Sơ lược về hệ tim mạch

Một phần của tài liệu Bài giảng chan_doan_benh_thu_y (Trang 38 - 40)

1. Thần kinh tự động của tim.

Ngoài sự điều tiết và chi phối của vỏ đại não và hệ thống thần kinh thực vật thì hệ thống thần kinh tự động của tim có vai trò quan trọng giúp tim hoạt động nhịp nhàng và có tính chất tự động nhất định.

Hệ thống thần kinh tự động của tim gồm có:

+ Nốt Keith - Flack ở phần trước vách tâm nhĩ phải, nơi tĩnh mạch chủ đổ vào; + Nốt Aschoff - Tawara ở vào phần dưới vách nhĩ thất, nên còn gọi là nốt nhĩ thất; + Bó His bắt nguồn từ nốt Aschoff - Tawara và chia làm hai nhánh trái và phải. + Chùm Purkinje do hai nhánh bó His phân ra và tận cùng ở cơ tâm thất.

Hưng phấn bắt nguồn từ nốt Keith - Flack, truyền đến cơ tâm nhĩ, sau đó theo cơ tâm nhĩ đến nốt Aschoff - Tawara làm cho tâm nhĩ co bóp. Sau khi đến nốt Aschoff - Tawara thì hưng phấn nhanh chóng lan đến bó His và chùm Purkinje. Tiếp theo tâm nhĩ bóp là tâm thất bóp.

Tim hoạt động chịu sự điều tiết của thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Thần kinh đến từ nốt thần kinh sao (Ganglion Stellatum) còn gọi là thần kinh tăng nhịp tim. Thần kinh phó giao cảm đến từ thần kinh mê tẩu tận cùng tới nốt Keith - Flack, Aschoff - Tawara và cơ tim. Thần kinh mê tẩu bên phải hưng phấn làm tim đập chậm, vì nó liên hệ chặt chẽ với nốt Keith - Flack. Còn thần kinh mê tẩu bên trái phân bố chủ yếu đến nốt Aschoff - Tawara, nên hưng phấn của nó ức chế dẫn truyền giữa nhĩ - thất, làm tim đập yếu hoặc ngừng.

Thần kinh giao cảm phía phải có tác dụng chủ yếu ở tâm nhĩ, phía bên trái chủ yếu lại là tâm thất. Thần kinh giao cảm hưng phấn làm tim đập nhanh.

Tim hoạt động chịu sự điều tiết trước tiên của trung khu ở hành tuỷ, thông qua thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Nhưng trung khu chi phối hoạt động của tim cao nhất ở dưới khâu não và trung khu này chịu sự khống chế của vỏ não.

3. Thần kinh điều tiết mạch quản.

Trung khu điều tiết vận mạch ở hành tuỷ và dọc tuỷ sống. Những trung khu này có tính tự động nhưng vẫn chịu sự điều tiết của vỏ đại não. Xung động từ các trung khu theo thần kinh vận động mạch quản và tuỳ theo yêu cầu máu của cơ thể mà kích thích mạch quản làm co mạch hay giãn mạch. Thần kinh co mạch do dây giao cảm phân ra, thần kinh dãn mạch một phần do dây giao cảm và một phần do dây phó giao cảm tạo thành.

4. Sự điều tiết hoạt động chức năng của tim.

Tuy tim có khả năng phát sinh xung động và tự động co bóp, nhưng mọi hoạt động của tim đều thông qua thần kinh giao cảm và phó giao cảm với sự khống chế và điều tiết của thần kinh trung khu. Thần kinh giao cảm không những có thể làm tăng tần số và cường độ tim co bóp, mà còn có tác dụng dinh dưỡng. Ngoài ra, nó còn tăng tính hưng phấn và khả năng dẫn truyền của cơ tim. Ngược lại, thần kinh phó giao cảm làm tim đập chậm và yếu, tính hưng phấn và dẫn truyền thấp.

Tính ổn định của huyết áp cũng có ý nghĩa trong điều tiết tim hoạt động. Phản ứng huyết áp cao qua cơ quan thụ cảm hoặc bằng hình thức phản xạ đến trung khu thần kinh làm thay đổi hoạt động của tim và độ căng của mạch quản để điều tiết huyết áp.

Ngoài ra, tham gia điều tiết hệ tim mạch còn những nhân tố sau:

+ Nội tiết tố, như kích tố thượng thận (adrrenalin, vasopressin) làm co mạch quản, tăng huyết áp.

+ Những chất hóa học tạo ra trong quá trình sinh hóa trong cơ thể, như histamin làm dãn mạch quản.

+ Chất hình thành trong thận: đặc biệt là chất Renin tác dụng hoạt hóa Hypertensinogen thành Hypertensin hoạt tính, làm co mạch quản, gây cao huyết áp.

+ Một số chất khoáng Ca, Na, K...

5. Vị trí giải phẫu của tim

Tim trâu bò: khoảng 5/7 tim ở bên phải. Tim nhỏ và dài so với cơ thể, đáy nằm ngang nửa ngực, đỉnh tim ở phần sụn của xương sườn 5, cách xương ức 2cm, bờ trước tim tới xương sườn 3, bờ sau tới xương sườn 6. Tim sát vách ngực khoảng giữa sườn 3 và sườn 4, phần còn lại bị phổi bao phủ.

Tim dê cừu có vị trí trong lồng ngực giống ở trâu bò, chỉ khác là cách vách ngực xa hơn.

Tim ngựa: 3/5 tim ở mé trái, đáy ở gần cao bằng nửa ngực, đỉnh tim ở dưới, nghiêng về bên trái, cách xương ức 2cm. Bờ trước mé trái tim đến xương sườn 2, bờ sau đến gian sườn 6. Bên phải tim ứng với gian sườn 3 - 4.

Tim lợn: khoảng 3/5 bên mé ngực trái, đáy tim ở giữa ngực, đỉnh tim về phía dưới, đến chỗ tiếp nhau giữa phần sụn của sườn 7 và xương ngực, cách xương ngực 1,5 cm.

Tim chó: khoảng 3/5 bên mé ngực trái, đáy tim nằm giữa ngực, đỉnh tim nghiêng về sau, xuống dưới đến phần sụn của xương sườn 6 - 7, có khi đến sụn xương sườn 8, cách xương ức 1 cm.

Một phần của tài liệu Bài giảng chan_doan_benh_thu_y (Trang 38 - 40)