III. LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP
d. Căn cứ vào tính chất luân chuyển
Vốn kinh doanh được chia thành 2 loại: Vốn cố định và vốn lưu động
d.1. Vốn cố định
Để tiến hành sản xuất kinh doanh các đơn vị phải mua sắm, xây dựng tài sản cố định nên cần phải có một lượng vốn ứng trước để mua sắm xây dựng tài sản cố định hữu hình hoặc những tài sản cố định không có hình thái vật chất.
Vậy vốn cố định là lượng giá trị ứng trước để xây dựng, mua sắm tài sản cố định của Doanh nghiệp.
Đặc điểm của vốn cố định:
- Vốn cố định tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh.
- Vốn cố định luân chuyển dần dần từng bộ phận giá trị vào sản phẩm (được phân bổ giá trị vào chi phí trong từng kỳ) cho đến khi hết thời hạn sử dụng thì vốn cố định hoàn thành một vòng luân chuyển (vòng tuần hoàn vốn cố định).
d.2. Vốn lưu động (Vốn ngắn hạn)
Để có được tài sản ngắn hạn, doanh nghiệp nào cũng phải ứng ra một lượng giá trị nhất định để mua sắm tài sản ngắn hạn đó để phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh.
Như vậy, vốn lưu động của doanh nghiệp là lượng giá trị ứng trước vào tài sản ngắn hạn hiện có của doanh nghiệp đảm bảo cho quá trình sản xuất và tái sản xuất của doanh nghiệp diễn ra một cách thường xuyên, liên tục.
Đặc điểm của vốn lưu động:
- Vốn lưu động tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau như vốn ngắn hạn khâu dự trữ ( nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ…), khâu sản xuất (sản phẩm dở dang, bán thành phẩm), khâu lưu thông (vốn bằng tiền, các khoản phải thu, vốn hàng hóa, vốn thành phẩm).
- Đặc điểm luân chuyển của vốn lưu động là chỉ tham gia vào một chu kỳ sản xuất và sẽ chuyển dịch toàn bộ giá trị vào sản phẩm sản xuất ra.
- Vốn lưu động hoàn thành một vòng tuần hoàn sau một chu kỳ kinh doanh.