Song song với việc phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS), nghề nuôi tôm của Việt Nam trong nhiều năm vừa qua đã có những bước phát triển rất lớn cả về chất và lượng, tăng cao vượt bậc kể cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Có được điều này là do điều kiện tự nhiên của Việt Nam rất phù hợp cho việc nuôi tôm. Với 3.260 km bờ biển, hệ thống sông ngòi dày đặc (trung bình 20km bờ biển có một cửa sông), với 660.000 ha diện tích vùng triều và nhiều đầm phá, eo vịnh lớn nhỏ cùng diện tích lớn rừng ngập mặn có thể đưa vào sử dụng để NTTS, điều kiện khí hậu nhiệt đới,
nguồn lực con người dồi dào. Bên cạnh đó trong những năm qua cùng với sự đào tạo đội ngũ kỹ thuật lành nghề phục vụ cho ngành NTTS thì chính phủ Việt Nam cũng đã có rất nhiều chính sách hợp lý nhằm thúc đẩy ngành nuôi tôm phát triển.
Theo nội dung chương trình phát triển NTTS thời kỳ 1999-2010 của bộ thủy sản, hướng chủ yếu của giai đoạn này là thay đổi phương thức nuôi: giảm diện tích nuôi quảng canh, tăng diện tích nuôi công nghiệp từ 15-20 % tổng diện tích nuôi. NTTS nước lợ (tương ứng 65.000-80.000 ha) bình quân tăng từ 4.000-5.000 ha/năm. Năng suất bình quân đạt 2,0-2,5 tấn/ha, phấn đấu đến 2010 đáp ứng 70-80 % sản lượng tôm xuất khẩu là tôm nuôi. Cụ thể là tổng diện tích nuôi tôm Sú 260.000 ha (trong đó 60.000 ha nuôi công nghiệp, 100.000 ha nuôi bán thâm canh, 100.000 ha nuôi mô hình cân bằng sinh thái – nuôi luân canh, xen canh) đạt sản lượng 360.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 1.400 triệu USD. Trước hết là tập trung nuôi ở những khu vực có tiềm năng, có điều kiện, nhất là các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ sau đó mới mở rộng ra các tỉnh lân cận và các tỉnh phía Bắc.
Đánh giá kết quả chương trình phát triển NTTS giai đoạn 1999-2010 như sau: Chương trình đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu từ NTTS là 3,5 tỷ USD (đạt 125 % so với kế hoạch), giải quyết được 3,5 triệu việc làm cho người lao động (đạt 175 % chỉ tiêu đề ra). Diện tích NTTS cả nước năm 2010 là 1.096.722 ha (đạt 109,68 %). Sản lượng NTTS là 2.828.622 tấn (đạt 141,4 %). Về cơ bản đã sản xuất đủ giống đáp ứng cho nhu cầu nuôi thương phẩm, đặc biệt là các đối tượng nuôi chủ lực như tôm nước lợ là 4,5 tỷ con (đạt 128,6 % so với kế hoạch) [20].
Nghề nuôi tôm ở Việt Nam thực sự phát triển vào giữa những năm của thập niên 80 thế kỷ XX khi Trường Đại Học Thủy Sản cho sinh sản thành công giống tôm Sú. Năm 1989-1991 nước ta đã nghiên cứu thành công kỹ thuật nuôi phát dục thành thục và góp phần giải quyết nguồn tôm
giống bố mẹ cho sinh sản nhân tạo và được áp dụng rộng rãi trong sản xuất giống tôm Sú trong cả nước. Hiện nay kỹ thuật này hoàn thiện hơn và được coi là khâu kỹ thuật quan trọng nhất trong công nghệ sản xuất giống tôm Sú nhân tạo [2], [30].
