Chương 3 ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ VÀ NƯỚC MẶT TỈNH HÀ NAM
PHẦN KẾT LUẬN
Nghiên cứu đánh giá chất lượng môi trường tỉnh Hà Nam vẫn còn là một vấn đề mới và cũng chỉ được quan tâm trong những năm gần đây. Hơn nữa đánh giá môi trường là một vấn đề khó đòi hỏi phải có kiến thức liên ngành và có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng. Vì vậy, với khả năng của bản thân, trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả mới chỉ giải quyết được một số vấn đề nhỏ và kết quả đạt được như sau:
- Trên cơ sở các nguồn tài liệu tương đối đầy đủ của các năm 2005, 2006, 2007, 2008 bằng phương pháp nghien cứu thích hợp, đề tài đã tập trung phân tích các nhân tố ảnh hưởng, những nguồn gốc và các thành phần gây ô nhiễm môi trường không khí và nước mặt tỉnh Hà Nam.
- Đề tài đã phân tích được hiện trạng chất lượng môi trường không khí và nước mặt; đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường không khí và nước mặt bằng phương pháp cho điểm, xác định được các khu vực ô nhiễm môi trường không khí và nước mặt theo 3 mức độ: chưa ô nhiễm, ô nhiễm nhẹ và ô nhiễm nặng.
- Thông qua kết quả đánh giá về thực trạng môi trường tỉnh Hà Nam, đề tài đã đề xuất và kiến nghị một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó chú trọng đến những giải pháp về tuyên truyền giáo dục cộng đồng, giải pháp về cải tiến kỹ thuật công nghệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài vẫn còn những hạn chế, đó là:
- Số liệu thực tế qua bốn đợt khảo sát và số lượng mẫu phân tích không khí và nước mặt quá ít lại chỉ tập trung vào những khu vực đã và sắp có những vấn đề về môi trường (thành phố, khu công nghiệp, làng nghề) đã ít nhiều giảm độ tin cậy và tính hệ thống trong quá trình đánh giá mức độ ô nhiễm và xây dựng các bản đồ phân vùng ô nhiễm môi trường không khí và nước mặt tỉnh Hà Nam.
- Mặt khác, việc nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường không khí và nước mặt tỉnh Hà Nam vẫn còn là một vấn đề mới, chưa được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các cơ quan, ban ngành. Hơn nữa đối với tác giả, đây là lần đầu tiên thử sức mình trong lĩnh vực này, do đó, trong tiến trình nghiên cứu sẽ không tránh khỏi những sai sót, hạn chế. Vì vậy, tác giả rất mong muốn nhận được những ý kiến nhận xét, góp ý của tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này, giúp tác giả có thể hoàn thiện đề tài trong điều kiện cho phép sao cho bài nghiên cứu sẽ là tư liệu bổ sung, góp phần nhỏ vào việc quy hoạch phát triển, bảo vệ môi trường và tài nguyên tỉnh Hà Nam