Định Công và Minh Khai trong quá trình đô thị hóa

Một phần của tài liệu Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (Trang 61 - 66)

2.2.1.1. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thay đổi nghề nghiệp

Những dấu hiệu đầu tiên thể hiện sự tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa đến Định Công và Minh Khai phải kể đến là sự thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Ở Định Công, từ năm 1996 đến nay, đất nông nghiệp đã giảm 41,16 ha (từ 133,92 ha xuống còn 90,769). Số diện tích đất nông nghiệp này đã được chuyển đổi mục đích sử dụng chủ yếu phục vụ xây dựng khu đô thị mới Định Công, khu đô thị Đại Kim và khu Bắc Đại Kim. Theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND phường Định Công năm 2011, diện tích đất nông nghiệp ở phường vẫn còn nhưng trên thực tế phần lớn diện tích này đã nằm trong quy hoạch phát triển đô thị. Do đó, ngoại trừ diện tích ao, hồ vẫn được sử dụng nuôi trồng thủy sản, diện tích đất nông nghiệp còn lại ở Định Công hiện nay không còn được sử dụng để canh tác.

Còn tại Minh Khai, kể từ năm 2000 đến nay, diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng là 145,96 ha (từ 349,42 ha xuống còn 283,46 ha). Xu hướng này còn tiếp tục giảm trong thời gian tới, bởi trong quy hoạch một số dự án sẽ thực hiện ở đây. Có sự khác biệt giữa Định Công và Minh Khai trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đó là, ở Định Công phần lớn đất nông nghiệp được chuyển sang xây dựng khu đô thị, còn đất nông nghiệp ở Minh Khai lại chuyển sang xây các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... Diện tích đất nông nghiệp còn lại ở Minh Khai hiện nay chủ yếu trồng bưởi, rau màu và hoa.

Theo kết quả khảo sát của luận án tại hai địa bàn nghiên cứu cho thấy, trong số 400 người được hỏi, có 66,5% (266/400) cho biết cách đây 10 năm hộ gia đình có đất

canh tác. Còn hiện nay, trong số 266 hộ gia đình này chỉ còn lại 33,1% (88/266) hộ gia đình còn đất canh tác (chủ yếu là ở xã Minh Khai). Tuy nhiên, phần lớn (85,2%) những hộ gia đình đó diện tích đất canh tác đã giảm đi nhiều so với 10 năm trước.

Diện tích đất nông nghiệp của gia đình bác hiện nay giảm đi nhiều so với trước. Trước đây, nhà bác có hơn 5 sào cơ, nhưng sau họ thu hồi xây dựng khu công nghiệp nên giờ chỉ còn lại hơn 1 sào thôi” (PVS_NTKh_nữ 62 tuổi).

Việc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng đất đã dẫn đến sự chuyển đổi nghề và thay đổi cơ cấu kinh tế nhanh chóng ở Định Công và Minh Khai trong những năm gần đây. Xác định được điều này, chính quyền địa phương đã có những bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế trong từng thời kỳ. Chẳng hạn, tại Minh Khai trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2001-2005) xác định “Nhiệm vụ hàng đầu là tăng năng suất lúa, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thay thế các cây, con giống mới có giá trị kinh tế. Chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả, rau, hoa. Coi trọng cây cam, bưởi là nguồn lực chủ yếu của Minh Khai”. Đến Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2005-2010) xác định “đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, giảm dần sản xuất nông nghiệp, đưa nhịp độ phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, phát triển không ngừng về văn hóa, xã hội, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch - vững mạnh”. Và đến Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2011-2015) xác định: “Phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng: thương mại - dịch vụ - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp - văn hóa - xã hội tiến bộ tích cực phục vụ đời sống nhân dân, an ninh - quốc phòng được giữ vững, xây dựng khối đoàn kết toàn dân vững chắc, các tổ chức trong hệ thống chính trị đạt trong sạch vững mạnh” [6].

