B. NỘI DUNG
3.1.1. Những tác động tích cực đối với Thái Lan
3.1.1.1. Sự biến đổi tích cực về kinh tế
Nếu như các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á lục địa bị rơi vào ách xâm lược của các nước phương Tây thì vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, ở Xiêm - sự xuất hiện của các Đế quốc phương tây, tạo ra áp lực trong vấn đề gìn giữ độc lập, khiến Thái Lan thực hiện chính sách ngoại giao khôn khéo và mềm dẻo, bảo vệ được nền độc lập, đồng thời tiến hành các chương trình cải cách nhằm phát triển đất nước. Những cuộc cải cách đó đã làm cho nền kinh tế Xiêm có những biến chuyển quan trọng.
Trước hết, trong lĩnh vực nông nghiệp: Nông nghiệp là ngành kinh tế truyền thống ở Xiêm. Dưới thời Chulalongcon (1868-1910) do chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp như chính sách giảm như thuế đối với ruộng đất ở miền Trung Xiêm hay việc giải phóng giai cấp nô lệ và xóa bỏ chế độ lao dịch đã góp phần “giải phóng một phần sức lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp” [1,478]. Điều đó làm cho diện tích đất trồng lúa tăng lên, theo đó sản lượng và năng suất lúa cũng tăng lên rõ rệt. Do đó, gạo xuất khẩu được ngày càng nhiều. Chẳng hạn như vùng đồng bằng ở miền Trung Xiêm, nơi chiếm 75% diện tích đất canh tác trong toàn quốc đã chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu. Vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX sản lượng gạo xuất khẩu đã tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 1885 Xiêm xuất khẩu được 225.000 tấn gạo thì đến năm 1900 con số này là 500.000 tấn. Như vậy,
chỉ trong vòng 15 năm lượng gạo xuất khẩu tăng lên gấp hai lần. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất con số này tăng lên hàng triệu tấn. Xiêm trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy vậy, trong nông nghiệp Xiêm cũng phải nhập khẩu một số loại mặt hàng khác với giá rẻ hơn. Do đó, nó đã làm cho một số ngành nghề truyền thống như: nghề dệt, nghề bông, nghề trồng thuốc lá v.v... bị thu hẹp dần. Thêm vào đó là tình trạng phân hóa ruộng đất cũng như phân cực giàu nghèo trong nông thôn diễn ra hết sức gay gắt. Tình trạng nông dân bị mắc nợ cũng như không có ruộng đất canh tác diễn ra trên các vùng lãnh thổ của Xiêm trong những thập kỉ đầu thế kỉ XX.
Cũng như ở Mianma, Xiêm có một nguồn tài nguyên rừng rất phong phú và đa dạng, trong đó gỗ tếch là loại tài nguyên chiếm ưu thế nhất. Chính vì vậy, tư bản nước ngoài không ngừng bỏ vốn vào kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đế quốc Anh chiếm độc quyền về khai thác rừng và xuất khẩu gỗ tếch để đóng tàu.
Trong lĩnh vực công nghiệp khác nhau như công nghiệp xay xát gạo, công nghiệp đóng tàu thuyền, công nghiệp khai thác khoáng sản v.v... cũng có nhiều thay đổi to lớn. Do Xiêm là nước có nhiều ưu thế về sản xuất lúa gạo nên các nhà tư bản trong nước cũng như nước ngoài tăng cường đầu tư để lập nên các nhà máy xay xát gạo. Năm 1890 riêng ở Băng Cốc đã có tới 25 nhà máy xay lớn được trang bị máy móc mới, có nhà máy thuê tới hơn 400 công nhân vào làm việc. Đến năm 1912 con số này tăng lên 50 nhà máy, gấp 2 lần so với năm 1890. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, có trên dưới 100 nhà máy. Trong nghành công nghiệp này thì người Hoa đóng vai trò quan trọng nhất. Năm 1899 số nhà máy xay xát của người Hoa chiếm 2/3 tổng số nhà máy xay xát ở Xiêm. Đến năm 1919, tất cả những nhà máy xay xát gạo đều là của người Hoa. Song với việc khai thác và xuất khẩu gỗ tếch thì các nhà máy cưa và ngành công nghiệp đóng tàu cũng ra đời như một hệ quả tất yếu. Năm
1894, nhà máy cưa lớn đầu tiên được ra đời ở Xiêm. Đồng thời đầu thế kỉ XX, ngành đóng tàu thuyền cũng được thành lập với sự ra đời của Công ty tàu thuyền Xiêm-Hoa. Ngành công nghiệp này có những bước phát triển nhanh chóng do nhu cầu trao đổi buôn bán ngày càng nhiều giữa nước Xiêm với các khu vực khác trên thế giới.
