Một số định hướng của việc thiết kế các tình huống hoạt động để tập luyện cho học sinh trong quá trình dạy học nội dung đạo hàm và ứng

Một phần của tài liệu Tập luyện cho học sinh các hoạt động trong dạy học nội dung đạo hàm và ứng dụng đạo hàm của hàm số ở các lớp cuối cấp THPT (Trang 40 - 43)

tập luyện cho học sinh trong quá trình dạy học nội dung đạo hàm và ứng dụng đạo hàm ở trường THPT.

Việc thiết kế các hoạt động là nhiệm vụ của giáo viên . Đây là một yếu tố mà giáo viên cần coi trọng bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến sự thành công của việc tập luyện hoạt động cho học sinh. Nó có thể ví như việc có đạo diễn giỏi, có diễn viên tài năng nhưng nếu thiếu kịch bản hay thì chưa đủ điều kiện cần để sản xuất được một tác phẩm thành công. Chính vì điều đó nên khi thiết kế các hoạt động học tập giáo viên cần lưu ý một số định hướng sau:

+ Định hướng 1: Tình huống hoạt động phải hàm chứa dạy một tri thức hay nhằm giải quyết một chướng ngại hoặc để thỏa mãn một nhu cầu nhận thức nào đó. Khi thiết kế tình huống người giáo viên phải căn cứ vào mục tiêu dạy học, chức năng của hoạt động để sao cho khi học sinh thực hiện xong tình huống giáo viên giao cho thì đối tượng được bộc lộ và nhờ đó việc tiếp cận các đơn vị kiến thức mới dễ dàng hơn và không bị áp đặt.

+ Định hướng 2: Tình huống hoạt động phải được thiết kế sao cho người học có thể tiếp cận đối tượng học tập bằng nhiều cách nhờ đó phát huy được khả năng sáng tạo của người học. Chúng ta cũng không nên máy móc quá lệ thuộc vào SGK mà tùy theo tình hình thực tiễn dạy học của mình để có thể điều chỉnh thiết kế các hoạt động thích hợp miễn sao đáp ứng được mục tiêu dạy học.

+ Định hướng 3: Tình huống hoạt động không nên quá đơn giản, cũng không nên quá khó. Nếu quá đơn giản sẽ mất đi tác dụng của hoạt động bởi vì những điều học sinh có thể đã biết hoặc có thể dễ dàng suy ra sẽ không tạo được nhu cầu nhận thức ở các em. Tuy nhiên, nếu tình huống quá phức tạp có thể học sinh sẽ không thực hiện được hoạt động khi đó phải nhờ quá nhiều vào sự hướng dẫn của giáo viên điều này dẫn đến việc các em dễ chán nản, mất đi hứng thú và nhanh chóng bỏ qua. Chúng ta cần tạo ra các hoạt động vừa sức mà vẫn chứa đựng được ý đồ sư phạm của mình.

+ Định hướng 4: Tình huống hoạt động phải được gắn kèm với hệ thống câu hỏi. Trong mỗi hoạt động, giáo viên cần dự kiến hệ thống câu hỏi xen kẽ với những yêu cầu học sinh thực hiện để hướng dẫn học sinh tiếp cận, tự phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức mới. Mỗi hoạt động đều nhằm mục tiêu chiếm lĩnh một kiến thức hay rèn luyện một kĩ năng cụ thể phục vụ cho việc đạt được mục tiêu chung của bài học. Hệ thống câu hỏi của giáo viên nhằm hướng dẫn học sinh tiếp cận, phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức trong từng hoạt động giữ vai trò chỉ đạo, quyết định chất lượng lĩnh hội của lớp học. Câu hỏi cần rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với trình độ học sinh và những nội dung chính của bài học. Đối với các câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời về những kiến thức mới, thì những kiến thức đó phải có mối liên hệ với những kiến thức cũ mà học sinh đã được học hoặc tiếp thu được từ thực tế cuộc sống

+ Định hướng 5: Tình huống hoạt động phải có tính khả thi. Khi thiết kế các tình huống hoạt động giáo viên phải dự kiến tất cả các yếu tố liên quan đến hoạt động như: thời gian dành cho hoạt động là bao nhiêu? Cách thức tổ chức như thế nào? Sử dụng các phương tiện dạy học nào để hỗ trợ cho hoạt động? Có những tình huống hoạt động không thể tổ chức tập luyện cho học sinh được vì mất quá nhiều thời gian, nó vượt qua thời gian cho phép của một tiết học. Cũng có những tình huống không khả thi vì không thể lựa chọn được hình thức tổ chức hoạt động phù hợp hoặc không có đủ phương tiện dạy học để tiến hành hoạt động. Chẳng hạn, chúng ta thiết kế một hoạt động mà khi thực hiện nó phải có máy chiếu hoặc đầu đĩa video nhưng cơ sở vật chất của trường không thể đáp ứng thì khi đó không thể thực hiện hoạt động như dự kiến. Trong trường hợp này giáo viên phải thay đổi phương án sao cho phù hợp với điều kiện của trường, lớp và đối tượng học sinh.

+ Định hướng 6: Tình huống hoạt động phải đảm bảo thực hiện được theo yêu cầu về đổi mới PPDH. Trong mỗi hoạt động phải thể hiện rõ vai trò của giáo viên và của học sinh. Để đáp ứng được yêu cầu về đổi mới PPDH hiện nay thì hoạt động của học sinh được đặt lên hàng đầu. Giáo viên chỉ đưa ra cho học sinh những gợi ý sao cho học sinh có thể tự tìm tòi, huy động hoặc xây dựng những kiến thức và cách thức hoạt động thích hợp để giải quyết nhiệm vụ mà họ đảm nhận. Muốn làm tốt điều này giáo viên cần phải nắm vững quy luật chung của quá trình nhận thức khoa học, lôgíc hình thành các kiến thức Toán học, những tình huống thường gặp trong quá trình nhận thức Toán học để hoạch định những hành động, thao tác cần thiết của học sinh trong quá trình chiếm lĩnh một kiến thức hay một kỹ năng xác định.

Một phần của tài liệu Tập luyện cho học sinh các hoạt động trong dạy học nội dung đạo hàm và ứng dụng đạo hàm của hàm số ở các lớp cuối cấp THPT (Trang 40 - 43)