Trong những năm đầu (2001-2005), khi Minh Khai mới chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa thì mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vẫn được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhất. Sau đó 5 năm (2006-2010), quá trình đô thị hóa đã tác động mạnh vào Minh Khai, diện tích đất canh tác dần bị thu hẹp, nhiệm vụ lúc này được đặt ra là chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ và

tiểu thủ công nghiệp. Và trong giai đoạn tiếp theo (2011-2015), diện tích đất canh tác tiếp tục bị thu hẹp thì mục tiêu phát triển của Minh Khai được xác định là thương mại, dịch vụ và công nghiệp.

Diện tích đất canh tác bị thu hẹp đã khiến người dân ở Định Công và Minh Khai phải chuyển đổi nghề. Các hình thức chuyển đổi nghề của người dân cũng khá đa dạng phụ thuộc vào từng điều kiện khác nhau. Định Công là nơi chịu sự tác động sớm nên cơ cấu nghề của Định Công hiện nay có nhiều nét giống với cơ cấu của nhiều phường nội thành hơn so với Minh Khai.

Tìm hiểu về hướng chuyển đổi nghề của người dân trước đây làm nông nghiệp, kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh cho thấy, trong số 206 người trước đây làm nông nghiệp thì hiện nay chỉ còn lại 27,2% (chủ yếu ở Minh Khai), số còn lại phần lớn chuyển sang buôn bán, kinh doanh (35,4%), lao động giản đơn (16,0%), các nghề nghiệp khác (15,1%) và có đến 6,3% hiện không có việc làm.

Tuy nhiên, khi chuyển đổi nghề, người dân ở Định Công và Minh Khai đều gặp phải những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, nhất là với những người lớn tuổi và trình độ học vấn thấp. Do nhiều tuổi và trình độ học không cao nên người lớn tuổi khó có thể tìm được một công việc ổn định tại một cơ quan hay công ty. Phần lớn những lao động này sau khi không còn đất canh tác không có việc làm hoặc làm những công việc giản đơn như chạy xe ôm, bảo vệ, khuôn vác thuê, buôn bán nhỏ... Còn đối với những người trẻ, họ tiếp tục học bậc cao hơn hoặc đi học nghề để có cơ hội xin việc làm.

Mất đất rồi, những người như tôi hiện nay cũng chẳng biết tìm được việc gì để làm nữa. Đi học nghề thì cũng chẳng được, mà có đi học cũng chẳng biết xin vào đâu. Anh bảo, ai người ta nhận những người lớn tuổi như chúng tôi làm gì? Thanh niên trai tráng họ mới nhận chứ còn những người lớn tuổi thì họ nhận làm gì. Không có việc làm, cứ loanh quanh ở nhà lắm cũng chán. Cũng may là nhà còn có ít đất xây nhà cho thuê để có thu nhập, chứ nếu không cũng không biết làm gì để ăn nữa” (PVS_BVT_nam 50 tuổi).

Xin việc bây giờ cháu bảo ai họ nhận mấy người già cơ chứ? Mấy người già như cô bây giờ xin giúp việc gia đình hay làm ôsin thì may ra được. Nhưng nói thế chứ cháu bảo ai mình lại đi làm ôsin. Cũng có mấy người ở đây sau cái đợt bị thu hồi đất canh

tác thì họ chuyển sang đi chợ bán rau, rồi buôn bán ở chợ. Như thế thấy cũng đỡ buồn mà cũng có thu nhập, chứ ở nhà thì cũng buồn” (PVS_NTH_nữ 56 tuổi).

Từ kết quả phỏng vấn và trò chuyện với những người lớn tuổi ở Định Công và Minh Khai cho thấy, phần lớn người lớn tuổi ở đây gặp phải những khó khăn khi chuyển đổi nghề. Điều này minh chứng cho những bất cập trong chuyển đổi nghề của người dân ở vùng đô thị hóa. Dù ở cả Định Công và Minh Khai, trước khi tiến hành thu hồi đất phục vụ vào mục đích phi nông nghiệp, người dân đều được các công ty, doanh nghiệp sử dụng đất cam kết sẽ tuyển dụng con em họ vào làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế lực lượng lao động tại địa phương có rất ít cơ hội để có việc làm tại doanh nghiệp đó do không được chuẩn bị kỹ năng phù hợp. Nhiều người sau khi vào làm việc được một thời gian vì không có tay nghề hoặc do công việc vất vả nên đã bỏ việc.