Giống như các ngành công nghiệp khác thì công nghiệp khai khoáng cũng được đầu tư phát triển. Nếu như trước đây việc khai khoáng được thực hiện bằng những phương pháp thô sơ và kém hiệu quả thì vào cuối thế kỉ XIX khi chủ nghĩa tư bản đã thực sự xâm nhập vào nền kinh tế Xiêm thì nghành công nghiệp khai khoáng được áp dụng những kĩ thuật công nghệ tiên tiến đương thời để tiến hành khai thác và chế biến khoáng sản phục vụ nền công nghiệp trong nước cũng như xuất khẩu. Ở Xiêm có nhiều loại khoáng sản như thiếc, vàng, vonfram... Nhưng hầu như các nguồn khoáng sản này đều nằm dưới sự khống chế của tư bản nước ngoài, đặc biệt là tư bản Anh.
Do nền kinh tế Xiêm có những chuyển biến quan trọng như vậy nên đã thúc đẩy ngành ngoại thương phát triển đạt đến mức xuất siêu. Theo số liệu thống kê cho thấy vào năm 1885 tiền bán hàng xuất khẩu nhiều hơn tiền mua hàng nhập khẩu là 435 ngàn Livro Steling, năm 1893 len đến 2216 ngàn. Tuy nhiên, lĩnh vực này lại chịu sự khống chế của người Anh, nghĩa là người Anh khống chế từ 70-80% hàng xuất nhập khẩu của Xiêm, đặc biệt là lúa gạo và gỗ tếch.
Trên lĩnh vực giao thông vận tải cũng có nhiều bước phát triển. Nhà nước bỏ vốn kinh doanh đường sắt. Con đường sắt đầu tiên được dựng lên vào các năm từ 1881-1883 từ Băng Cốc dến Pắc Nam. Năm 1892 chính phủ Xiêm cho xây dựng đường xe lửa từ Băng Cốc đến Cò Rạt, hoàn thành vào năm 1921. Năm 1909 nhờ số tiền vay được của Anh chính phủ lại cho xây dựng con đường xe lửa xuyên đảo đến Malaysia, hoàn thành vào thời gian trước cuộc chiến tranh thế giới I. Đến năm 1914 mạng lưới đường sắt trên
toàn nước Xiêm là 2000km. Đây là hệ thống đường giao thông hiện đại và thuận tiện.
Từ đó, chúng ta khẳng định một điều rằng sự xâm nhập của tư bản nước ngoài đã làm cho những mầm mống quan hệ tư bản chủ nghĩa ở Xiêm đã tồn tại trước đó có điều kiện phát triển nhanh chóng hơn trong nửa sau thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Sự xuất hiện của phương Tây cùng với chính sách đối ngoại mở cửa đã tạo điều kiện rất quan trọng cho Xiêm hội nhập vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản thế giới. Kinh tế Xiêm đứng trước nhiều thách thức trước sự cạnh tranh quyết liệt và tàn nhẫn của thứ “tư bản chủ nghĩa dã man” khi đó nhưng không thể nói rằng nó không có cơ hội để phát triển. Nền kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp bị giải thể, quan hệ tiền tệ hàng hóa ngày càng chiếm ưu thế tạo điều kiện cho một thị trường thống nhất dân tộc hình thành và nối liền với thị trường kinh tế thế giới. Nền kinh tế cổ truyền Xiêm có những biến chuyển sâu rộng theo mô hình phương Tây, đặc biệt là 30 năm đầu thế kỉ XX
3.1.1.2. Sự biến đổi về xã hội
Những cải cách của Rama V, Rama VI cũng như sự xâm nhập của thực dân phương Tây một mặt đã đem đến sự thay đổi quan trọng trong đời sống kinh tế và mặt khác nó cũng kéo theo những chuyển biến nhất định trong sự phân hóa xã hội Xiêm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.
