CHƯƠNG XV HƯỞNG SỐ GIỜ TIẾT KIỆM ĐƯỢC.

Một phần của tài liệu Lợi mỗi ngày được một giờ (Trang 74 - 76)

C. Tổ chức lại thời khắc biểu của bạn.

CHƯƠNG XV HƯỞNG SỐ GIỜ TIẾT KIỆM ĐƯỢC.

Có sức khỏe và tiền bạc là có hai điều kiện chủ yếu để cho đời sống được dễ chịu, nếu không phải là sung sướng. Nhưng còn yếu tố thứ ba nữa cũng không kém quan trọng, là phải có thì giờ để hưởng đã. Tôi viết cuốn này mục đích chỉ để giúp bạn có được yếu tố thứ ba đó.

Tôi không có ý làm cho bạn thành một cái máy tuyệt hảo, bộ phận rất tinh vi, chạy đúng từng phút từng giây không khi nào sai. Tôi lại càng không có ý làm cho bạn phải nô lệ các phương pháp cứng nhắc. Tôi chỉ muốn đưa cho bạn soi tấm gương của một số người có tên tuổi nhờ khéo tổ chức mà dùng được tới mức tối đa số vốn hai mươi bốn giờ một ngày.

Muốn biết nên hưởng số giờ tiết kiệm được ra sao thì trước hết phải biết rõ những nguyện vọng thầm kín của mình đã. Bạn thử tưởng tượng nếu từ ngày mai trở đi bạn khỏi phải làm việc để mưu sinh thì bạn sẽ làm gì? Sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới? Hay lập một tủ sách lớn lao gồm cả tiểu thuyết lẫn các tác phẩm bổ ích? Hay là sẽ giao lưu nhiều hơn, kiếm thêm bạn? Hay là chơi các môn thể thao như lái thuyền buồm, bắt cá dưới đáy biển, vân vân? Hay là dùng thì giờ để hoạt động chính trị, làm các công việc xã hội?

Bạn nên kê ngay tất cả các hoạt động bạn thích, đừng bỏ sót hoạt động nào. Rồi sau khi xem xét kỹ bạn sẽ nhận thấy rằng số giờ tiết kiệm được ít nhất cũng giúp bạn thực hiện được một phần nguyện vọng của bạn. Thì giờ tiết kiệm được mỗi ngày đó sẽ không phải là thì giờ vô ích. Dù không theo những phương pháp chỉ trong cuốn này, có lẽ bạn cũng đã hưởng mỗi năm 1930 giờ rảnh rỗi. Mỗi năm 365 ngày, tức 8.760 giờ, trừ 40 giờ làm việc mỗi tuần, tám giờ ngủ mỗi ngày và những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ hàng năm thì ra con số 1930 giờ đó. Số giờ rảnh đó sẽ tăng lên nữa nhờ những tiến bộ xã hội.

Nếu bạn theo những lời khuyên tôi chỉ, thì còn tăng thêm được mỗi ngày một giờ, một năm 365 giờ nữa.

Số thì giờ tiết kiệm được đó giúp được bạn làm được những việc mà từ trước tới giờ bạn không làm gì cho là thiếu thì giờ, đời sống của bạn cũng sẽ phong phú hơn, đầy đủ hơn.

Tôi chỉ lựa dưới đây vài hoạt động trong cả ngàn hoạt động mà đa số chúng ta, đàn ông và đàn bà, muốn làm mà không làm được vì thiếu thì giờ.

• Mở rộng khu vực hứng thú của mình.

Càng mở rộng tầm hiểu biết, nhãn quang, thì đời sống càng tặng ta được nhiều thú vui. Điều cốt yếu là đừng đi ngược lại khả năng, hứng thú của mình, mà phải trau dồi tài năng, hứng thú của mình, để cho tài sáng tạo của ta phát triển đầy đủ. Bạn ghi lên giấy tất cả khu vực hoạt động bạn thích, mà từ trước tới nay chưa bước vô được vì thiếu thì giờ. Đó là một cách rất tốt để dùng thì giờ rảnh.

Và đây là lối tôi thưa riêng với các bà: Dù các bà yêu quý công việc nội trợ tới mức nào nữa thì cũng không nên để hết thì giờ vào nó mà phải quan tâm mọi việc xảy ra ở chung quanh và trong cái thế giới mênh mông mà gia đình của bà chỉ là một phần tử rất nhỏ này.

• Hoạt động xã hội.

Hoạt động xã hội, bất kỳ dưới hình thức nào cũng mở rộng đời sống của ta và cho ta cảm giác rằng mình ích lợi cho người khác. Vậy bạn nên để một số thì giờ rảnh vào một công tác xã hội nào mà đoàn thể của bạn cho là hữu ích. Càng tin chắc rằng thì giờ của mình dùng vào một việc hữu ích thì càng thấy thích.

• Một món tiêu khiển.