Xu hướng chuyển nghề của những người lớn tuổi ở Định Công chủ yếu chuyển sang buôn bán kinh doanh và xây nhà trọ cho thuê. Hình thức chuyển đổi nghề này hiện nay cũng đang diễn ra ở thôn Nguyên Xá, thôn Ngọa Long và thôn Văn Trì xã Minh Khai. Đây là ba thôn của Minh Khai có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nhiều và có điều kiện giao thông thuận tiện nằm sát trục đường 32 và gần với các trường, cao đẳng, đại học và cụm khu công nghiệp. Thôn còn lại là Phúc Lý, do nằm sâu ở phía trong và còn nhiều đất canh tác nên quá trình này diễn ra chậm hơn, tuy nhiên đất nông nghiệp ở đây cũng được người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu và trồng hoa.

2.2.1.2. Thay đổi cơ cấu kinh tế và mức sống

Cùng với sự chuyển đổi nghề, cơ cấu kinh tế ở những vùng đô thị hóa cũng đang có những thay đổi nhanh. Tại đó, diễn ra xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Ở Định Công nếu như năm 2000, tỷ lệ nông nghiệp chiếm 18,7% trong cơ cấu kinh tế của phường thì đến năm 2010 chỉ còn 1,4%. Còn ở Minh Khai năm 2000, tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của địa phương chiếm 56,1% thì đến năm 2010 chỉ còn lại 7,8% [6]. Như vậy, có thể thấy dưới tác động của quá trình đô thị hóa, cơ cấu nghề nghiệp và cơ cấu kinh tế ở Định Công và Minh Khai đã có sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ.

Nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình ở Định Công và Minh Khai đã chuyển từ nông nghiệp sang các nguồn thu từ hoạt động phi nông nghiệp như buôn bán/kinh doanh, làm công ăn lương. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình ở Định Công và Minh Khai còn có nguồn thu từ cho thuê nhà trọ.

Cả gia đình cô hiện nay sống nhờ vào tiền cho thuê nhà, từ tiền cho con ăn học lẫn tiền sinh hoạt của cả nhà”, PVS_NTC_nữ 57 tuổi.

Ở thôn này, cô thấy tỷ lệ gia đình xây nhà trọ cho thuê cũng chiếm đến gần hai phần ba ấy chứ. Mà có đất, không xây nhà trọ cho thuê để rộng cũng phí, hơn nữa cháu bảo nếu không xây nhà cho thuê thì người dân ở đây lấy gì mà sống?”, PVS_PTTh_nữ 63 tuổi.

Ở Định Công và Minh Khai hiện nay có khá nhiều khu nhà trọ được các gia đình xây cho người đi làm và sinh viên thuê nằm xen kẽ giữa các hộ dân. So sánh giữa Định Công và Minh Khai cho thấy, số gia đình xây nhà trọ cho thuê ở Định Công nằm đều ở các cụm dân cư hơn so với ở Minh Khai (ở Minh Khai chủ yếu nằm ở làng Ngọa Long, Nguyên Xá và Văn Trì).

