Một số lý thuyết nghiên cứu về biến đổi văn hóa

Một phần của tài liệu Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (Trang 36 - 41)

Hướng tiếp cận nghiên cứu chủ đạo của luận án là Nhân học văn hóa. Hướng tiếp cận này cho phép nghiên cứu sinh có thể nhìn nhận và lý giải sâu hơn về những biến đổi văn hóa ở cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa. Ngoài ra, luận án cũng sử dụng hướng tiếp cận của xã hội học để mô phỏng rõ hơn những vấn đề nghiên cứu.

Nghiên cứu về biến đổi văn hóa là một trong những chủ đề thu hút được sự quan tâm của nhiều ngành khoa học như: triết học, xã hội học, văn hóa học, tâm lý học, lịch sử, nhân học... các ngành này đều vận dụng những lý thuyết khác nhau để luận giải về vấn đề nghiên cứu. Trong luận án này, cơ sở lý thuyết được vận dụng để phân tích biến đổi văn hóa trong quá trình đô thị hóa chủ yếu dựa trên hai lý thuyết là

biến đổi văn hóacơ cấu chức năng.

1.2.2.1. Lý thuyết biến đổi văn hóa

Từ giữa thế kỷ XIX các nhà nhân học bắt đầu có những quan sát, thu thập các dữ liệu về văn hóa và các nền văn hóa khác nhau nhằm giải thích cho sự khác biệt, tương đồng và biến đổi của các nền văn hóa. Những nhà khoa học ủng hộ thuyết tiến hóa văn hóa như Lewis Henry Morgan (1877) và Edward B.Tylor (1871) được coi là những người đầu tiên đề cập đến vấn đề biến đổi văn hóa. Theo thuyết tiến hóa văn hóa, mọi xã hội loài người đều biến đổi theo một mô hình với hướng biến đổi từ thấp đến cao (từ xã hội nguyên thủy đến xã hội văn minh). Thuyết này đề cao văn hóa phương Tây hơn so với văn hóa phi phương Tây khi cho rằng văn hóa phương Tây văn minh hơn, biến đổi nhanh hơn... còn văn hóa phi phương Tây biến đổi chậm hơn do trung thành với phong tục tập quán. Quan điểm này đã bị phản đối rộng khắp trong giới Nhân học thời bấy giờ. Tuy vậy, thuyết này cũng đã tạo tiền đề quan trọng cho việc ra đời và phát triển của các học thuyết khác nghiên cứu về biến đổi văn hóa cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ

XX như thuyết truyền bá văn hóa, thuyết vùng văn hóa, thuyết tiếp biến văn hóa, thuyết chức năng...

Sự xuất hiện các quan điểm khác nhau về biến đổi văn hóa đã giúp cho việc nhìn nhận về văn hóa và biến đổi văn hóa trở lên phong phú và đa dạng hơn. Trong mỗi thời kỳ các quan điểm lý thuyết này đều có ý nghĩa nhất định trong việc nhìn nhận về biến đổi văn hóa. Vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, thuyết truyền bá văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà nhân học Bắc Mỹ khi nhìn nhận về biến đổi văn hóa. Những người theo thuyết truyền bá văn hóa cho rằng, trọng yếu của biến đổi văn hóa chính là sự truyền bá hay vay mượn những đặc trưng văn hóa của xã hội này sang xã hội khác.

Ngoài việc quan tâm đến thuyết truyền bá văn hóa, các nhà nhân học Mỹ còn quan tâm đến thuyết tiếp biến văn hóa. Theo thuyết này, quá trình biến đổi văn hóa diễn ra khi có sự tiếp xúc giữa hai nền văn hóa độc lập nhau, sự tiếp xúc đó sẽ làm tăng những đặc tính của nền văn hóa này với nền văn hóa kia. Sự biến đổi văn hóa diễn ra theo hình thức này được những người theo thuyết tiếp biến văn hóa đề cập đến khi có sự tiếp xúc lâu dài giữa xã hội phương Tây và phi phương Tây.

Một phương pháp tiếp cận biến đổi văn hóa có ảnh hưởng trong những năm 1920 đến 1950 ở Anh là thuyết chức năng. Những người có đóng góp xây dựng thuyết chức năng trong ngành nhân học là Bronislaw Malinowski và Radcliffe Brown. Quan điểm của Radcliffe Brown về thuyết chức năng có ảnh hưởng lớn từ những quan điểm của Durkheim - nhà xã hội học người Pháp. Ông nhìn nhận nhân học như một ngành xã hội học so sánh chéo văn hóa và ông cũng cho rằng cấu trúc xã hội là khung cơ bản để phân tích so sánh. Theo thuyết chức năng thì mọi nền văn hóa đều có sự hòa nhập tương đối tốt và ổn định, do đó văn hóa sẽ ít có những thay đổi và nếu có thì chủ yếu là do những tác động từ bên ngoài. Quan điểm này cho thấy, những người theo thuyết chức năng chủ yếu quan tâm đến các mối quan hệ qua lại giữa các chức năng của hệ thống xã hội và văn hóa chứ chưa chú ý nhiều đến sự thay đổi của xã hội và văn hóa.