Có thể nói, những chính sách tiến bộ của Rama V, Rama VI như xóa bỏ chế độ nô lệ, xóa bỏ chế độ lao dịch cho nông dân đã giải phóng một phần sức lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là chính sách tăng cường xuất khẩu gạo đã du nhập quan hệ hàng hóa nhỏ trong nông thôn. Giai cấp nông dân vốn đã chiếm 90% dân số của nước Xiêm được hưởng một số điều kiện dễ chịu, đặc biệt là ở vùng Trung Xiêm - nơi xuất khẩu tới 95% lượng gạo của cả nước. Mặc dù vậy, giai cấp nông dân vẫn không thể thoát khỏi ách bóc lột phong kiến, do đó phương thức bóc lột đối với nông dân vẫn theo hình
thức phát canh thu tô nhất là nông dân ở vùng ngoài Trung Xiêm-nơi không có khả năng xuất khẩu gạo. Như vậy, mặc dù nền nông nghiệp đã được du nhập bởi quan hệ sản xuất tư bản và nó đem lại những mặt tích cực mà ai cũng thấy rõ thì hậu quả mà nó mang lại cũng hết sức nghiêm trọng. Đó là sự phân hóa ruộng đất cũng như sự phân cực giàu nghèo trong nông thôn. “Ruộng đất ngày càng bị chia nhỏ và mua bán ngày càng nhiều, số người có nhiều ruộng và số người có ít hoặc không có ruộng ngày càng phổ biến” [2, 307-308]. Theo số liệu thống kê thì vào những thập kỉ đầu thế kỉ XX số nông dân mắc nợ ở miền Trung là 45%, miền Nam là 18%, miền Bắc là 18% và miền Đông Bắc là 11%. Cũng trong thời gian đó tỉ lệ nông dân không có ruộng đất là 36% ở miền Trung, 14,5% ở miền Nam, 22,44% ở miền Bắc và 18% ở miền Đông Bắc.
Như vậy đến đầu thế kỉ XX, trong nông thôn Xiêm, ngoài một bộ phận ít ỏi những người nông dân biết cách làm ăn và trở nên giàu có thì đa số nông dân thiếu hoặc không có ruộng đất phải đi làm thuê cho các địa chủ ở nông thôn và làm thuê cho các nhà máy, xí nghiệp v.v... trên thành phố và họ chính là một bộ phận đông đảo hình thành nên tầng lớp vô sản trong nông nghiệp và công nghiệp.
Vào cuối thế kỉ XIX, cùng với sự phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp với sự ra đời hàng loạt của các nhà máy xí nghiệp như nhà máy cưa, đóng tàu, xay xát gạo v.v... giai cấp công nhân cũng đã bắt đầu xuất hiện ở Xiêm, lúc đó ước chừng chỉ 100.000 người và chủ yếu chỉ là công nhân nông nghiệp vì trong nông thôn tầng lớp nông dân ngày càng bị bần cùng hóa, mất ruộng nên phải làm thuê cho các chủ đất và bộ phận này chiếm một lực lượng đông đảo.
Như vậy, những giai tầng mới trong xã hội Xiêm cũng hình thành như vô sản, tư sản dân tộc, trí thức tiểu tư sản dân tộc và đặc biệt là tầng lớp quý tộc phong kiến tư sản hóa. Một bộ phận quý tộc phong kiến trong đó có bản
thân vua Rama IV và Rama V tham gia hoặc chuyển sang kinh doanh theo phương thức tư bản chủ nghĩa. Nhiều người đi du học ở Âu-Mỹ có tư tưởng cấp tiến phương tây khác hẳn với phái bảo thủ. Chính tầng lớp tư sản công thương (người Thái và người Hoa) cùng phái quý tộc tư sản hóa là cơ sở xã hội quan trọng, một trong những nhân tố đảm bảo để tư tưởng cải cách canh tân của Xiêm được thực hiện thành công. Mối liên hệ kinh tế đã tạo nên sự đổi mới về ý thức tư tưởng phong kiến khiến cho tầm mắt của giai cấp phong kiến Xiêm có thể vượt qua khuôn khổ chật hẹp của chủ nghĩa bảo thủ mà thấy sự cần thiết phải đổi mới xã hội và tìm cho nước mình một con đường tiến vào chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở của một nền kinh tế đã bắt đầu đổi mới đông đảo quý tộc tự do giai cấp tư sản và tầng lớp trí thức trở thành chỗ dựa xã hội của đường lối cải cách mở cửa. Một đội ngũ quan chức mới được đào tạo theo kiểu cách phương Tây sẽ là những người hưởng ứng và thực hiện chính sách cải cách theo hướng phương Tây.
Nói tóm lại, mặc dầu Xiêm là một nước duy nhất ở Đông Nam Á giữ được nền độc lập vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX nhưng những biến đổi về kinh tế, xã hội Xiêm vào thời điểm đó về cơ bản cũng giống như các nước Đông Nam Á khác bị các nước phương Tây trực tiếp cai trị. Đó là sự xuất hiện của nền kinh tế hàng hóa và sự ra đời của giai cấp tầng lớp mới trong xã hội, sự phân hóa của các tầng lớp, giai cấp trong xã hội cũ. Tuy nhiên, vì Xiêm vẫn là một đất nước phong kiến nên những biến đổi về kinh tế - xã hội mặc dầu có nhiều tiến bộ nhưng cũng bị kìm hãm bởi quan hệ sản xuất phong kiến lỗi thời.