Nhà nước cần có chiến lược hỗ trợ lâu dài đối với sự phát triển của ngành logistics. Hiện nay, hoạt động này còn yếu kém, kém đồng bộ và dàn trải. Cụ thể:
- Hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn quốc tế như đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cầu đường bộ, mở rộng khả năng vận chuyển của ngành đường sắt.
- Xây dựng thêm các kho công cộng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mới tham gia thị trường có quy mô nhỏ và hạ tầng cơ sở yếu kém. Có thêm các kho tại các khu công nghiệp, ngoại ô thành phố lớn, chứ không chỉ giới hạn ở các kho tại các cảng biển như hiện nay.
- Có chiến lược phát triển ngành logistics dài hạn và cụ thể dựa trên tình hính thực tế về quy mô thị trường và các doanh nghiệp trong nước. tăng cường các kênh thông tin cập nhật hàng ngày về thị trường kho vận trong và ngoài nước để các doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể đưa ra các chính sách phù hợp.
- Xây dựng thể chế khung pháp lý hoàn chỉnh cho ngành logistics để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường pháp lý bảo đảm. Nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics trên thị trường Việt Nam. Trước hết để duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước cần xây dựng một cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp kho vận,
chuyển phát. Luật cạnh tranh cần có quy định cụ thể hơn cho các doanh nghiệp chuyển phát.
- Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong điều kiện hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay như chính sách thuế, hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh. Đồng thời khuyến khích đầu tư trong nước và cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được phép kinh doanh khai thác cảng biển quốc tế và xóa bỏ độc quyền cung cấp dịch vụ của một số doanh nghiệp như đang làm hiện nay, tạo ra thị trường dịch vụ tự do bình đẳng, cũng như giảm chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu.