Văn hóa và ngôn ngữ có mối liên hệ chặt chẽ, không thể tách rời. Ngôn ngữ là kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc, thông qua ngôn ngữ văn hóa được gìn giữ và lưu truyền. Sự biến đổi và phát triển ngôn ngữ luôn luôn đi song song với sự biến đổi và phát triển văn hóa. Thông thường thì trình độ sử dụng ngoại ngữđược quyết định bằng hai yếu tố: Sự am hiểu về ngôn ngữ và sự hiểu biết về kiến thức văn hóa trong bối cảnh của ngôn ngữđó.
Văn hóa trong dạy và học ngoại ngữ không chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu các hiện tượng văn hoá vật thể nhưđồăn - thức uống, thói quen, phong tục tập quán, lối sống…mà còn quan tâm đến khía cạnh phi vật thể. Cụ thể là hệ thống những giá trị và chuẩn mực, mà hiện thân của chúng có thể tìm thấy trong lời nói của từng cá thể. Qua phân tích trên đây, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, dạy văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc dạy và học tiếng nước ngoài. Do có những tương đồng và khác biệt giữa các nền văn hóa nên người thầy có trách nhiệm giúp cho người học nhận biết những lỗi dễ mắc do những khác biệt về văn hóa gây nên trong khi giao tiếp với người nước ngoài, hay trong khi làm công việc phiên và biên dịch. Người thầy còn phải giúp cho người học ý thức được rằng những khuôn mẫu của giọng nói và ngữđiệu cũng có ý nghĩa và mỗi thứ tiếng có những khuôn mẫu riêng. Ngoài ra, mỗi nền văn hóa chấp nhận những kiểu loại ngôn ngữ cử chỉ khác nhau; mỗi một hệ thống ngôn ngữ có đặc trưng cú pháp và từ vựng khác nhau. Hơn thế nữa mối quan hệ giữa người nói và người nghe cũng không giống nhau.
Tóm lại, dạy văn hóa trong quá trình dạy - học ngoại ngữ là bắt buộc. Vấn đề cần trao đổi là dạy gì và dạy như thế nào để người học tiếp thu được những đặc trưng văn hóa, vật chất và phi vật chất, một cách thoải mái và tích cực nhất. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong tương tác liên văn hóa.