. Các thông tin về chi phí đầu tư, năng suất,sản lượng, thu nhập
3.2.6. Thực trạng chăm sóc cây đậu xanh ở huyện Hương Khê
Việc chăm sóc, xới xáo, tỉa dặm, làm cỏ, bón thúc v.v... đều là những biện pháp kỹ thuật thâm canh có hiệu quả rõ rệt đến năng suất. Các loại cây màu nói chung và cây đậu xanh nói riêng, có phản ứng khá nhạy với biện pháp thâm canh, càng được thâm canh càng cho năng suất cao, cho nên khi phát triển màu thì cần coi trọng việc thâm canh để vừa đạt hiệu quả kinh tế cao vừa có tác dụng bồi dưỡng đất.
+ Dặm tỉa:
Trong vụ hè thì khoảng sau 3 - 4 ngày là cây mọc. Khi cây đã mọc cần tiến hành dặm tỉa và để lại mật độ đã ấn định, không nên để quá dày sẽ hạn chế sự sinh trưởng, cây phát triển kém, cằn cỗi, ít quả. Nếu quan sát thấy mật độ cây không đảm bảo, cần giặm ngay để quần thể cây phát triển đồng đều. Khi cây có 2 - 3 lá thật tỉa bỏ cây sinh trưởng kém, còi cọc, bị bệnh.
+ Xới xáo và vun gốc:
Với mục đích chính là nâng cao độ xốp, độ thông khí, tạo điều kiện cho vi sinh vật và rễ nhanh phát triển, vì thế có thể xới và làm cỏ ít nhất 2 lần:
- Lần 1: Xới sau nảy mấm 15 ngày, xới sâu 10 - 12 cm, băm nhỏ lớp đất mặt, san phẳng mặt luống, sạch cỏ dại, chú ý không để tổn thương bộ rễ ở giai đoạn này.
- Lần 2: Xới sau khi nảy mầm 30 - 35 ngày kết hợp bón thúc phân và vun cao, xới sâu 15 - 20 cm cách gốc 10 cm, băm nhỏ đất, sạch cỏ dại, vun cao, hạn chế tổn thương vùng rễ.
Tuy nhiên hầu hết người dân ở đây chỉ tiến hành làm cỏ một lần, vừa làm cỏ kết hợp vùn gốc và bón phân khi đậu được 3 - 4 lá thật.
+ Tưới tiêu:
Cây đậu xanh ưa đất ẩm nhưng lại rất yếu chịu hạn và úng. Đậu xanh chịu hạn kém, nên ngay từ khi cây con đã cần đất có đủ ẩm mới phát triển tốt được. Thời kỳ cây ra hoa, làm quả và hạt phát triển đến khi chín, nếu đủ ẩm thì mới đảm bảo năng suất và phẩm chất. Độ ẩm cần thiết cho hạt mọc là 80%, nếu trồng thuần, gieo tập trung, khi gặp hạn mà có điều kiện thì nên tưới vào rãnh trước khi gieo. Nếu không đủ ẩm thì vừa rạch luống vừa gieo và lấp luôn hoặc gieo vào lúc mát trời.
Thời kỳ cây ra hoa, kết quả cần ẩm độ đồng ruộng 80 - 90%, nếu gặp hạn cần tưới cho quả đỡ rụng, quả và hạt chắc hơn. Nếu tưới kịp thời điểm đó có thể là tăng năng suất 15 - 20% hoặc hơn. Nếu tưới muộn quả bị chín ép vừa giảm năng suất, vừa kém chất lượng hạt. Nhưng trong thực tế sản xuất thì cây đậu xanh không có chế độ tưới nước, một phần là do tập quán canh tác có từ lâu, một phần là do không có đủ nước để tưới cho đậu xanh trên diện tích rộng lớn. Hầu hết các hồ đập, công trình thuỷ lợi là để phục vụ cho sản xuất lúa nên cây đậu xanh được phó mặc cho trời, người dân còn quá phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa chủ động trong sản xuất. Đó là nhược điểm lớn của bà con nông dân huyện Hương Khê cần phải sớm được khắc phục.
Cây đậu xanh cũng rất sợ úng nước. Lúc gieo và mọc, nếu bị úng cây con mọc kém và có khi chết hàng loạt nếu không được chống úng kịp thời. Khi cây ra hoa, kết quả nếu gặp úng thì lá, hoa và quả dễ bị rụng, bộ rễ dễ bị thối, cây chết hoặc héo nên ảnh hưởng đến năng suất. Cho nên trong vụ hè cần thiết là chọn các chân ruộng cao, dễ thoát nước, loại đất có thành phần cơ giới nhẹ là tốt nhất, mặt khác cần làm luống cao, mặt luống phẳng. Khi không may bị úng thì phải tháo kịp thời không để quá một ngày làm cây sinh trưởng còi cọc hoặc chết.