Lần phân bào 1 (giảm phân 1)

Một phần của tài liệu Bài giảng môn: SINH HỌC (Dùng cho ngành Công nghệ RHQ&CQ) docx (Trang 43 - 44)

DI TRUYỀN VÀ SINH SẢN 4.1 SỰ PHÂN CHIA TẾ BÀO

b. Lần phân bào 1 (giảm phân 1)

* Kỳ đầu 1: Ở kỳ này, sự kiện quan trọng nhất là các nhiễm sắc thể kép trong cặp tương đồng tiến gần lại nhau, bắt cặp với nhau và trao đổi cho nhau những đoạn nhiễm sắc thể tương ứng. Quá trình này được gọi là quá trình trao đổi chéo hay hoán vị gen. Cần chú ý là sự bắt cặp và trao đổi chéo có thể xảy ra ở một hay đồng thời tại nhiều vị trí khác nhau trên cromatit, nhưng nó chỉ xảy ra giữa hai trong bốn cromatit của cặp nhiễm sắc thể tương đồng. Sự trao đổi chéo đã làm thay đổi cấu trúc của nhiễm sắc thể, tạo ra các tổ hợp gen mới nên tạo ra sự đa dạng trong vốn gen của quần thể.

* Kỳ giữa 1: Ở kỳ này, các nhiễm sắc thể kép đóng xoắn cực đại và tập trung thành từng cặp tương đồng trên mặt phẳng giữa tế bào (2 hàng). Các nhiễm sắc thể kép đính

với tơ vô sắc ở tâm động, mỗi nhiễm sắc thể kép trong cặp tương đồng chỉ nối với các tơ vô sắc ở một cực của tế bào.

* Kỳ sau 1: Ở kỳ này, mỗi nhiễm sắc thể kép trong cặp tương đồng giữ nguyên trạng thái và di chuyển về một cực của tế bào. Sự di chuyển của các nhiễm sắc thể là hoàn toàn ngẫu nhiên, vì vậy mỗi cực của tế bào sẽ nhận được ngẫu nhiên các nhiễm sắc thể có nguồn gốc từ bố hoặc từ mẹ.

* Kỳ cuối 1: Các nhiễm sắc thể kép tập trung ở hai cực của tế bào, tiếp đó màng nhân xuất hiện bao lấy nhiễm sắc thể, cuối cùng tế bào phân chia để tạo ra hai tế bào con. Đối với tế bào động vật sự hình thành hai tế bào con được thực hiện bằng cách thắt eo từ ngoài vào, còn đối với tế bào thực vật thì hình thành vách ngăn từ trong ra.

Như vậy, kết thúc lần giảm phân thứ nhất, từ một tế bào ban đầu tạo ra được hai tế bào con, mỗi tế bào con mang bộ nhiễm sắc thể đơn bội n nhưng các nhiễm sắc thể tồn tại ở trạng thái kép (n kép). Sau khi được tạo ra, hai tế bào con chuyển ngay sang lần giảm phân 2 mà không qua giai đoạn chuẩn bị.

c.

Lần phân bào 2 (giảm phân 2)

Lần phân chia này là phân chia nguyên nhiễm. Hai tế bào con trở thành tế bào mẹ và phân chia ngay, cũng lần lượt qua 4 kỳ giống với 4 kỳ của quá trình nguyên phân. Kết quả từ mỗi tế bào được tạo ở lần giảm phân 1, trải qua giảm phân 2 sẽ tạo ra được hai tế bào con có bộ nhiễm sắc thể đơn bội n và các nhiễm sắc thể tồn tại ở trạng thái đơn.

A B

Hình IV.2. Sơ đồ quá trình giảm phân (A) và quá trình nguyên phân (B)

Như vậy, kết thúc quá trình giảm phân, từ một tế bào sinh dục chín (2n) đã tạo ra được bốn tế bào con có bộ nhiễm sắc thể giảm đi một nửa (n đơn). Bốn tế bào con này có bộ nhiễm sắc thể không giống nhau vì đã xảy ra quá trình trao đổi chéo của các cromatit trong cặp nhiễm sắc thể tương đồng ở kỳ đầu của lần giảm phân 1 (như hình IV.2 – A).

Một phần của tài liệu Bài giảng môn: SINH HỌC (Dùng cho ngành Công nghệ RHQ&CQ) docx (Trang 43 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(52 trang)
w