Trong những năm gần đây, quá trình toàn cầu hóa đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, vì vậy, nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa cũng được đặt trong bối cảnh của toàn cầu hóa, sự hội nhập kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa và đô thị hóa. Dù vẫn còn những quan điểm khác nhau khi nghiên cứu về biến đổi văn hóa, song các nhà

nghiên cứu khoa học xã hội nói chung và các nhà nhân học nói riêng đều tương đối thống nhất với luận điểm cho rằng biến đổi văn hóa là một xu hướng tất yếu của quá trình toàn cầu hóa và nó đang diễn ra khá đa dạng với nhiều cấp độ và chiều hướng khác nhau. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất trong những xã hội đang có sự chuyển đổi kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Qua đây có thể thấy, những quan điểm nghiên cứu về biến đổi văn hóa chịu sự tác động của bối cảnh phát triển xã hội.

Như vậy, biến đổi văn hóa đã được nhiều nhà nghiên cứu nhân học ở những thế hệ khác nhau nghiên cứu trong sự gắn kết với quá trình chuyển đổi xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa. Nó trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu của các nhà nhân học. Cũng chính vì vậy mà có khá nhiều quan điểm về biến đổi văn hóa, song có thể đưa ra một quan điểm tương đối thống nhất trong nhân học đó là: “Biến đổi văn hóa bao hàm những sự chia sẻ, những sự biến đổi tương đối lâu dài của những mô hình ứng xử và niềm tin văn hóa. Nhìn ở khía cạnh lịch sử, xã hội nào cũng biểu lộ những sự biến đổi, cũng trộn lẫn những sự tiếp nối và biến đổi” [133, tr.55-56].

Khi nghiên cứu về biến đổi văn hóa còn phải nhắc đến Dennis O’Neil. Trong công trình nghiên cứu về quá trình biến đổi văn hóa, Dennis O’Neil cho rằng, tất cả các nền văn hóa đều phải đổi thay, đồng thời cũng xuất hiện xu hướng chống lại sự thay đổi. Theo tác giả có ba nguồn gốc dẫn tới thay đổi hoặc chống lại sự thay đổi bao gồm: áp lực về công việc; sự liên hệ giữa các xã hội; sự thay đổi của môi trường tự nhiên.

Trong một xã hội, quá trình thay đổi bao gồm sự can thiệp và mất văn hóa. Sự can thiệp bao gồm cả kỹ thuật và tư tưởng; còn mất văn hóa là kết quả của thay thế nền văn hóa cũ bằng nền văn hóa mới. Các thiết chế văn hóa hội nhập với nhau và sự ảnh hưởng lẫn nhau là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi. Quá trình dẫn đến sự thay đổi như là kết quả liên hệ giữa các xã hội, đó là sự truyền bá (suffusion), tiếp biến (acculturation) và liên văn hóa (transculturation) [99, tr35-36].

Lý thuyết quá trình thay đổi văn hóa được Dennis O’Neil tóm tắt như sau:

Quá trình dẫn đến sự thay đổi • Can thiệp • Mất văn hóa • Truyền bá • Tiếp biến

• Liên văn hóa

• Truyền bá thành công Quá trình cản trở sự thay đổi • Tập quán • Hội nhập các khía cạnh văn hóa • Năng động của nhóm bên trong và bên ngoài

Nguồn: Vương Xuân Tình - Trần Hồng Hạnh (2012), Phát triển bền vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở vùng Đông Bắc, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.36

Trên cơ sở nghiên cứu hệ thống lý thuyết về biến đổi văn hóa, luận án vận dụng lý thuyết quá trình thay đổi văn hóa của Dennis O’Neil để phân tích sự biến đổi văn hóa trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Bên cạnh đó, lý thuyết tiếp biến văn hóa cùng được vận dụng trong quá trình phân tích. Thuyết tiếp biến văn hóa cho rằng, biến đổi văn hóa xảy ra khi có sự tiếp xúc của hai nền văn hóa độc lập nhau và sự tiếp xúc sẽ làm tăng đặc tính của nền văn hóa này trước nền văn hóa kia. Ở đây, biến đổi văn hóa vùng đô thị hóa diễn ra khi có sự tiếp xúc của văn hóa nông thôn với văn hóa đô thị. Sự tiếp xúc này sẽ dẫn đến những thay đổi và thích nghi với những giá trị văn hóa đô thị của cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa.

1.2.2.2. Lý thuyết cơ cấu chức năng

Sự phát triển của lý thuyết cơ cấu chức năng gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà khoa học như: Auguste Comte (1798-1858), Herbert Spencer (1820-1903), Emile Durkheim (1858-1917), Vilfredo Pareto (1848-1932), Athur Radcliffe Brown (1881- 1955), Talcott Parsons (1902-1979), Robert Merton (1910-2003) và nhiều nhà xã hội học khác.

