Người giáo viên chăm lo đến sự phát triển hài hoà nhiều mặt, sự phát triển tối ưu phù hợp với đặc điểm của từng học sinh, chuẩn bị cho họ bước vào cuộc sống đang không ngừng thay đổi với tư cách là người công dân, người lao động làm chủ đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ông cha ta đã từng nói: “Không thấy đố mày làm nên”. Đây là sự đúc kết kinh nghiệm giáo dục và lí luận giáo dục để khẳng định vai trò to lớn không thể thiếu được của người thầy giáo đối với những thành quả của giáo dục. Chân lí này càng đúng khi xã hội không ngừng thay đổi, khi nội dung và phương pháp giáo dục đang có những chuyển biến quan trọng.
Việc tổ chức giáo dục theo nguyên lý lấy học sinh làm trung tâm, tức là quá trình dạy học hướng vào tổ chức hoạt động của học sinh đã và đang làm thay đổi chức năng và nhiệm vụ của người giáo viên phổ thông. Sự thay đổi
cơ bản này được thể hiện ở sự chuyển biến từ chỗ chủ yếu là người truyền thụ tri thức sang chức năng người tổ chức, hướng dẫn quá trình hình thành nhân cách nhiều mặt của người học sinh.[87]
Người giáo viên không còn là nguồn kiến thức chủ yếu, độc tôn đối với học sinh, vì rằng sự phổ biến nhanh chóng của các kênh thông tin đại chúng, sự bổ sung và đổi mới kiến thức diễn ra không ngừng và với tốc độ to lớn. Truyền thụ kiến thức cho học sinh một cách chính xác, có hệ thống, có định hướng vẫn là nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên; tuy nhiên, vị trí và vai trò của nhiệm vụ này không còn là nhiệm vụ duy nhất. Hình thành con người năng động, sáng tạo có năng lực giải quyết vấn đề đòi hỏi người giáo viên phải trở thành người hướng dẫn, người tổ chức. Quá trình hình thành nhân cách của người học sinh thông qua việc tổ chức, lôi cuốn họ tham gia một cách tích cực, tự giác, có hệ thống vào những hoạt động khác nhau (hoạt động nhận thức, hoạt động xã hội, hoạt động giao lưu, hoạt động lao động, hoạt động vui chơi,…) trong quá trình sư phạm.