Nghề nuôi tôm phát triển từ hình thức nuôi quảng canh đến quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Năm 1997-1998, nuôi bán thâm canh đã trở thành một hình thức kỹ thuật nuôi mới của nghề nuôi tôm ở nước ta và đã phát triển nhanh chóng trong nhiều năm qua. Phát triển nuôi bán thâm canh là hình thức tất yếu để có cơ hội du nhập công nghệ nuôi tôm tiên tiến của khu vực và thế giới vào Việt Nam. Hiện nay có ba hình thức nuôi phổ biến là: nuôi quảng canh truyền thống và quảng canh cải tiến; nuôi bán thâm canh; nuôi thâm canh. Việc lựa chọn hình thức nuôi tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, năng lực đầu tư, trình độ quản lý của người nuôi ở địa phương.
Diện tích chuyên nuôi tôm Sú thương phẩm trước đây chỉ có ở một số tỉnh miền Trung nay phát triển và mở rộng ra khắp các tỉnh Bắc, Trung, Nam với nhiều hình thức nuôi như nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. Trong quá trình phát triển kỹ thuật nuôi, từng bước được cải tiến nhằm nâng cao năng suất và sản lượng. Trong phát triển NTTS nuôi tôm Sú xuất khẩu đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng góp phần xóa đói giảm nghèo sử dụng tiềm năng đất đai hoang hóa, kể cả vùng đất cát.
Khu vực đồng bằng Sông Cửu Long có sản lượng tôm nuôi lớn nhất cả nước. Năm 2005 sản lượng tôm nuôi nước lợ của khu vực này là 263.560 tấn (bằng 81,2 % sản lượng tôm cả nước), tăng gấp 4,5 lần sản lượng năm 1999. Tuy nhiên phương thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh và quảng canh cải tiến nên năng suất trung bình không cao (năm 2005 có năng suất trung bình là 492 kg/ha) [20].
Khu vực Đông Nam Bộ có sản lượng tôm nuôi năm 2005 là 20.010 tấn, tăng 1,67 lần so với năm 1999 [20].
Khu vực các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ có sản lượng tôm nuôi năm 2005 là 21.600 tấn, thấp hơn năm 2004 do diện tích nuôi bị giảm (năm 2004 là 22.625 tấn) tăng hơn so với năm 1999 (năm 1999 là 11.211 tấn) [20]
Các tỉnh Bắc Trung Bộ có sản lượng tôm nuôi năm 2005 là 12.390 tấn, tăng gấp 8,1 lần so với năm 1999. Năng suất trung bình đạt được năm 2005 là 905 kg/ha, trong khi đó bình quân cả nước là 537 kg/ha [20].
Các tỉnh đồng bằng Sông Hồng có sản lượng tôm nuôi năm 2005 là 15.750 tấn, tăng 13.247 tấn so với năm 1999 [20].
Sau năm 2000, diện tích nuôi tôm của Việt Nam tăng lên rất nhiều, song phần lớn sử dụng nuôi tôm theo hình thức quảng canh cải tiến, còn phần diện tích chiếm tỷ lệ rất ít được sử dụng nuôi theo hình thức bán thâm canh và thâm canh. Do đó trong những năm vừa qua sản lượng tôm nuôi của Việt Nam có tăng, song năng suất bình quân trong cả nước tăng không đáng kể và chưa xứng tầm với khả năng sẵn có. Theo những thông báo gần đây Việt Nam có diện tích nuôi tôm Sú tăng lên nhưng nguồn tôm nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, đặc biệt là vào thời điểm trái vụ.
Phần lớn các khu vực nuôi tôm trong cả nước vẫn tồn tại hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến, những hình thức này có vốn đầu tư ít, sản lượng thấp, mức độ rủi ro cao, chỉ một phần diện tích nhỏ được nuôi theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp.
Năm 2010 diện tích nuôi tôm Sú cả nước đạt 613.718 ha trong đó diện tích nuôi công nghiệp chỉ chiếm khoảng 10 %, điều đó có nghĩa hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến là chủ yếu. Như vậy việc mở rộng đầu tư, phát triển hình thức nuôi tôm công nghiệp thay thế dần các hình thức nuôi tôm năng suất thấp ở nước ta là rất cần thiết để đáp ứng đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu tăng nguồn thu nhập ngoại tệ và phát triển kinh tế đất nước. Nuôi tôm công nghiệp xuất hiện ở nước ta vào những năm của thập kỷ 90 ở thế kỷ XX, nhưng tỷ lệ chỉ chiếm 5 % so với 80 % số diện tích nuôi theo hình thức nuôi quảng canh (theo số liệu thống kê ADB 1996).
