Quản lý các hoạt động khác của học sinh

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động dạy học ở các trường THPT huyện hoằng hóa, tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 103 - 107)

8. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.3. Quản lý các hoạt động khác của học sinh

* Quản lý phong trào tự học, học nhóm của học sinh

- Mục tiêu:

Hướng dẫn HS phương pháp tự học. Xác định cho HS phải coi việc tự học là cốt lõi, thầy dạy mà trò không tự học thì sẽ không có kết quả. Quản lý việc tự học của HS nâng cao chất lượng học tập.

- Nội dung:

GVCN là người quản lý trực tiếp việc tự học của HS lớp mình . Muốn vậy GV phải có sự hướng dẫn HS cách học. Sau mỗi bài dạy phải hướng dẫn cho HS việc cần làm ở nhà, những lưu ý cần thiết của bài học. Đầu giờ học phải dành thời gian kiểm tra những vấn đề giờ trước GV yêu cầu HS chuẩn bị, đưa việc này vào nề nếp.

- Cách thức thực hiện:

GVCN kết hợp với GVBM tạo cho các em từng nhóm học tập từ 4 đến 5 em có đặc điểm: cư trú gần nhau, trong nhóm có HS khá, HS giỏi và HS yếu. Yêu cầu đặt ra là các em khá, giỏi giúp các em yếu hơn về phương pháp học tập, bổ sung giảng giải kiến thức mà bạn chưa hiểu, tuyệt đối không làm thay, học thay.

Mỗi buổi học, HS vào lớp trước tiết học đầu 15 phút để các tổ kiểm tra việc học bài và làm bài cũ của các thành viên trong tổ. Đoàn THCS Hồ Chí Minh tự quản trong giờ này và chấm điểm thi đua cho các lớp. Làm như thế tạo ra không khí thi đua giữa các tổ, nhóm giúp các em có ý thức học tập tốt hơn. GVCN phối hợp với phụ huynh HS trong việc tạo điều kiện về thời gian và vật chất cho HS: phụ huynh phải kiểm tra giờ giấc học tập, lịch học đã được ghi trong thời gian biểu, tạo góc học tập cho HS ở nhà; mua sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học tập đầy đủ; thường xuyên báo cáo với GVCN về tình hình học tập của con em mình.

* Quản lý hoạt động hướng nghiệp, học nghề.

- Mục tiêu:

Công tác GDHN và dạy nghề trong các trường THPT là bước khởi đầu trong quá trình phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng dẫn và chuẩn bị cho học sinh tâm thế kỹ năng sẵn sàng đi vào lao động các ngành nghề mà xã hội cần.

- Nội dung:

+ Định hướng nghề nghiệp cho học sinh + Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh

+ Tạo điều kiện cho việc tuyển chọn nghề nghiệp

+ Định hướng nghề nghiệp là sự hướng dẫn chung của giáo viên nhằm giúp cho học sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn, bao gồm hai công việc gắn bó với nhau là giáo dục nghề nghiệp và tuyên truyền nghề nghiệp.

Giáo dục nghề nghiệp có nhiệm vụ: cho học sinh làm quen với một số nghề cơ bản, phổ biến của xã hội và của địa phương, tìm hiểu xu thế phát triển nghề và những yêu cầu tâm lý do nghề đó đặt ra cho người lao động. Tạo điều kiện ban đầu để học sinh phát triển năng lực tương ứng với hứng thú nghề nghiệp đã hình thành. Giáo dục thái độ lao động đúng đắn, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong dự định chọn nghề của học sinh.

Tuyên tuyền nghề nghiệp: Làm cho HS chú ý đến những nghề đang có nhu cầu cấp thiết về nhân lực, đang cần lao động trẻ tuổi và điều chỉnh hứng thú, động cơ nghề nghiệp của học sinh thông qua các gương lao động dũng cảm, sáng tạo trong lao động sản xuất và đời sống xã hội.

+ Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh nhằm xác lập tương quan giữa những đặc điểm của nhân cách học sinh với những yêu cầu tâm lý nghề nghiệp đặt ra đối với người lao động. Trên cơ sở đó cho học sinh những lời khuyên bổ ích, chỉ ra hướng đi và sự lựa chọn nghề nghiệp thích hợp cho từng học sinh.

+ Tạo điều kiện cho việc tuyển chọn nghề nghiệp: Để thực hiện nhiệm vụ này nhà trường phải cung cấp tư liệu về đặc điểm nhân cách của từng học sinh khi ra trường, góp ý kiến cho việc tuyển sinh vào các trường đào tạo nghề, tuyển chọn người vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội được thuận lợi chính xác. Do vậy trường THPT phải đánh giá chính xác học sinh dưới góc độ hướng nghiệp và bàn giao học sinh ra trường.

* Quản lý hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa.

- Mục tiêu:

Thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giúp HS củng cố, bổ sung và mở rộng thêm tri thức đã học; phát triển óc thẩm mỹ, tăng cường thể chất; nhận thức xã hội, ý thức công dân, tình yêu quê hương đất nước; GD thái độ tích cực, tinh thần

đoàn kết, ý thức chủ động và mạnh dạn trong các hoạt động tập thể; rèn luyện cho HS các kỹ năng tự quản hoạt động ngoài giờ lên lớp, góp phần GD kỹ năng sống tích cực của người công dân tương lai.

- Nội dung:

Hoạt động GD ngoài giờ lên lớp bao gồm nhiều nội dung và hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, đó là loại hình: Hoạt động xã hội, hoạt động văn hóa văn nghệ, hoạt động lao động. Với những loại hình hoạt động như trên, nhà trường có thể tiến hành dưới nhiều dạng hoạt động như: hoạt động theo chủ điểm, tiết sinh hoạt hàng tuần, tiết chào cờ đầu tuần. Các dạng hoạt động trên có liên quan mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, thống nhất với nhau trong QTGD. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp yêu cầu có sự phối hợp chặt chẽ của mọi tổ chức trong nhà trường: BGH, GV, HS, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội CMHS.

- Cách thức tiến hành:

Trước hết xác định rõ tên chủ đề hoạt động hoặc chủ đề của buổi sinh hoạt, rồi lựa chọn hình thức hoạt động phù hợp, xây dựng yêu cầu GD cần đạt được của hoạt động đó theo 3 yếu tố: nhận thức, thái độ và kỹ năng hành vi. Người quản lý phải dự kiến nội dung và các hình thức hoạt động sẽ được tổ chức, dự kiến người thực hiện, dự kiến thời gian tiến hành, điều kiện, phương tiện vật chất cần thiết…

GVCN tổ chức cho tập thể HS lập kế hoạch, hướng dẫn HS bàn bạc, phân công những công việc cần tổ chức cho nhóm và mọi thành viên trong lớp tham gia tiến hành chuẩn bị và hoàn thành các công việc được phân công.

Thực hiện kế hoạch hoạt động: đây là bước thể hiện toàn bộ kết quả chuẩn bị của GV và HS, là bước để HS thể hiện năng lực tổ chức tự quản hoạt động tập thể. Chú ý thực hiện theo đúng chương trình đã vạch, các tình huống ngoài dự kiến, theo dõi hoạt động và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Rút kinh nghiệm và đánh giá kết quả, đây cũng là dịp bồi dưỡng các em về khả năng đánh giá hoạt động của tập thể, hướng dẫn các em nhận định cả ưu điểm và

tồn tại để khắc phục. Đánh giá có thể tiến hành ngay sau hoạt động một cách công khai.

Hoạt động ngoại khóa có thể được tiến hành ở nhóm, tổ, lớp hoặc toàn trường. Đối với học sinh trung học, hình thức thích hợp là các tổ ngoại khóa bộ môn. Hình thức hoạt động ngoại khóa rất đa dạng, ví dụ: nghiên cứu, sưu tầm, diễn thuyết, thực nghiệm , tham quan.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động dạy học ở các trường THPT huyện hoằng hóa, tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 103 - 107)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w