Phương pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (Trang 41 - 46)

Luận án sử dụng kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính (điền dã dân tộc học) và định lượng (bảng hỏi) để thu thập các tư liệu, tài liệu, số liệu... Việc kết hợp hai phương pháp này một mặt giúp cho nghiên cứu có đánh giá khách quan hơn cảm nhận, trải nghiệm của chủ thể văn hóa (người dân) về sự biến đổi văn hóa. Mặt khác, giúp cho nghiên cứu có cơ sở hơn trong việc luận giải những biến đổi theo hướng lịch đại (hiện tại và 10 năm trước) và những khác biệt trong biến đổi ở thời điểm hiện tại (so sánh biến đổi tại hai địa bàn nghiên cứu ở cùng một khoảng thời gian nghiên cứu).

1.2.3.1. Phương pháp điền dã dân tộc học

Đây là một trong hai phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng trong luận án để thu thập tư liệu. Để có thể thu thập được thông tin đầy đủ, đa chiều thể hiện tính hiện thực của đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân tại hai địa bàn khảo sát,

nghiên cứu sinh đã sử dụng các kỹ năng trong nghiên cứu điền dã dân tộc học như quan sát, quan sát tham dự, phỏng vấn và ghi chép, cùng với sự kết hợp những kỹ thuật bổ trợ như ghi âm, chụp ảnh. Ngoài ra, các nguồn tư liệu, tài liệu thứ cấp, số liệu thống kê... cũng được nghiên cứu sinh thu thập tại địa bàn nghiên cứu.

Quan sát là kỹ năng được nghiên cứu sinh sử dụng trong suốt quá trình làm việc tại địa bàn nghiên cứu. Việc tiến hành quan sát giúp cho nghiên cứu sinh nắm bắt được không gian sống, cảnh quan môi trường, địa hình... qua đó có thể biết được tổ chức không gian sống của địa bàn nghiên cứu. Kỹ năng này được nghiên cứu sinh sử dụng để quan sát thái độ ứng xử giữa những người dân trong cộng đồng, giữa những thành viên trong gia đình, quan sát các sinh hoạt của cộng đồng, của các gia đình... Từ đó phần nào nhận biết thêm về đời sống văn hóa của người dân nơi đây.

Quan sát tham dự được nghiên cứu sinh thực hiện khi tham dự vào lễ hội làng, đám cưới, đám tang và một số hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Khi tham dự vào sự kiện văn hóa của địa phương và của các gia đình tại địa bàn nghiên cứu, đã giúp cho nghiên cứu sinh hiểu hơn về các sự kiện này. Qua mỗi lần tham dự, nghiên cứu sinh cũng tìm cách làm quen với người dân để tạo mối quan hệ và tiếp cận phỏng vấn. Qua đó, để hiểu hơn về những thay đổi trong việc tổ chức lễ hội, tổ chức đám cưới, tổ chức tang ma và những thay đổi trong sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa.

Phỏng vấn là phương pháp được nghiên cứu sinh sử dụng nhiều để thu thập thông tin trong suốt quá trình nghiên cứu tại thực địa. Nội dung phỏng vấn được xoay quanh trọng tâm nghiên cứu của luận án, đó là những đánh giá, cảm nhận của người dân về những thay đổi trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội,... hiện nay so với những năm trước đây. Cách thức phỏng vấn cũng được vận dụng một cách khá linh hoạt bằng phỏng vấn sâu và phỏng vấn bán cấu trúc. Thông thường, phỏng vấn sâu được sử dụng khi phỏng vấn cán bộ địa phương và những người dân có lịch hẹn cụ thể (tổng số phỏng vấn sâu tại hai địa bàn nghiên cứu là 30 người). Còn phỏng vấn bán cấu trúc thực hiện với những người dân gặp ở nơi sinh hoạt cộng đồng và những nơi khác. Những người tham gia trả lời phỏng vấn cũng được nghiên cứu sinh lựa chọn khá đa dạng về địa vị xã hội ở địa phương, lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính... Phần lớn họ là

người dân gốc ở hai địa bàn khảo sát, một số ít là những người ở nơi khác đến sinh sống tại địa phương trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Thảo luận nhóm được nghiên cứu sinh sử dụng bổ trợ trong nghiên cứu. Vì thực hiện nghiên cứu tại địa bàn đô thị nên việc tổ chức được một cuộc thảo luận nhóm là khá khó. Do đó, nghiên cứu sinh thực hiện một số cuộc thảo luận nhóm khi có các hoạt động cộng đồng tại địa bàn như họp tổ dân phố/xóm, lễ hội làng (mỗi địa bàn nghiên cứu thực hiện 3 cuộc thảo luận nhóm).

1.2.3.2. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi

Cùng với phương pháp điền dã dân tộc học, luận án sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi để thu thập thông tin. Nội dung của bảng hỏi tập trung làm rõ những khía cạnh trong đời sống kinh tế (hoạt động kinh tế, phương tiện sinh hoạt) và đời sống văn hóa (quan hệ ứng xử, lễ hội, phong tục tập quán, giá trị truyền thống, giải trí...) của người dân. Các nội dung này được dùng để hỏi người dân ở thời điểm hiện tại và có sự hồi cố lại thời điểm 10 năm trước. Vì nghiên cứu về sự biến đổi nên những người được lựa chọn để trả lời bảng hỏi là người dân gốc hoặc là những người đã sinh sống ở địa bàn nghiên cứu ít nhất hai đời trở lên. Bên cạnh đó, vì nghiên cứu có sử dụng câu hỏi hồi cố nên những người được lựa chọn tham gia trả lời phỏng vấn thường là người lớn tuổi. Sở dĩ có sự lựa chọn này vì những người lớn tuổi sinh sống ở địa phương có thể cảm nhận, đánh giá được những thay đổi của địa phương trong quá trình chịu sự tác động của đô thị hóa.

