8. Bố cục của khoá luận
1.3.2. Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới
Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm. Văn học luôn luôn bồi đắp tình người, tình đời cho con người, hướng con người vươn tới cái cao cả. Nhà văn là người mang nỗi đau nhân thế luôn có một trái tim mẫn cảm trước hiện thực đời sống từ đó phản ánh vào trong tác phẩm của mình “những muối
mặn phù sa” của cuộc đời. Trước đổi mới, cảm hứng chủ đạo là ngợi ca
những con người “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy
tương lai”, thì sau đổi mới các nhà văn với chủ trương đưa văn học về gần với
cuộc sống và coi đó là “mảnh đất vĩnh hằng khám phá những quy luật của
các giá trị nhân bản”. Họ dường như đã nhận ra rằng: Hình như cuộc chiến
“trữ tình” hơi dày cho nên ngắm nó ta thấy mong manh, bé bỏng và óng chuốt quá khiến người ta ngờ vực. Với nhận thức đó, văn học Việt Nam sau 1986 đã có sự chuyển biến từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời tư, thay vì những câu chuyện về chiến tranh và súng đạn là những câu chuyện về tình đời, tình người. Các nhà văn chân chính đã “tự thay máu” cho chính mình. Và thể loại tiểu thuyết đã phát huy được khả năng tiếp cận và phản ánh hiện thực con người trong giai đoạn mới một cách nhanh nhạy và sắc bén.
Trong thế kỉ XX, khi các tiểu thuyết gia hiện đại phương Tây, đặc biệt là ở Pháp không chú trọng đến nhân vật, họ cho rằng tiểu thuyết của các nhân vật đã thuộc về quá khứ. Khi hoàn cảnh xã hội đã đổi khác, trong bối cảnh hỗn độn của cuộc sống, cá nhân không còn giữ được sức mạnh tuyệt đỉnh, vì thế tiểu thuyết đã không dung nạp loại nhân vật có tính cách hoặc như người ta thường gọi là “phản nhân vật”. Trong tác phẩm của họ thay vì nhân vật là “đồ vật” hoặc chỉ còn là duy nhất dòng chảy của ngôn từ, “nhân vật chỉ còn là những đại từ mơ hồ”. Nhân vật đã không còn là nhân vật theo đúng nghĩa
của nó. Nó chỉ là những mảnh vỡ manh mún, hay chỉ là một suy nghĩ thoảng qua, một dòng ý thức, một sự ám ảnh,… Các nhà văn không quan tâm đến cái gọi là nhân vật điển hình, tính cách điển hình. Trung tâm hứng thú của họ là việc vạch ra và tái hiện một cách sinh động những chất liệu tâm lí mới mẻ, là khám phá những gì đang diễn ra trong miền nội tâm khuất tối, những bí mật sâu thẳm nhất của con người. Các nhà văn đương đại đã bứt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của cách xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống để đi tìm những yếu tố, chất liệu mới mẻ tiềm tàng, khả năng trong việc phản ánh đời sống ở bề sâu bí ẩn.
Trong văn học Việt Nam nói chung, tiểu thuyết Việt Nam đương đại nói riêng, con người với tất cả các mối quan hệ, ứng xử, thân phận và cuộc
đời của nó là đối tượng và cũng là đặc trưng cơ bản của thể loại. Số phận con người trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn. Các nhà văn đã hướng ngòi bút của mình miêu tả số phận những con người bình thường với những bi kịch của cuộc đời họ. Đó là bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm, giữa cái nhân bản và cái phi nhân bản. Không chỉ vậy, các nhà văn đã nhìn nhận con người như một cá thể bình thường trong những môi trường đời sống bình thường. Nhân vật trong tiểu thuyết là những con người với trăm ngàn mảnh đời khác nhau “đầy những vết dập xóa
trên thân thể trong tâm hồn”. Có thể nói, trong tiểu thuyết Việt Nam những
năm đổi mới không chỉ đi sâu vào thân phận con người mà còn đề cập đến khát vọng sống, về hạnh phúc cá nhân, về tình yêu đôi lứa. Các tác giả đã khai thác con người tự nhiên trước nhu cầu của hạnh phúc đời thường, của cuộc sống riêng tư. Khi con người trở về với cuộc sống đời thường, mối quan hệ giữa sự nghiệp chung với hạnh phúc riêng, giữa con người cá nhân và con người xã hội phải được giải quyết hài hòa, gắn bó.
Bên cạnh đó, tiểu thuyết đã không ngần ngại miêu tả chất sắc dục, tình yêu nhục thể là một lĩnh vực rất riêng của mỗi cá nhân. Miêu tả những con người tự nhiên, khai thác yếu tố tích cực của con người tự nhiên cũng là một khía cạnh nhân bản của văn học.
Các nhà văn cũng đã đi sâu vào thế giới nội tâm để khám phá chiều sâu tâm linh nhằm nhận diện hình ảnh con người đích thực. Ngòi bút nhà văn khơi sâu vào cõi tâm linh, vô thức của con người, khai thác “con người ở bên trong con người”.
Như vậy, nếu như nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam trước đổi mới (đặc biệt là trong giai đoạn 1945 - 1975) được khai thác trong tư cách công dân đơn phiến, được nhìn nhận đánh giá theo quan điểm chính trị thì nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại được khai thác toàn diện hơn, phức tạp
hơn và sâu sắc hơn. Con người xuất hiện trong hàng loạt các tiểu thuyết là con người trần thế với tất cả chất người tự nhiên của nó: con người có sự hòa hợp giữa con người xã hội - con người tự nhiên - con người tâm linh, con người với sự thống nhất giữa ánh sáng và bóng tối, cao cả và thấp hèn, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát.
Tóm lại, trên lĩnh vực tiểu thuyết, nhà văn đã khắc họa chân dung những con người vừa đời thường, vừa trần thế, vừa đẹp đẽ, thánh thiện luôn khao khát cái đẹp và hướng tới cái thiện. Đó chính là nét nổi bật mang đậm ý nghĩa nhân văn khi nhìn nhận con người, tạo nên tiếng nói đa thanh đầy “hòa âm” và “nghịch âm” trong tiểu thuyết.
CHƯƠNG 2
QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT
“TIẾNG NGƯỜI” CỦA PHAN VIỆT.