Bài học từ chính sách đối ngoại của Thái Lan

Một phần của tài liệu Chính sách của các nước phương tây đối với thái lan thời cận đại (Trang 111 - 114)

B. NỘI DUNG

3.2.1. Bài học từ chính sách đối ngoại của Thái Lan

Bài học rút ra là cần khai thác một cách tối đa lợi thế của đất nước trong mối quan hệ với các nước Đế quốc, thực hiện chính sách ngoại giao

mềm dẻo, “hòa để tiến” khi thực lực đất nước chưa cho phép đối đầu một cách trực tiếp với kẻ thù.

Cho đến giữa thế kỉ XIX, Mông Kut đứng trước áp lực của các Đế quốc phương Tây đã kí hàng loạt các hiệp ước bất bình đẳng có lợi cho họ. Đây là chủ trương ngoại giao có chủ ý, sáng suốt, thức thời của những người lãnh đạo đất nước Xiêm, của nghệ thuật ngoại giao lựa chọn, biết mình, biết người. Vua Mông kut nhận thức được rằng tiềm năng kinh tế quân sự của Xiêm vào thời điểm đó không đủ sức chống chọi với sức mạnh vượt trội, hơn hẳn của phương Tây. Mông kut đã chủ động khai thác tối đa lợi thế của Xiêm với tư cách là khu vực tranh chấp quyền lợi giữa một bên là Pháp ở phía Đông và Anh ở phía Tây để bảo vệ nền độc lập của mình. Mông kut cũng nhận thức rằng họ phải hy sinh một số quyền lợi trước mắt, chịu một số thiệt thòi nhượng bộ để đạt được mục đích tối cao là chủ quyền và độc lập dân tộc. Sự lựa chọn đó là sáng suốt, đúng đắn và hợp thời. Đúng như Mông kut đã viết cho Đại sứ Xiêm ở Pari năm 1867 như sau: “Một nước nhỏ như chúng ta phải làm gì khi nó bị các nước hùng mạnh bao vây từ hai mặt hoặc ba phía? Cứ cho rằng chúng ta sẽ khai mỏ vàng trong nước được nhiều triệu kitti (thỏi) vàng, số thỏi vàng đó đủ để mua hàng trăm tàu chiến. Nhưng ngay cả vốn vàng trong tay chúng ta cũng không thể đấu tranh chống họ vì chúng ta phải mua của chính họ tàu chiến và đạn dược này. Hiện nay chúng ta không có khả năng tự sản xuất thứ này, còn nếu chúng ta có đủ tiền mua thì các nước này này cũng có thể bất cứ lúc nào ngừng bán cho chúng ta khi biết rằng chúng ta đang vũ trang chống họ. Vũ khí duy nhất mà chúng ta có và có thể sử dụng trong tương lai đó là những cái miệng và trái tim của chúng ta chứa đầy những điều tốt lành và sự thông thái”[46,54].

Cùng trong một hoàn cảnh lịch sử như vậy, không phải nước nào cũng có thể làm được điều mà Xiêm đã làm, hoặc là không nhìn nhận thấy mình

phải nhượng bộ trước sức mạnh của các Đế quốc phương Tây, hoặc là nhận thấy, biết rõ nhưng không chấp nhận hy sinh những quyền lợi trước mắt, đặt chủ quyền dân tộc lên hàng đầu.

Nhìn lại lịch sử xâm thực của thực dân phương Tây và chống xâm thực của các dân tộc Đông Á cho đến thế kỉ XIX, có thể thấy các phương thức ứng phó như sau:

Phương thức thứ nhất là dễ dàng chấp nhận ách chiếm đóng của thực dân phương Tây. Các thủ lĩnh của một số đảo thuộc quần đảo Indonesia và Philippin ngày nay, quốc vương Campuchia và một số suntan ở các sultanate miền trung bán đảo Mã lai lựa chọn. Các tiểu quốc mà họ đang cai trị lúc đó thường nằm ở khu vực tranh chấp giữa các cường quốc láng giềng. Trường hợp Campuchia là một ví dụ điển hình, từ giữa thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX, vương quốc này nằm trong địa bàn tranh chấp quyền lực giữa Xiêm và Việt Nam. Các vua Campuchia thường phải thần phục, tìm kiếm sự che chở của các Tôn chủ mạnh hơn ở phía Đông và phía Tây, kết quả dù cho họ ngả về phía nào thì cũng bị chèn ép cả hai phía. Vì vậy năm 1863 khi Pháp cho chiến thuyền ngược dòng sông Mê công đến Phnom Pênh thì nhà vua Norodom tự nguyện xin thần phục, hy vọng bằng cách đó sẽ thoát khỏi sức ép của hai nước láng giềng. Khi nhận ra chủ quyền của vương quốc vì vậy đã rơi vào tay một thế lực ngoại bang mới xa lạ hơn, Nororodom mới tìm cách chống trả thì đã quá muộn.

Phương thức thứ hai là: Kiên quyết chống lại cuộc xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây bằng biện pháp kháng chiến. Đây là phương thức ứng phó được nhiều dân tộc Đông Á lựa chọn nhất, tiêu biểu là cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp. Miến Điện chống thực dân Anh và cuộc kháng chiến của nhà Mãn Thanh chống lại cuộc tấn công của chủ nghĩa thực dân phương Tây trong hai cuộc “chiến tranh thuốc phiện”.

Tuy mỗi cuộc kháng chiến có những diễn biến cụ thể khác nhau nhưng đều có chung một số đặc điểm như:

- Các vương quốc chọn phương thức đối đầu với chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây đều là những cường quốc quân sự ở khu vực. Ngoài Trung Quốc là một đế chế lớn với một quân đội khổng lồ thì Việt Nam, Miến Điện cũng là hai nước có truyền thống thiện chiến, từng lập được chiến công hiển hách trong lịch sử và ngay trong thế kỉ XVIII và XIX cũng đã từng đánh bại quân đội của một số nước láng giềng. Tuy nhiên bối cảnh “Đế quốc quân sự” trên đây chỉ đúng với bối cảnh quân sự khu vực, còn so sánh với quân đội thực dân nhà nghề phương tây thì sự chênh lệch về vũ khí, tổ chức và huấn luyện quân đội là rất lớn, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thất bại trong cuộc kháng chiến của các dân tộc này.

- Phương thức bảo vệ chủ quyền và sự tồn vong của dân tộc bằng kháng chiến của các nhà cai trị tại các vương quốc trên được sự ủng hộ mạnh mẽ của đông đảo dân chúng, bởi lẽ cuộc kháng chiến đó đã khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức cộng đồng dân tộc rất mạnh mẽ. Chính nhờ vào sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng mà lực lượng kháng chiến ở một số nước đã có thể gây cho quân xâm lược phương Tây một số tổn thất quan trọng, buộc chúng không thể áp dụng được chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”

- Dù kháng chiến quyết liệt đến đâu thì cuối cùng các dân tộc Đông Á cũng phải chịu khuất phục trước các đội quân nhà nghề của thực dân phương Tây. Sự thất bại phổ biến của các cuộc kháng chiến chứng tỏ hiển nhiên rằng: Chỉ với phương thức kháng chiến truyền thống của các dân tộc Đông Á thì không thể bảo vệ chủ quyền dân tộc và do đó trong bối cảnh của thế kỉ XIX, đây không phải một sự lựa chọn phù hợp.

Một phần của tài liệu Chính sách của các nước phương tây đối với thái lan thời cận đại (Trang 111 - 114)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(134 trang)
w