Vai trò của khái niệm “Quan niệm nghệ thuật về con người”

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết Tiếng người của Phan Việt (Trang 39 - 41)

8. Bố cục của khoá luận

2.1.2. Vai trò của khái niệm “Quan niệm nghệ thuật về con người”

tìm hiểu đánh giá tác giả và tác phẩm văn học.

Một nền nghệ thuật mới bao giờ cũng làm sản sinh ra những con người mới. Đó là hệ quả về cách hiểu mới về con người. Do vậy, đổi mới nghệ thuật là đổi mới cách giả thiết và cảm nhận con người. Có thể nói quan niệm nghệ về con người là thước đo quan trọng bậc nhất về trình độ nghệ thuật của một dân tộc, một thời đại và mỗi cá nhân nghệ sĩ.

Quan niệm nghệ thuật về con người tạo thành cơ sở, thành nhân tố vận động của nghệ thuật. Sự vận động của thực tế đời sống sẽ làm nảy sinh những con người mới và việc miêu tả, thể hiện những con người mới ấy tất yếu dẫn đến sự đổi mới cho văn học. Như thế có nghĩa sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người cho thấy sự vận động, đổi mới, tiến bộ của văn học nghệ thuật.

Quan niệm nghệ về con người là thước đo trình độ chiếm lĩnh đời sống của văn học. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử khẳng định “Chừng nào chưa có sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người thì sự tái hiện các hiện

tượng khác nhau trong đời sống chỉ có ý nghĩa mở rộng về lượng trên cùng một chiều sâu” [26; 118].

Như thế có thể khẳng định quan niệm nghệ thuật về con người chính là chiều sâu nhân bản của một tác phẩm nghệ thuật, trong khi đó những cách tân nghệ thuật, những chất liệu nghệ thuật mới không phải là hệ quy chiếu quan trọng nhất để từ đó xác định sự vận động, đổi mới của một nền văn học. Bởi bên cạnh những dấu ấn sáng tạo của cá nhân người nghệ sĩ thì quan niệm nghệ thuật về con người xét về quy luật xã hội - là một sản phẩm của lịch sử mang đặc trưng của văn hóa, tư tưởng của thời đại. “Quan niệm con người là

hình thức đặc thù nhất cho sự phản ánh nghệ thuật, trong đó phản ánh sự tác động qua lại của nghệ thuật với các hình thái ý thức xã hội khác” [24; 58].

Quan niệm nghệ thuật về con người trong tác phẩm luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu có thể có, nó là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn của một tác phẩm văn chương. Nguyễn Văn Siêu từ thế kỉ XIX đã có nhận xét “Văn chương có hai loại: đáng thờ và không đáng

thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú vào văn chương. Loại đáng thờ là loại luôn chuyên chú vào con người”.

Quan niệm nghệ thuật về con người là hệ quy chiếu nội tại của chủ thể trong cảm nhận con người. Nó phản ánh tính chất tiến bộ, sâu sắc trong tư duy chủ thể sáng tạo. Người nghệ sĩ đích thực là người không ngừng suy tư một cách nghiêm túc về con người, cho con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu sâu sắc hơn, toàn diện hơn về con người. Do vậy, khám phá quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn chính là quá trình thâm nhập sâu hơn vào tư duy nghệ thuật, thực chất sáng tạo của người nghệ sĩ và có cơ sở vững chắc hơn trong việc đánh giá những đóng góp, những thành tựu của họ. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ đầu năm 1986, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng đã phát biểu về vấn đề này: “Văn học và đời sống là

hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó là con người. Người viết nào cũng có thể có tính xấu nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình. Cần giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống”.

Quan niệm nghệ thuật về con người còn đóng vai trò là yếu tố cơ bản then chốt của một chỉnh thể nghệ thuật bao gồm: các phương thức, phương tiện nghệ thuật biểu hiện tư tưởng và cảm hứng, trình độ nhận thức, chiếm lĩnh, cắt nghĩa, phản ánh thế giới và con người của tác giả. Điều này có nghĩa quan niệm nghệ thuật về con người chi phối tính nhất quán và độc đáo của chỉnh thể đó.

Tìm hiểu quan niệm nghệ thuật về con người khi nghiên cứu các hiện tượng văn học không chỉ giúp chúng ta nhận thức được những dấu ấn độc đáo của chủ thể sáng tạo được ngưng kết trong hình tượng nghệ thuật của tác phẩm mà còn cung cấp cho chúng ta một góc nhìn có thể lí giải một cách tương đối đúng đắn, toàn diện về các giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong tiểu thuyết Tiếng người của Phan Việt (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w