Một số ứng dụng nội soi trong điều trị tổn thương xoang hàm, xương gò má

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị vỡ xoang hàm trong chấn thương tầng giữa mặt bằng nội soi kết hợp với nắn chỉnh xương (Trang 41 - 42)

gò má

Trên thế giới

Các tác giả như Marcin Czerwinski (1992) [95], Chung Hoon Lee (1998) [50], Dae-Hwan Park (1998) [52], Constance M. Barone (1998) [51], Christopher R. Forrest (1999) [49], Ralf Schon (2002) [112], [113], Schubert (2009) [122], Bansal Shallu (2012) [36], Filiaci (2013) [63]… thực hiện nghiên cứu ứng dụng nội soi trong điều trị tổn thương xoang hàm và XGM. Đa số các tác giả cho rằng sửa chữa gãy XGM dưới sự hỗ trợ của nội soi cho phép điều trị mà không cần phải tiếp cận bằng đường coronal, tránh tổn thương dây thần kinh VII [52], [95]. Với 3 đường rạch tối thiểu: trước tai, đường ngang ngoài ổ mắt 1cm và rãnh má tiếp cận hoàn toàn vào các vùng trán GM, ụ hàm GM và vùng DOM để xử trí gãy phức hợp GMCT. Qua nội soi giúp phóng đại ổ gãy, quan sát rõ tổn thương, cho phép bóc tách và nắn chỉnh một cách chính xác, gia tăng khả năng phục hồi lại cấu trúc giải phẫu. Kỹ thuật này được đánh giá cao do giảm thiểu tỉ lệ biến chứng trong phẫu thuật gãy xương vùng mặt. Mặc dù các phương pháp kinh điển xử trí mổ hở và kết hợp xương không có gì thay đổi, nhưng dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật nội soi đã giúp gia tăng khả năng kiểm soát ổ gãy trong lúc mổ, làm hẹp đường rạch, cải tiến phương pháp kinh điển. Một số ý kiến nhấn mạnh thêm rằng phương pháp này nên đóng vai trò hỗ trợ hơn là thay thế phương pháp kinh điển. Một bảng câu hỏi được gửi đến 400 phẫu thuật viên ở Mỹ. Kết quả: 40% phúc đáp được ghi nhận, 21.3% dùng nội soi để điều trị các gãy xương vùng mặt, 33% đã thực hành từ 6-10 năm. Trong gãy vùng mặt, nội soi được sử dụng để điều trị: gãy LeFort (55.9%), gãy cung gò má (52.9%). Các tác giả kết luận việc ứng dụng nội soi sẽ trở thành kỹ thuật mới và hiệu quả trong xử trí chấn thương sọ mặt. Bên cạnh đó Krimmel M. (2002) [83], Reid Mueller (2008) [117] cho rằng: việc phát hiện nhiều vật liệu mới như keo xương, xi măng xương … có thể sẽ dẫn đến chiến lược điều trị mới của nội soi hàm mặt.

Trong lĩnh vực chấn thương hàm mặt có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến chấn thương vỡ xoang hàm gò má của các tác giả ở Viện RHM trung ương [5], [6], [10], [11], Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 [23], Bệnh viện 103 [2], [17], Bệnh viện Tai Mũi Họng thành phố Hồ Chí Minh [15], [18], [26] ….. Theo một số tác giả như Lê Thị Huỳnh Mai (2000) [18],Trần Trọng Nghĩa (2011) [20], Lâm Huyền Trân (2006) [26], Nguyễn Khánh Nho (2010) [19], Châu Chiêu Hòa (2012) [10] thực hiện nghiên cứu ứng dụng nội soi trong điều trị vỡ xoang hàm và XGM nhận định rằng việc dẫn lưu máu tụ trong lòng xoang hàm sau chấn thương qua nội soi rất quan trọng, rút ngắn thời gian điều trị, giúp phục hồi nhanh chóng hoạt động sinh lý dẫn lưu của niêm mạc xoang hàm, giảm tỉ lệ di chứng sau chấn thương vỡ xoang hàm như viêm xoang, u nhầy. Việc cố định ổ gãy trong lòng xoang hàm bằng Sonde Foley tốt hơn so với méche, giúp định hình ổ gãy lâu hơn, hạn chế di lệch thứ phát sau khi nắn chỉnh và sự bốc mùi do méche gây ra. Trong nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, X- quang chấn thương tầng giữa khối xương mặt có tổn thương mũi xoang, đánh giá kết quả phẫu thuật chỉnh hình bằng nẹp vít, Châu Chiêu Hòa [10] sử dụng nẹp vít phối hợp với phẫu thuật nội soi chức năng 33.33% các trường hợp, tác giả đánh giá cao vai trò của nội soi giúp cho việc điều trị các tổn thương khối mũi xoang trong chấn thương TGM.

Nhìn chung chưa có nhiều nghiên cứu khảo sát một cách có hệ thống về kỹ thuật, chỉ định và theo dõi kết quả điều trị của việc ứng dụng phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương tổn thương xoang hàm. Từ thực tế trên, chúng tôi thực hiện đề tài: Nghiên cứu điều trị vỡ xoang hàm trong chấn thương tầng giữa mặt bằng nội soi kết hợp nắn chỉnh xương.

Chương 2

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị vỡ xoang hàm trong chấn thương tầng giữa mặt bằng nội soi kết hợp với nắn chỉnh xương (Trang 41 - 42)