Năm này, theo đúng kế hoạch chiến lược do Nguyễn Chích khởi xướng, Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết đinh chủ động tấn công vào Nghệ An, mở rộng địa bàn hoạt động, tìm đất đứng chân và chấm dứt hẳn thời kì tạm thời hòa hoãn với quân Minh.
Một trong những trận lớn của quân Lam Sơn ở Nghệ An là trận Khả Lưu - Bồ Ải. Bấy giờ, Lam Sơn đã chiếm được Trà Lân và khống chế được phần lớn đất Nghệ An. Tướng cao cấp của giặc là Trần Trí và Phương Chính tức tối đưa quân đi đàn áp, dự tính là sẽ bất ngờ tấn công vào Trà Lân.
Nhưng, khi chúng đang hăm hở tiến thì có tin do thám cho hay, quân Lam Sơn đã đến chiếm ải Khả Lưu và đã hạ trại chỉnh tề tại đó. Chiếm Khả Lưu cũng có nghĩa là Lam Sơn đã chiếm được vùng đát hiểm, án ngữ ngay đường đến Trà Lân. Âm mưu tạo sự bất ngờ của Trần Trí và Phương Chính kể như tiêu tan. Trước tình huống này, Trần Trí và Phương Chính liền cho quản hạ trại ở bãi Phá Lữ là một địa điểm nằm ở phía ngoài ải Khả Lưu. Bãi này, nay thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Tại đây, chúng ra sức bàn mưu tính kế, quyết chiếm cho bằng được ải Khả Lưu, vì chỉ có chiếm được ải Khả Lưu mới có tiến vào được Trà Lân.
Khả Lưu đúng là đất hiểm, nhưng, tại đất hiểm này, lương thực và thực phẩm rất thiếu thốn, Lam Sơn không thể bám trụ lâu ngày ở đày được. Vấn đề đặt ra hàng đầu đối với Lam Sơn là phải nhanh chóng nhử địch vào một trận đồ mai phục để có thể đập tan kế hoạch của chúng.
Và, Lê Lợi đã quyết định rút phần lớn lực lượng đi ém sẵn tại Bãi Sở. Đất này nay thuộc xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Lê Sát là một trong những tướng có vinh dự được cầm quản đi bày bố trận địa trước ở đấy. Một bộ phận nhỏ của Lam Sơn có nhiệm vụ ở lại Khả Lưu để giương cờ, gióng trống và nổi lửa, cốt đánh lạc hướng kẻ thù.
Bởi nôn nóng muốn đánh chiếm Khả Lưu, Trần Trí và Phương Chính đã mắc mưu Lê Lợi. Sau bốn ngày đóng tại bãi Phá Lữ, Trần Trí và Phương Chính bất thình lình cho quân đánh vào Khả Lưu. Sử cũ mô tả : “Trời gần sáng, giặc xua quân thủy bộ cùng tiến đánh vào dinh trại của Vua (chỉ Lê Lợi - NKT). Vua bèn giả lui quân để nhử chúng vào chỗ có quân ta mai phục. Giặc không chút nghi ngờ, cứ thế, tiến vào thật sâu. Bấy giờ, phục binh ta mới nổi dậy, xông vào đánh tới tấp. Giặc tan vỡ, bị chém chết và bị chết đuối kể có đến hàng vạn” (3).
Sau khi thua trận này, Trần Trí và Phương Chính lại rút quản về đóng ở bãi Phá Lữ như cũ. Về phần mình, Lê Lợi cũng cho rút quân về Khả Lưu, tu chỉnh dinh trại và đồn lũy, chuẩn bị cho trận đánh mới với quân Minh.
Nhưng, đóng quân lâu dài ở Khả Lưu, đối với Lam Sơn là điều khó khăn không dễ gì khắc phục được. Một viên tướng của Lam Sơn, quê ở Nghệ An là Nguyễn Vĩnh Lộc đề nghị : hãy giả đốt dinh trại, vờ như để rút quân, cốt để giặc mắc mưu mà xua quân đuổi theo. Ta nhân đó đặt phục binh để đánh thì chắc
sẽ thắng lớn. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đồng ý với đề nghị này. Sử cũ ghi chép như sau :
“Bấy giờ, lương thực của giặc khá nhiều mà quân lương của ta thì không đủ dùng cho mười ngày. Vua nói với các tướng rằng :
- Giặc cậy có nhiều lương nên cố giữ vững thành lũy để tinh kế lâu dài. Ta lương ít, không thể cầm cự lâu với chúng được. (Nói rồi), Vua liền hạ lệnh đốt hết dinh trại và nhà cửa rồi giả cách rút lên vùng thượng lưu, nhưng sau đó thì bí mật quay trở lại đặt phục binh để chờ.
Giặc tưởng là quân ta đã bỏ chạy, liền vội cho quân lên chiếm lấy khu dinh trại của ta, đắp thành xây lũy (để giữ lấy chỗ hiểm). Nhưng, Vua đã nhân đêm tối, bố trí xong phục binh. Giặc không ngờ, vừa tiến đến thì bị quân ta xông ra. Bọn Lê Sát, Lê Bị (tức Bùi Bị - NKT), Lê Vấn (tức Phạm Vấn - NKT), Lê Lễ (tức Đinh Lễ - NKT), Lê Nhân Chú (tức Lưu Nhân Chú - NKT), Lê Ngân, Lê Chiến (tức Trương Chiến - NKT), Lê Tôn Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An... đều đua nhau lên trước để phá thế tiến của giặc. Giặc thua to, bỏ chạy tán loạn. Ta chém được nhiều không kể xiết. Chiến thuyền của chúng ngổn ngang, xác chết nghẽn cả nước, khí giới vất như núi, như gò. Trong trận này, ta bắt sống được tướng giặc là Chu Kiệt và giết được tướng giặc là Hoàng Thành, bắt sống được hơn một ngàn quân Minh. Ta thừa thắng, đuổi chúng chạy dài đến tận thành Nghệ An. Giặc vội vào thành để cố thủ” (4).
Như vậy là, Lê Sát và Hoàng thành có cuộc giáp mặt lần thứ hai. Ở trận Quan Du, Hoàng Thành bị Lê Sát đuổi cho chạy thục mạng. Đến trận Khả Lưu - Bồ Ải, Hoàng Thành bị chém đầu. Hẳn nhiên, đó là thắng lợi chung, nhưng, trong thắng lợi chung đó, Lê Sát có một vị trí rất quan trọng.
Ngay sau trận Khả Lưu - Bồ Ải, Lê Sát được Lê Lợi tin cậy, sai ông cùng với Đinh Lễ đem 2000 quân theo đường tắt, tiến ra tấn công và uy hiếp thành Tây Đô (Thanh Hóa), mở đường cho đại binh Lam Sơn ra giải phóng sau này.