III. Chương III: Phân tích môi trường bên ngoài của Công Ty: 3.1 Phân tích môi trường vĩ mô:
a. Tình hinh chung của kinh tế Việt Nam 10 tháng năm
Tăng trưởng tiếp tục tăng dần qua các quý và ước đạt 5,54% trong quý III, đưa GDP 9 tháng đầu năm tăng 5,14% cao hơn cùng kỳ năm ngoái. GDP quý IV dự báo sẽ tăng ở mức 6% do tổng cầu nền kinh tế sẽ chuyển biến tích cực hơn khi tính đến tính chất mùa vụ và tác động của độ trễ chính sách (khoảng 9 tháng) trong những tháng cuối năm. Do vậy, tăng trưởng cả năm được dự báo có phần khả quan hơn so với mức dự báo ban đầu của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (5,3%). Một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính có chuyển dấu hiệu khả quan hơn trong tháng như sản xuất, xuất khẩu, lạm phát, vốn đầu tư FDI. Chỉ số chứng khoán-chỉ báo sớm của nền kinh tế cũng cho thấy dấu hiệu đã qua đáy trung dài hạn. Cụ thể:
Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét hơn : chỉ số PMI tháng 9 tăng cao nhất kể từ khi tiến hành khảo sát (đạt 51,5) nhờ sự gia tăng các đơn hàng mới đặc biệt đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất trong vòng lịch sử khảo sát của HSBC kéo dài 2,5 năm. Ngoài ra, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) phục hồi dần qua các quý: quý I tăng 4,5%, quý II tăng 5,2%, quý III ước tăng 6%. Tính chung 10 tháng đầu năm, IIP tăng 5,4% trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức phục hồi khá hơn mặt bằng chung ở mức 6,8%.
Nguồn vốn FDI khả quan và cơ cấu vốn tích cực: Tính đến tháng 10/2013, FDI thu hút đạt trên 19 tỷ USD, tăng 65,6%, vốn FDI thực hiện đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo, thiết bị điện tử vẫn là các lĩnh vức hấp dẫn nhất, trong 9 tháng chiếm 86,4% tổng vốn cấp mới & tăng thêm và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ giúp VN cải thiện năng lực sản xuất dài hạn và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
FDI hiện vẫn là trụ cột trong hoạt động xuất khẩu với tỷ trọng 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 27,2% so với cùng kỳ). Trong khi đó, do chịu tác động mạnh của chính sách trong nước, hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh hơn kể từ năm 2011 so với khu vực FDI (Hình 1). Xu hướng có phần cải thiện hơn trong năm 2013 so với năm 2012 khi hoạt động động xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực này lần lượt tăng 3% và 3,5% so với cùng kỳ. Tăng trưởng nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất và máy móc phục vụ sản xuất cũng tăng khá cho thấy triển vọng phục hồi sản xuất trong nước sáng sủa hơn.