Talcott Parsons được đánh giá là một trong những người phát triển lý thuyết cơ cấu chức năng khá hoàn thiện. Với lý thuyết cơ cấu chức năng, Parsons có tham vọng giải thích sự vận động tổng thể của một hệ thống xã hội. Để giải thích điều đó, ông đã đề ra một phương thức phân tích gồm hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất nhằm phát hiện từ trong lòng hệ thống xã hội được nghiên cứu những bộ phận cấu thành tương đối ổn định, chúng tạo thành cơ cấu của hệ thống

xã hội và do tính độc lập của chúng trong những biến động ngắn hạn được xem xét là những “hằng số”. Những “hằng số” là những cơ sở quy chiếu để tiến hành nghiên cứu. Giai đoạn thứ hai nhằm tìm ra một lời giải bằng các cơ chế tạo nên sự thích hợp của hệ thống xã hội đối với những điều kiện môi trường có liên quan đến kết cấu nội tại của nó. Ở đây, các phân tích đòi hỏi một sự quan tâm sâu sắc đến các quá trình và ý nghĩa của chúng theo quan điểm của lý thuyết cấu trúc - chức năng đối với sự duy trì của hệ thống xã hội.

Để giải quyết vấn đề thứ nhất, Talcott Parsons đưa ra những đòi hỏi về chức năng đối với mọi hệ thống hành động cũng như đối với các yếu tố cơ cấu tương ứng với hệ thống đó. Những đòi hỏi về chức năng đó gồm có bốn yếu tố được thể hiện thành một sơ đồ AGIL với những nội dung sau:

A (Adaptation): sự thích nghi với môi trường bên ngoài. G (Goal): sự thực hiện các mục đích.

I (Integration): sự hội nhập và các hành động. L (Latents): sự duy trì các mô hình tiềm ẩn.

Trên thực tế, bản thân hệ thống xã hội với những cơ sở vật chất, sinh học, tinh thần, văn hóa đã làm thành môi trường xã hội cho các hoạt động của con người. Nó được phân chia thành những yếu tố có liên quan chặt chẽ với nhau - những “vai trò” làm cho hành động xã hội thích nghi với môi trường thông qua các cá thể và những “tập thể” xác định kiểm soát các “vai trò”. Những “chuẩn mực” như là những thước đo cho sự hội nhập của các cá thể vào các tập thể đó.

Đối với vấn đề thứ hai (những phương thức của hành động xã hội trong quá trình vận động của hệ thống xã hội); hành động xã hội theo hướng nào đó có liên quan đến sự đánh giá của các tác nhân với đối tượng hành động của nó cũng như đến thái độ mà các chủ thể phải có đối với đối tượng hành động. Những cái đó được xem như là các biến số trong lý thuyết cơ cấu chức năng cho phép phân tích những hành động của các cá nhân cũng như của các tập thể [86, tr.17-18].

Trong lý thuyết cơ cấu chức năng của mình, Talcott Parsons đã chấp nhận biến đổi xã hội rút cuộc dẫn tới sự thay đổi hình thái ổn định xã hội cũ bằng hình thái ổn định xã hội mới. Quá trình biến đổi xã hội bao gồm, một mặt là phân hóa, đa dạng

hóa; và mặt khác là liên kết, tích hợp. Chính chức năng nhất thể hóa đảm bảo tính ổn định xã hội trong quá trình biến đổi xã hội [34, tr.19].

Theo lý thuyết cơ cấu chức năng, một xã hội tồn tại và phát triển được là do các bộ phận cấu thành của nó kết hợp với nhau, cùng hoạt động nhịp nhàng để đảm bảo cho sự cân bằng của cấu trúc xã hội. Mỗi một cấu trúc xã hội có những chức năng nhất định. Khi chức năng thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của cấu trúc và ngược lại cấu trúc thay đổi sẽ dẫn đến thay đổi chức năng. Sự biến đổi của cấu trúc tuân theo quy luật tiến hóa, thích nghi khi môi trường sống thay đổi; sự biến đổi của cấu trúc luôn hướng tới thiết lập lại trạng thái cân bằng, ổn định [44, tr.199].

Đô thị hóa là quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội và không gian lãnh thổ từ nông thôn thành đô thị, trong đó diễn ra sự chuyển đổi về phương thức sản xuất, cơ cấu lao động, cơ cấu dân số, đời sống văn hóa… Khi cấu trúc thay đổi từ nông thôn thành đô thị sẽ dẫn đến những thay đổi về chức năng trong xã hội để thích ứng với cấu trúc mới - xã hội đô thị.

Ngoài hai lý thuyết trên, luận án còn vận dụng nguyên tắc và quan điểm của

Chủ nghĩa duy vật biện chứngChủ nghĩa duy vật lịch sử để phân tích về biến đổi văn hóa. Đó là, nhìn nhận đối tượng nghiên cứu như một thể thống nhất trong mối quan hệ và tương tác với các yếu tố khác như kinh tế - xã hội.

Một phần của tài liệu Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w