Nhiều người hễ có phút nào rảnh là hý hoáy đóng, sửa chữa các đồ lặt vặt trong nhà, hoặc chơi cò, chơi bướm, thu thập tiền cổ…Nhưng còn nhiều môn tiêu khiển khác có phần cao nhã hơn: âm

nhạc, hội họa, kịch, văn thơ, cả chụp hình nữa…có thể làm cho ta thích thú say mê nếu hợp với thiên tư của ta. Hầu hết các thành phố lớn đều có những lớp tối dạy ta một ngành mỹ thuật nào đó.

• Đóng các đồ lặt vặt trong nhà.

Ai cũng có thể tập cho thạo một nghề ( thợ mộc, thợ sơn, thợi điện chẳng hạn) để trang hoàng nhà cửa và có thêm được nhiều tiện nghi. Nếu học cho đến nơi đến chốn thì biết thêm được một tiểu công nghệ nữa. Cái vui của một bà nội trợ cặm cụi làm lấy một cái chụp đèn hoặc đóng một cuốn sách cho thật đẹp, thú hơn là lại tiệm mua một thứ chế tạo từng loạt.

• Thú viết lách.

Viết không nhất định là một nghề. Thường là một thứ tiêu khiển, người ta vì thiếu thì giờ mà không tập. Nếu ta chưa tin chắc tài của mình thì cứ thử tập viết những bức thư dài cho bạn bè mà rán diễn đầy đủ ý nghĩa hơn là những bức thư xã giao bạn thường gửi. Khi đã quen, thì viết thử ít bài báo rồi sau cùng viết mọt bài nghiên cứu trình bày kinh nghiệm cùng phát minh của bạn trong khu vực sở trường của bạn.

• Chỉ cho độc giả của bạn cách tiết kiệm thì giờ.

Trong mấy năm gần đây có những phát minh quan trọng giúp chúng ta tiết kiệm thì giờ. Khoa học đó còn được phát triển nhiều nữa và ai cũng có thể giúp công vào được bằng cách này hay cách khác. Bạn đã được hưởng kinh nghiệm của người khác thì cũng có thể đem kinh nghiệm riêng của mình, sáng kiến riêng của mình giúp lại các người chung quanh hoặc các độc giả xa gần. Đó là một cách đền ơn xã hội, giúp nhân loại mà lại làm tăng lợi tức của mình lên nữa, vì phương pháp nào tiết kiệm thời giờ cho người khác thì cũng đáng được trả công.

• Chơi với trẻ.

Nhiều người muốn có thêm chút thì giờ rảnh để có thể thỉnh thoảng chơi với trẻ em hoặc các thiếu niên, thú đó rất vui. Không nhất định chỉ chơi với trẻ trong nhà. Tôi biết một bà Pháp lập nghiệp ở Nữu Ước, mặc dầu có con và rất săn sóc việc nhà mà cũng tình nguyện dạy tiếng Pháp cho những trẻ tàn tật trong một dưỡng đường thành phố. Nếu trẻ trong nhà gia nhập một hội thanh nhiên, một tổ chức hướng đạo…thì ta nên tìm hiểu hoạt động của chúng. Được cha mẹ chỉ bảo, giúp sức, chúng sẽ vui lắm.

Những người đã sống một đời hoạt động, khi về hưu thường buồn lắm. Giáo sư Hall ở trường thương mại Harvard, sau khi điều tra kỹ về vấn đề đó, kết luận rằng để cho khi về hưu tinh thần khỏi chán nản, khủng hoảng, thì thêm một phạm vi hoạt động nào mình thích cho đời sau này có thêm ý nghĩa.

Các nhà tâm lý học đã chứng thực được rằng ở không thì con người dễ suy nhược hơn là làm việc. Bất kỳ hoạt động nào, thể chất hay tinh thần, dùng tới sinh lực, cũng làm cho ta thỏa mãn, vì tinh thần được quân bình. Ngược lại, một tình trạng thụ động, sinh lực tích trữ lại, không thoát ra, sẽ làm cho thần kinh căng thẳng, bực bội. Bản tính của con người ta không chịu được cảnh ở không. Cần phải thay đổi, cần có cái kích thích, có cơ hội dùng sinh lực của mình. Phải ở không thì sinh ra suy nhược, mau già.

Về điểm đó, giáo sư Hall thường kể một câu chuyện có thực mới xét tưởng như khoog liên quan gì với những điều tôi kể ở trên:“Hồi mà các nhà sửa sang ở thành phố Nữu Ước làm cái việc táo bạo là gây những khu có cây cối xanh tươi cho thành phố đông đúc được mát mẻ, đẹp mắt hơn, có người đề nghị trồng cây ở hai bên lề đại lộ thứ năm. Mới đầu người ta cho là một ảo tưởng: làm sao có thể trồng cây tại một con đường tráng nhựa của một thành phố xây cất trên đá được. Nhưng các nhà chuyên môn ở Sở ương cây bảo nên làm thử xem sao. Họ ương những giống cây mạnh, rễ ăn sâu được xuống lớp đá. Bây giờ những cây đó làm cho đại lộ tươi đẹp lên, không có sự tô điểm nào bằng”.

Tinh thần của ta cũng như thành phố đo. Trồng những cây của ta rồi săn sóc nó thì một ngày kia sẽ được hưởng bóng mát.

Một phần của tài liệu Lợi mỗi ngày được một giờ (Trang 74 - 76)