Sau khi giết được Lê Lai (mà giấc hí hửng tưởng đó là Lê Lợi), quân Minh rút về Tây Đô còn Lê Lợi và nghĩa sĩ của mình thì bí mật trở lại Lam Sơn để dưỡng sức và chỉnh đốn lực lượng, đồng thời, lo tích trữ lương thực và thực phẩm, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài.
Nhưng, ở Lam Sơn chưa được bao lâu thì Lê Lợi đã phải đối phó quyết liệt với những cuộc càn quét mới của giặc. Năm 1420, đích thân tên Việt gian người Quỳ Châu (Nghệ An) là Cầm Lạn đã dẫn quân lính vào Lam Sơn. Sử cũ chép :
“Năm Canh Tí (tức năm 1420 - NKT), giặc Minh lại đem đại binh đến. Vua (chỉ Lê Lợi - NKT) đoán rằng, vào khoảng giờ Mùi (tức từ khoảng 13 đến 15 giờ chiều - NKT), thế nào bọn chúng cũng sẽ đến Bến Bổng, bèn hạ lệnh đặt phục binh sẵn ở đấy để đợi. Quả đúng giờ Mùi, giặc kéo đến rất đông. Phục binh ta khắp bốn mặt cùng nổi lên. Giặc tan vỡ. Ta chém được nhiều không kể xiết, lại bắt được hơn một trăm con ngựa và đem các thứ quân trang của giặc đốt hết.
Cũng năm ấy (tức năm 1420 - NKT), có tên giặc vốn người trong nước là Cầm Lạn dẫn đường cho bọn tướng lĩnh nhà Minh là Lý Bân và Phương Chính từ địa phương của Cầm Lạn (tức là từ đất Quỳ Châu, Nghệ An - NKT), tiến thẳng vào đất Mường Thôi (thuộc Thanh Hóa - NKT) để đánh Vua.
Trước hết, Vua sai bọn Lê Triện (tức Lý Triện - NKT), Lê Lý (tức Nguyễn Lý - NKT) và Lê Vấn (tức Phạm Vấn - NKT), đem chừng mấy trăm quân đến Bồ Mộng để chờ đánh. Giặc đến, quân ta lập tức nổi lên. Giặc thua to. Ta chém được hơn ba trăm tên” (2).
Quy mô của trận Bồ Mộng tuy không lớn, nhưng đây là một trong những trận quan trọng của Lam Sơn trong giai đoạn đầu - giai đoạn hoạt động ở vùng rừng núi phía tây Thanh Hóa (từ đầu năm 1418 đến giữa năm 1423).
Thắng lợi của trận Bồ Mộng đã khiến cho quân Minh không được phép chủ quan và coi thường Lam Sơn. Từ trận Bồ Mộng, tài năng quản sự của Phạm Vấn bắt đầu được khẳng định.