thể sử dụng trong tương lai đó là những cái miệng và trái tim của chúng ta chứa đầy những điều tốt lành và sự thông thái” [44,45]. Chính vì vậy, Rama IV quyết định cải cách đường lối đối ngoại của nhà nước, chủ trương mở rộng giao lưu với thế giới mặc dù phải chịu những điều kiện bất lợi, đồng ý kí kết hiệp ước đàm phán với phương Tây, cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp đối với họ để thực hiện chính sách tồn tại giữa các nước lớn.

Dưới áp lực ngày càng tăng của tư bản phương Tây, Xiêm phải kí một loạt các hiệp ước bất bình đẳng. Mở đầu là Hiệp ước Anh-Xiêm ngày 18/4/1855. Theo hiệp ước này, Xiêm phải bãi bỏ độc quyền ngoại thương, công nhận quyền lãnh sự tài phán của Anh, người Anh có quyền sở hữu đất đai trong khu vực lãnh thổ có bán kính bằng 24 giờ đi thuyền từ trung tâm Băng Cốc, tàu chiến Anh có quyền vào cửa sông Mênam (Chao Phraya) đến tận cảng Paknam. Với hiệp ước này Xiêm đã buộc phải nhân nhượng những quyền lợi mà trước đây được coi là bất khả xâm phạm. Sau đó Xiêm tiếp tục kí những hiệp ước tương tự như vậy với Mỹ và Pháp (1856), Đan Mạch (1858), Bồ Đào Nha (1859), Hà Lan (1860), Phổ (1862), Thuỵ Điển, Na Uy, Ý, Bỉ (1868).

Như vậy, trong 17 năm cầm quyền của Rama IV, Xiêm đã kí một loạt các hiệp ước bất bình đẳng với các cường quốc phương Tây. Một mặt, qua đó đã thiết lập quan hệ ngoại giao với phương Tây, đồng thời nền kinh tế Xiêm đã cuốn vào kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và phát triển nhanh chóng. Nhưng mặt khác Xiêm buộc phải khước từ chủ quyền thực tế của mình1 mặc

dù về danh nghĩa vẫn giữ được độc lập, Xiêm bước vào hệ thống quan hệ quốc tế không phải hoàn toàn bình đẳng mà như nửa thuộc địa.

2.4.1.2. Công cuộc canh tân đất nước

Bên cạnh việc thực hiện một chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo, chính quyền Xiêm khi đối mặt với các nước phương Tây đã nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của đường lối đối nội, cụ thể Họ đã tiến hành một chương trình cải cách hết sức sâu rộng, toàn diện và thực sự hiệu quả, nhất là các cuộc cải cách của Rama V(1868-1910) và Rama VI (1910-1925).

Sau khi vua Rama IV mất, năm 1868 Vua Rama V (Chulalongcon) lên nối ngôi và tiếp tục thực hiện đường lối đối nội, đối ngoại của cha mình trong một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Chulalongcon được xem là vị vua anh minh bậc nhất của dân tộc Thái Lan và thời kì trị vì của ông được đánh giá là giai đoạn có nhiều biến đổi cực kì quan trọng của vương quốc Xiêm.

Sau khi lên ngôi, Rama V đã thực hiện một số cải cách quan trọng như: - Bãi bỏ chế độ quỳ lạy trước nhà Vua và tuyên bố tất cả trẻ con sinh ra dưới triều Vua của ông sẽ được tự do. Năm 1903, ông tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ vốn đã tồn tại từ nhiều thế kỉ ở Xiêm. Trước đó vào năm 1899 chính phủ cũng tuyên bố xóa bỏ chế độ lao dịch cho nông dân bằng việc phải nộp thêm một khoản tiền cho chính quyền địa phương. Chủ trương này Rama V đã tạo nên một bầu không khí tự do dân chủ trong nhân dân đồng thời nó giải phóng một phần sức lao động. Từ đó tạo điều kiện cho sức sản xuất phát triển nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và thủ công nghiệp.

- Trong lĩnh vực kinh tế, nhất là trong nông nghiệp, để đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo, chính phủ thi hành chính sách giảm nhẹ thuế đối với ruộng đất ở miền Trung Xiêm, nơi sản xuất 95% lượng gạo để xuất khẩu. Bằng những biện pháp đó, sản lượng lúa gạo những năm cuối thế kỉ XX tăng lên không

ngừng và việc xuất khẩu gạo tăng lên càng nhiều, theo đó ngành ngoại thương cũng phát triển.

Một cải cách khác cũng rất quan trọng là việc cải tổ bộ máy nhà nước theo kiểu phương Tây từ Trung ương xuống địa phương. Vua là người có quyền lực tối cao, bên cạnh Vua là Hội đồng nhà nước đóng vai trò tư vấn, khởi thảo luật pháp v.v... Bộ máy Hành pháp của triều đình được thay bằng một chính phủ lúc đầu gồm 12 bộ, sau rút gọn còn 10 bộ, các bộ trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp với nhà Vua.