Thời gian gần đây với nhiều chính sách phát triển của nhà nước, số diện tích nuôi Tôm Sú công nghiệp tăng lên đáng kể đạt khoảng 61.372 ha trong tổng 613.718 ha năm 2010.
Miền Trung là khu vực đi đầu trong lĩnh vực nuôi công nghiệp Tôm Sú ở nước ta. Năm 1996 nhờ áp dụng quy trình nuôi công nghiệp, một số mô hình nuôi ở Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh đã đạt được 5 tấn/ha/vụ trong khi năm 1995 chỉ đạt năng suất 415-1.144 kg/ha/vụ (Tạ Khắc Thường, 1996) [28]. Năm 1997 mô hình nuôi công nghiệp của Thái Lan thử nghiệm thành công tại Ninh Thuận, Bình Thuận. Các tỉnh thuộc khu vực phía Nam nơi đóng góp lớn nhất cho sản lượng tôm nuôi của Việt Nam, việc áp dụng hình thức nuôi công nghiệp cũng bắt đầu vào năm 1997, năng suất nuôi đạt 5 tấn/ha/vụ ỏ Trà Vinh. Năm 1998 đạt năng suất 7 tấn/ha/vụ tại Tiền Giang. Đây là những kết quả khởi đầu cho phong trào công nghiệp hóa nghề nuôi tôm Sú ở Việt Nam.
Hiện nay, phần lớn sản lượng tôm nuôi, đặc biệt là tôm Sú được sản xuất tại từ các ao nuôi quảng canh cải tiến. Tuy nhiên, xu hướng của các hệ thống nuôi tôm mà các cơ quan khuyến ngư đang tích cực thúc đẩy là ngày càng tăng cường mức độ thâm canh. Khác với các nước Châu Á láng giềng, nơi chủ yếu nuôi tôm chân trắng, tại Việt Nam tôm Sú vẫn đang được chú trọng. Nhờ vậy, Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn đang sản xuất tôm Sú cỡ to, chất lượng cao và có rất ít đối thủ cạnh tranh.
Một số tỉnh đứng đầu về sản lượng nuôi tôm ở Việt Nam thể hiện qua bảng sau:
Bảng 1.5 Năm tỉnh đướng đầu về nuôi tôm của Việt Nam năm 2008
STT Tỉnh Sản lượng (tấn)
1 Cà Mau 93.920
3 Sóc Trăng 54.250
4 Kiên Giang 28.601
5 Bến Tre 23.950
(Nguồn FiCEN/CIS)
Nghề nuôi tôm của Việt Nam hiện nay đang gặp một số trở ngại, trong đó có tác động tiêu cực của việc phát triển nhanh chóng diện tích nuôi tôm vùng nước lợ, thậm chí cách bờ biển tới 10 km, làm mặn hóa nước ngầm một số khu vực, gây nghẽn bùn ở một số khu vực nội địa và giảm diện tích rừng ngập mặn. Hiện nay nghề nuôi tôm Sú ở nước ta vẫn phụ thuộc vào đánh bắt tôm mẹ đã thành thục ngoài tự nhiên để sản xuất tôm giống. Với nhu cầu ngày càng tăng trong khi số lượng khai thác ngày càng giảm, giá tôm Sú mẹ có khi bị đẩy lên tới hàng chục triệu đồng một con. Ngoài ra, người ta cũng lo ngại rằng, việc đưa tôm thẻ chân trắng vào nuôi sẽ làm tăng số lượng tôm này ngoài tự nhiên do tôm thoát ra khỏi ao nuôi, và có thể truyền bệnh từ tôm thẻ chân trắng sang tôm Sú và ngược lại, đặc biệt là bệnh vi rút đốm trắng.