8. Bố cục của khoá luận
1.2.3. Lời nói nghệ thuật
Lời nói nghệ thuật hay còn gọi là lời văn nghệ thuật trong tác phẩm văn chương. Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Lời văn nghệ thuật là dạng phát
ngôn được tổ chức một cách nghệ thuật tạo thành cơ sở ngôn từ của tác phẩm văn học… Lời văn nghệ thuật có tính chất cố định, tính độc lập hoàn
chỉnh trong bản thân nó có tính vĩnh viễn” [9; 161]. Lời nói nghệ thuật được
coi là phương tiện quan trọng để khắc họa hình tượng thể hiện đời sống và tư tưởng của nhà văn.
Nếu ngôn ngữ là hệ thống các quy tắc nói, viết chung của một cộng đồng phân biệt với tiếng nói, chữ viết của cộng đồng khác và có thể khái quát lại trong từ điển và sách ngữ pháp thì lời nói được hiểu là ngôn ngữ trong hành động, trong hoạt động, là ngôn từ gắn với những chủ thể phát ngôn khác nhau. Nếu ngôn ngữ là sản phẩm chung của cả cộng đồng thì lời nói là việc vận dụng, sử dụng ngôn ngữ của các cá nhân gắn với những mẹo luật riêng (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, các phương tiện tu từ…) và theo những mục đích giao tiếp riêng. Lời nói nghệ thuật cũng là một dạng của ngôn từ nhưng là ngôn từ đã được tổ chức theo quy luật nghệ thuật, được đặt trong một hệ thống giao tiếp khác với giao tiếp thông thường và mang những chức năng đặc thù. Lời nói nghệ thuật là lời của cá nhân nghệ sĩ trong tác phẩm văn học. Nó là một hiện tượng văn học.
Có thể thấy, lời nói nghệ thuật bắt nguồn từ ngôn từ, ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ toàn dân nhưng đã đươc nâng lên đến trình độ nghệ thuật. Đó là ngôn ngữ toàn dân đã được mài giũa, tinh luyện, được tổ chức một cách nghệ thuật trong tác phẩm. Không đối lập cực đoan với lời nói hàng ngày song lời nói nghệ thuật vẫn có những đặc trưng riêng và những điểm nhấn riêng: nó mang tính hình tượng, tính biểu cảm, tính tổ chức cao và phục vụ cho cấu trúc hình tượng cuả tác phẩm.
Căn cứ vào hệ thống tác phẩm văn chương, trong lịch sử văn chương, giới nghiên cứu cho rằng, lời nói nghệ thuật bao gồm hai thành phần chính là
lời nói gián tiếp của người kể chuyện và lời nói trực tiếp của nhân vật. Mỗi
yếu tố này trong tác phẩm có đặc điểm riêng và có nhiệm vụ cụ thể khác nhau.
Lời người kể chuyện khá phổ biến ở các tác phẩm tự sự (ở đây là lời tác giả hay nhân vật kể) là phương tiện hết sức cơ bản để bộc lộ chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, nêu bật tính cách của nhân vật. Nó tạo nên ở bạn đọc một thái độ nhất định đối với vấn đề được nói tới. Ngôn ngữ người kể chuyện đóng vai trò chủ yếu trong việc dẫn dắt câu chuyện từ những manh nha của mâu thuẫn, xung đột đến từng bước đi giải quyết chúng trong tác phẩm. Trong kịch, lời nói tác giả rất hãn hữu chỉ xuất hiện thấp thoáng ở đầu các hồi và các cảnh hay chen giữa lời thoại để gợi ý đạo diễn và diễn viên cũng như họa sĩ trang trí và nghệ sĩ đạo cụ. Còn lời nói trực tiếp của nhân vật (là lời nhân vật đối thoại hay độc thoại) “phản ánh diễn biến của sự việc, lời nói thể hiện xung
đột và sự cởi mở, lời nói thể hiện vị trí xã hội, nghề nghiệp, tính tình, tư cách, dục vọng của nhân vật và diễn biến của nó; nhiều khi hành động (theo nghĩa đen) không diễn ra trên sân khấu, chỉ có lời nói của nhân vật báo trước hay thuật lại hành động… Trong kịch bản, lời nói nhân vật choán hết các cảnh và
có hệ thống” [17; 260].
Ở tác phẩm văn chương, mỗi yếu tố của lời nói nghệ thuật này có ý nghĩa khác nhau, vai trò khác nhau nhưng luôn đan xen, hỗ trợ, bổ sung nhau để cùng đạt tới dụng ý nghệ thuật của tác giả. Lời nói trực tiếp của nhân vật có vai trò khắc họa những đặc điểm, thuộc tính của nhân vật. Nó lại được thể hiện thông qua ngôn ngữ của tác giả. Và chính ngôn ngữ người kể chuyện có tác dụng kết hợp với lời nhân vật đưa lại tính hoàn chỉnh và thống nhất của một chỉnh thể nghệ thuật.
Như thế, với sự phân tích ba yếu tố của hình thức tác phẩm: kết cấu, các biện pháp thể hiện nghệ thuật và lời nói nghệ thuật như trên, chúng tôi thấy mỗi yếu tố đều góp phần vào việc xây dựng nên nhân vật trong tác phẩm. Vì vậy, tìm hiểu nghệ thuật xây dựng nhân vật chính là tìm hiểu ba mặt của hình thức tác phẩm.
Tóm lại, lời văn nghệ thuật có vai trò rất lớn trong việc xây dựng nên ngôn ngữ chuẩn hóa, trong sáng, giàu đẹp của nhân vật. Nhưng mặt khác, là hình thức của tác phẩm, lời văn có đặc trưng riêng. Cần có nhận thức đúng để đánh giá cái hay, cái đẹp của nó, đồng thời đấu tranh kiên quyết để giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng nói dân tộc.