- Về giáo dục: chính phủ ban hành sắc lệnh về nền giáo dục bắt buộc, mở các trường công thu hút con em nhân dân vào học. Thành lập các trường sư phạm để đào tạo giáo viên. Đặc biệt là khuyến khích thanh niên đi du học nước ngoài với nhiều chính sách ưu đãi và thuê chuyên gia là người phương Tây đến giảng dạy, hướng dẫn và làm chuyên gia trong các lĩnh vực quan trọng.

- Cải cách về tư pháp: Nhà vua thành lập hội đồng tránh việc xét xử và tuyên án với sự tham gia của nhiều ban, bộ, ngành khác nhau. Cải cách hệ thống nhà tù và hiện đại hóa lực lượng cảnh sát.

- Về tôn giáo: Nhà nước thi hành chính sách khoan dung đối với tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng trong đó Phật giáo là tôn giáo được quan tâm nhất.

- Về quân sự: Năm 1887 nhà Vua cho thành lập Bộ Quốc phòng, quân đội được có một số chuyên gia quân sự người Anh tham gia.

- Về chính sách ngoại giao: Chulalongcon tiếp tục thi hành chính sách ngoại giao mềm dẻo giữa hai thế lực Anh và Pháp để giữ được nền độc lập của quốc gia dù phải hy sinh một số quyền lợi khác của dân tộc.

Thông qua những nội dung trên chúng ta có thể khẳng định rằng chương trình cải cách của Rama V có nhiều điểm tiến bộ, một mặt vừa tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, ổn định về mặt chính trị nhưng mặt khác nó cũng tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản bên ngoài xâm nhập mạnh mẽ vào Xiêm. Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng cuộc cải cách này được

đánh giá như một cuộc cách mạng tư sản, là một bước ngoặt trong lịch sử vương quốc Thái Lan.

Sau khi Vua Chulalongcon qua đời (1910), con của ông là Vatriravut lên nối ngôi lấy hiệu là Rama VI (1910-1925), ông là một người chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây. Cho nên, sau khi lên nối ngôi, ông ta tiếp tục thi hành chương trình canh tân đất nước của Vua cha.

Tháng 1/1911 nhà Vua công bố đạo luật thủ tiêu hoàn toàn chế độ nô lệ dưới mọi hình thức và trên thực tế chế độ nô lệ đến đây mới vĩnh viễn chấm dứt.

- Trong lĩnh vực kinh tế: Nhà nước chú trọng mở rộng diện tích trồng trọt và khai hoang phục hóa để tăng cường việc xuất khẩu gạo. Trong công nghiệp, nhà Vua tiếp tục cho phép tư bản nước ngoài đầu tư vào Xiêm, tăng cường sản xuất các mặt hàng xuất khẩu để cạnh tranh với nước ngoài.

- Về văn hóa - giáo dục, y tế: Năm 1917, nhà Vua cho thành lập trường đại học tổng hợp Chulalongcon. Đến năm 1921, Xiêm đã thông qua đạo luật phổ cập bắt buộc đối với trẻ em từ 8 đến 15 tuổi. Về mặt y tế, nhà nước thực hiện chế độ tiêm chủng bắt buộc, thành lập “Hội chữ thập đỏ” để tuyên truyền giáo dục, sức khỏe y tế.

- Trên lĩnh vực quân sự, ngoài việc tiếp tục thực hiện hiện đại hóa lực lượng quân sự, Xiêm đã cho thành lập lực lượng quân tình nguyện riêng để bảo vệ nhà Vua và lực lượng này do đích thân Vua chỉ huy.

Về đối ngoại: Xiêm tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao “Ngọn cây tre”, khi chiến tranh thế giới I (1914-1918) nổ ra, Xiêm tuyên bố trung lập nhưng khi xu thế trên chiến trường đã nghiêng về phe Hiệp ước thì ngay lập tức Xiêm đã nghiêng về phe này và quyết định tuyên chiến với Đức-Áo- Hung. Cho nên sau chiến tranh Xiêm đã có tư cách là người chiến thắng. Do đó, Xiêm đã thu được rất nhiều lợi nhuận.

- Ngoài ra, về mặt xã hội, nhà nước Xiêm đã ban hành chế độ một vợ một chồng, ra sắc lệnh con cái phải lấy theo họ bố, phải sử dụng dương lịch...

Như vậy, so với chương trình cải cách của Rama V thì chương trình cải cách của Rama VI hạn chế hơn cả về chiều rộng lẫn bề sâu. Tuy nhiên, những chính sách tiến bộ trên đã có tác động và ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Xiêm, giúp Xiêm tiếp tục xóa bỏ nền kinh tế tự cấp tự túc, chuyển nhanh sang nền kinh tế hàng hóa. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Chính sách của các nước phương tây đối với thái lan thời cận đại (Trang 91 - 97)