Theo một nghiên cứu gần đây của Ban tổ chức Hàng Việt Nam Chất lượng cao thì hình thức “truyền miệng thông qua người quen” là kênh thông tin chiếm đến 19,04% trong các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người mua hàng. Yếu tố người quen giới thiệu chỉ đứng sau quảng cáo và kinh nghiệm của bản thân người mua.
Đối với một số lĩnh vực dịch vụ truyền thống, thậm chí truyền miệng là yếu tố quan trọng nhất để khách hàng biết đến nhà cung cấp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng các căn hộ nhỏ và vừa cho các gia đình, đa số mọi người thường đi tìm nhà thầu xây dựng bằng cách hỏi bạn bè, hàng xóm. Tương tự với một số sản phẩm tiêu dùng, thời trang cao cấp, truyền miệng là một trong những kênh tiếp thị chính cho dù nhà sản xuất không thiếu tiền để làm quảng cáo. Khách hàng mục tiêu của loại sản phẩm này khá kén chọn. Họ thường muốn tạo cho mình một hình ảnh khác biệt, cá tính và “không đụng hàng”. Nếu sản phẩm được quảng cáo quá ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông, họ sẽ không muốn mua nữa vì thông qua “mass media” họ sẽ không còn cơ hội để tự “khẳng định” mình.
Ngoài ưu điểm lan truyền nhanh, chi phí thấp thì tiếp thị truyền miệng có thể gặp rủi ro khi thông tin truyền đi bị sai lạc hoặc theo những diễn tiến không lường trước được. Tiếp thị truyền miệng còn được dùng như một vũ khí để tấn công đối thủ. Ở Nhật đã co công ty thuê người bàn tán, nói xấu công ty đối thủ trên tàu điện ngầm để lan truyền tin vịt. Ngân hàng ACB cũng từng phải khốn đốn khi xử lý tin thất thiệt rằng tổng giám đốc ACB bỏ trốn. Ngoài những khía cạnh truyền thống, ngày nay, việc truyền miệng càng trở nên nhanh hơn, rộng hơn nhờ sự phát triển rộng rãi của các phần mềm chat, email, các diễn đàn thảo luận trên Internet. Một sự kiện xảy ra ở Sài Gòn, chỉ cần vài giây sau đã co người ở Hà Nội biết đến. Nếu biết cách khai thác sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu giao tiếp online của giới trẻ thì tiếp thị truyền miệng sẽ là một công cụ cực kỳ lợi hại.