Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp

Một phần của tài liệu KHỦNG HOẢNG nợ CÔNG (Trang 25 - 28)

2.3.2.1. Nguồn gốc dẫn tới khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp

Từ lúc bắt đầu tham gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Euro) vào giữa năm 2001 cho đến năm 2008 - khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, ngân sách quốc gia Hy Lạp luôn nằm trong tình trạng thâm hụt với mức trung bình 5% GDP/năm trong khi tính trung bình cho toàn khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), con số này chỉ dừng lại ở mức 2%/năm. Cùng với thâm hụt ngân sách, cán cân vãng lai của quốc gia này cũng liên tục bị thâm hụt, trung bình vào

khoảng 9% GDP hàng năm (so với mức trung bình của toàn khu vực Eurozone là 1%).

Cả hai mức thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân vãng lai của Hy Lạp đều vượt quá trần quy định cho phép của Liên minh Tiền tệ và Kinh tế châu Âu (EMU), đặc biệt là Hiệp ước Bình ổn và Tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) với quy định trần thâm hụt ngân sách 3% GDP và trần nợ nước ngoài 60% GDP.

Để bù đắp cho khoản thâm hụt kép này, Hy Lạp đã đi vay trên thị trường vốn quốc tế và trong suốt một thập kỷ trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính phủ này đã vay mượn khá nặng nề từ bên ngoài, trở thành một con nợ triền miên với tổng số nợ nước ngoài lên tới 115% GDP vào năm 2009.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào mùa thu năm 2008 khiến nhiều quốc gia gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản, tạo căng thẳng cho ngân sách của nhiều chính phủ, trong đó Hy Lạp không phải là ngoại lệ, do nhu cầu chi tiêu tăng lên trong khi nguồn thu từ thuế lại giảm đi. Và cũng từ đây, bi kịch nợ công của Hy Lạp bắt đầu được vén màn.

2.3.2.2. Nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp

 Tiết kiệm trong nước thấp, phải vay nợ nước ngoài cho chi tiêu công:

Thập niên 90 tỷ lệ tiết kiệm trong nước bình quân của Hy Lạp ở mức 11%, thấp hơn mức 20% của Bồ Đào Nha, Ý, Tây Ban Nha và đang có xu hướng sụt giảm nhanh chóng. Do vậy đầu tư trong nước phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn bên ngoài.

 Chi tiêu công cao dẫn đến thâm hụt ngân sách:

Trong giai đoạn 2001 – 2007 mức chi tiêu chính phủ tăng 87%, trong khi mức thu chỉ tăng 31%.

Sự già hoá dân số và hệ thống lương hưu vào loại hào phóng bậc nhất Châu Âu. Ước tính tổng số tiền chi trả lương hưu khu vực công sẽ tăng từ 11,5%GDP (2005) lên 24%GDP (2050).

 Nguồn thu giảm sút cũng là một nhân tố dẫn tới thâm hụt ngân sách và gia tăng nợ công:

Trốn thuế và hoạt động kinh tế ngầm là nhân tố giảm nguồn thu ngân sách. Theo đánh giá WB kinh tế không chính thức của Hy Lạp chiếm tới 25-30%GDP.

Theo Tổ chức minh bạch thế giới, Hy Lạp là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong EU. Năm 2008, hơn 13% người Hy Lạp đã chi tới 750 triệu EUR tiền phong bì.

 Sự tiếp cận dễ dãi với nguồn vốn đầu tư nước ngoài và việc sử dụng nguồn vốn không hiệu quả:Việc gia nhập Eurozone năm 2001 là cơ hội lớn để Hy Lạp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế. Hy Lạp có được hình ảnh ổn định cao và chắc chắn trong mắt các nhà đầu tư, dễ dàng thu hút vốn đầu tư nước ngoài với mức lãi suất thấp. Tuy nhiên Hy Lạp đã chi tiêu quá tay (phần lớn chi cho cơ sở hạ tầng) mà hầu như không quan tâm kế hoạch trả nợ.

 Thiếu tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư: Các số liệu thống kê ảo của Hy Lạp đã làm mất niềm tin của nhà đầu tư mà quốc gia này đã xây dựng được với tư cách là thành viên Eurozone và nhanh chóng xuất hiện làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các ngân hàng Hy Lạp.

Một phần của tài liệu KHỦNG HOẢNG nợ CÔNG (Trang 25 - 28)