Trong thời kỳ kinh tế bao cấp, du lịch là ngành giành được ít sự quan tâm đầu tư của nhà nước. Do vậy tuy là một ngành có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nó vẫn chưa thực sự chiếm được vị trí xứng đáng trong nèn kinh tế của đất nước. Nhưng từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới cho đến nay, với chính sách mở cửa hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đảng và nhà nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích, đầu tư cho các ngành kinh tế phát triển, trong đó có ngành du lịch. Chính vì vậy trong một số năm trở lại đây hoạt động du lịch của Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể. Ngành du lịch đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một lĩnh vực kinh doanh đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay du lịch là một trong những ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao và là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Với những đặc điểm trên, nhà nước cần có những chính sách quan tâm hơn nữa đối với ngành du lịch.Thường xuyên đưa ra những chính sách ưu đãi, tạo một hành lang pháp lý riêng cho ngành. Tiến tới thực hiện việc miễn thị thực cho khách quốc tế khi vào Việt Nam du lịch. Nếu làm tốt điều này sẽ là một lợi thế để ngành du lịch Việt Nam thu hút được một lượng lớn khách quốc tế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các doah nghiệp du lịch kinh doanh một cách hiệu quả.
Bên cạnh việc hoàn thiện và đưa ra các chính sách ưu đãi cho ngành du lịch thì nhà nước cũng cần chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành. Thường xuyên phát động các phong trào du lịch quốc gia, địa phương dựa trên các ngày lễ, hội mang tính chất quốc gia hoặc vùng miền. Thông qua những sự kiện này có thể khai thác được các tài nguyên du lịch của tùng địa phương vào việc phục vụ du lịch đồng thời tiến tới sự phát triển du lịch đồng đều giữa các vùng miền trên cả nước. Đồng thời cũng cần có những chủ trương, chính sách nhằm thu hút, động viên nhân dân tham gia vào hoạt động du lịch.Đặc biệt chú trọng đến phát triển du lịch cộng đồng và du lịch bền vững. Từ đó tạo một môi trường du lịch năng động, thu hút khách. Đây chính là những tiền đề để ngành du lịch mà cụ thể ở đây là ngành kinh doanh lữ hành và kinh doanh khách sạn có cơ hội phát triển hơn nữa. Xứng đáng với tiềm năng và lợi thế mà du lịch Việt Nam có được.