Nhà xây cho thuê cũng có nhiều loại, có gia đình xây nhà cấp 4, có gia đình tận dụng nhà cũ gia đình không ở nữa, nhưng cũng có gia đình xây thành một khu nhà cao tầng để cho thuê... Số lượng phòng cho thuê của các gia đình phụ thuộc vào diện tích đất của gia đình rộng hay hẹp. Tuy nhiên, đối với các hộ gia đình có nhà cho thuê thì ít nhất cũng phải có 2 phòng, còn hộ nhiều lên đến vài chục phòng. Việc xây dựng nhà cho thuê dường như thành một “trào lưu” của nhiều hộ gia đình ở Định Công và Minh Khai trong những năm gần đây (ngoại trừ thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, do nằm ở vị trí không thuận tiện nên chưa có nhiều hộ gia đình xây nhà cho thuê). Nhiều hộ gia đình đã xác định đây là nguồn thu nhập chính của gia đình và họ coi đó như là một nghề. Trên thực tế, với mức giá cho thuê một phòng trọ từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu/tháng (năm 2011), nếu một gia đình có 10 phòng trọ cho thuê thì đây quả là một khoản thu nhập khá cao đối với nhiều hộ gia đình. Khoản thu nhập này có lẽ ít có hộ gia đình nào nghĩ đến khi chưa có sự tác động của đô thị hóa. Chính vì khoản thu nhập cao này mà nhiều gia đình đã bỏ trồng các loại cây ăn quả (trước đây vốn cũng là nguồn thu chính cho gia đình) để chuyển sang xây nhà trọ cho thuê. Theo cách tính toán của người dân ở xã

Minh Khai, nếu trồng một gốc bưởi thì mất khoảng 16m2 đất và một năm cây bưởi ra được khoảng 100 quả bưởi bán với giá 30.000đ/quả sẽ được 3 triệu đồng. Nếu trừ chi phí đi người dân được khoảng 2 triệu đồng/năm. Nhưng cũng khoảng đất đấy, nếu xây 2 phòng trọ, mỗi phòng trọ cho thuê khoảng 1 triệu/tháng, một năm người dân thu về 24 triệu (cao gấp 12 lần so với trồng bưởi). Như vậy có thể thấy, nếu so sánh giữa việc trồng trọt với việc xây nhà trọ cho thuê thì việc xây nhà trọ cho thuê “nhàn hạ” và có thu nhập cao hơn nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích mang lại từ khía cạnh kinh tế, thì “trào lưu” xây nhà trọ cho thuê ở vùng đô thị hóa hiện nay cũng đang đặt ra những vấn đề trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây (những vấn đề này được phân tích rõ hơn ở phần biến đổi văn hóa).

Sự thay đổi có tính bước ngoặt đối với đời sống kinh tế ở Định Công và Minh Khai là từ khi đất ở những khu vực này đắt lên và người dân được nhận tiền đền bù từ thu hồi đất. Giá đất đắt, nhiều gia đình đã bán đất để xây sửa nhà cửa, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và có tiền để tiết kiệm.Khi hỏi về mức sống của gia đình hiện nay so với 10 năm trước như thế nào, kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh cho thấy, phần lớn (73,3%) những người tham gia trả lời phỏng vấn cho biết mức sống gia đình hiện nay khá hơn, 12,8% trả lời khá hơn rất nhiều, 11,7% trả lời không thay đổi và chỉ có 2,2% trả lời mức sống gia đình hiện nay kém hơn so với 10 năm trước.

Mức sống của người dân nơi đây khá lên còn được thể hiện trong điều kiện sống như xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh và tiện nghi sinh hoạt.

* Về nhà ở

Một trong những thay đổi rõ nét nhất trong đời sống văn hóa vật chất ở vùng đô thị hóa hiện nay là thay đổi trong không gian sống và kiến trúc nhà ở. Tại Định Công và Minh Khai cũng vậy. Nếu như trước đây, đa số các hộ gia đình sống trong những ngôi nhà bán kiên cố (nhà mái ngói), không gian thoáng mát gắn liền với sân vườn - hình ảnh của làng quê, thì giờ đây thay vào đó là những ngôi nhà ống cao tầng, hay những ngôi biệt thự sang trọng mọc sát bên nhau. Bên cạnh đó, cũng không hiếm gặp hình ảnh đan xen giữa những ngôi nhà cao tầng với những ngôi nhà mái ngói và các dãy nhà trọ cho thuê. Sự đa dạng loại hình nhà ở tại những vùng này đang tạo nên một không gian kiến trúc “nửa phố, nửa làng”.

Một phần của tài liệu Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w