Số bảng hỏi được khảo sát tại 2 địa bàn nghiên cứu là 400 bảng hỏi, mỗi địa bàn khảo sát 200 bảng hỏi. Số lượng bảng hỏi ở mỗi địa bàn được chia đều cho các thôn (3 thôn cũ của phường Định Công và 4 thôn của xã Minh Khai). Sau khi đã có số mẫu của mỗi thôn, nghiên cứu sinh lựa chọn người phỏng vấn ở mỗi thôn theo cách chọn mẫu quả bóng tuyết (snowball sample) - lựa chọn một số người có đặc điểm theo tiêu chí nghiên cứu đặt ra, sau khi phỏng vấn xong nhờ chính những người này giới thiệu đến những người khác có cùng tiêu chí để phỏng vấn và cứ như thế cho đến khi đủ mẫu nghiên cứu.

Số liệu được xử lý trên phần mềm SPSS 11.5. Kết quả về một số đặc điểm mẫu nghiên cứu như sau: 1/ về giới tính: nam giới chiếm 42,5% (170 người), nữ giới chiếm 57,5% (230 người); 2/ về tuổi: dưới 35 tuổi là 22,2% (89 người), từ 36-45 tuổi là

29,0% (116 người), từ 46-55 tuổi là 27,5% (110 người), từ 56 tuổi trở lên là 21,3% (85 người); 3/ về nghề nghiêp: nông nghiệp 14,0%, công nhân 7,3%, lao động giản đơn 21,8%, buôn bán, kinh doanh 26,3%, cán bộ viên chức 6,3%, nghỉ hưu, già yếu 11,3%, không có việc làm 1,8%, nghề khác 11,2%; 4/ về trình độ học vấn: biết đọc, biết viết 2,0%, tốt nghiệp tiểu học 14,5%, tốt nghiệp THCS 27,1%, tốt nghiệp PTTH 39,5, trung cấp 4,3%, cao đẳng, đại học 7,1%.

Tiểu kết chương 1

Đô thị hóa là một xu hướng tất yếu của lịch sử phát triển nhân loại mà bất kỳ một xã hội hiện đại nào cũng trải qua. Trên thế giới, quá trình đô thị hóa diễn ra một cách mạnh mẽ ở phương Tây thông qua cuộc cách mạng công nghiệp, sau đó lan sang Mỹ những năm cuối thế kỷ XIX và châu Á là những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX.

Ở nước ta, quá trình đô thị hóa diễn ra từ khá sớm với những đặc trưng riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải từ sau Đổi mới quá trình này mới diễn ra một cách mạnh mẽ cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đã dẫn đến những thay đổi trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội không chỉ ở vùng đô thị hóa mà ở cả vùng chịu sự tác động của đô thị hóa. Đó là những thay đổi trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân số, cơ cấu nghề nghiệp... cũng như đời sống văn hóa. Nhiều làng xã ven đô chỉ sau “một đêm” đã trở thành đô thị. Với sự chuyển đổi nhanh chóng đó, quá trình đô thị hóa đã làm nảy sinh nhiều vấn đề trong đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa ở những vùng đô thị hóa. Những vấn đề này đã và đang đặt ra những câu hỏi mà nhiều ngành khoa học như triết học, xã hội học, văn hóa học, tâm lý học... và nhân học hướng đến trả lời. Kết quả nghiên cứu của một số công trình nghiên cứu đi trước đã chỉ ra rằng, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đang cho thấy sự thiếu quy hoạch phát triển mang tính tổng thể đối với những vùng ven đô.

Khía cạnh văn hóa trong quá trình đô thị hóa cũng được đặt ra trong nhiều công trình nghiên cứu gần đây. Kết quả nghiên cứu của các công trình này cho thấy, việc chuyển đổi đơn vị hành chính từ xã thành phường đã dẫn đến những thay đổi trên

nhiều phương diện của đời sống văn hóa của người dân vùng chuyển đổi. Tương tự như vậy, tại những vùng ven đô cũng đang có những thay đổi trong đời sống văn hóa dưới tác động của quá trình đô thị hóa.

Tuy nhiên, ở những vùng chịu tác động mạnh mẽ của đô thị hóa hiện nay, biến đổi văn hóa đang diễn ra khá đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để văn hóa vùng đô thị hóa biến chuyển theo chiều hướng tích cực, vừa giữ được những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống, vừa tiếp thu những giá trị văn hóa đô thị thì cần có nhiều hơn các công trình nghiên cứu từ các hướng tiếp cận khác nhau và từ những cộng đồng khác nhau. Qua đó, có thể thấy được sự đa dạng của biến đổi văn hóa trong quá trình đô thị hóa. Dựa trên hướng tiếp cận chủ đạo là nhân học văn hóa, luận án sẽ góp phần làm rõ hơn những biến đổi văn hóa ở vùng đô thị hóa và vùng chịu sự tác động của đô thị hóa. Trong đó, hướng đến tìm hiểu những khác biệt trong sự biến đổi văn hóa ở nơi đã có sự chuyển đổi về mặt hành chính (từ xã thành phường) và những vùng vẫn còn là xã.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w