Phát triển đô thị ở Hà Nội từ 1986 đến nay

Một phần của tài liệu Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (Trang 49 - 50)

Quá trình phát triển đô thị Hà Nội trong giai đoạn này diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế đầy biến động. Kinh tế Việt Nam bắt đầu chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó quá trình đô thị hóa ở Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế... cũng có những biến đổi to lớn.

Địa giới hành chính và dân số Hà Nội trong giai đoạn này có nhiều sự thay đổi. Năm 1991, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII đã thông qua việc điều chỉnh địa giới của Hà Nội, theo đó 7 huyện ngoại thành đã được chuyển về tỉnh Vĩnh Phú và Hà Tây (huyện Mê Linh chuyển về tỉnh Vĩnh Phú; huyện Hoài Đức, huyện Phúc Thọ, huyện Đan Phượng, huyện Ba Vì, huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây chuyển về tỉnh Hà Tây). Sau khi điều chỉnh, Hà Nội còn lại 9 đơn vị hành chính gồm 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) và 5 huyện ngoại thành (Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì). Với sự điều chỉnh địa chính này, diện tích tự nhiên giảm từ 2.123km2 (trong đó nội thành là 43km2, ngoại thành là 2.080km2) xuống còn 922,8km2 (trong đó nội thành là 40km2, ngoại thành là 882,8km2) [78, tr.369]. Dân số giảm 383.200 người (từ 2.435.200 người xuống còn 2.052.000 người). Sau một thời gian phát triển và dưới sức ép của đô thị hóa, Hà Nội tiếp tục có sự điều chỉnh địa giới nội đô với việc thành lập các quận: Tây Hồ (1995), Thanh Xuân (năm 1996), Cầu Giấy (năm 1997), Long Biên, Hoàng Mai (năm 2003).

Đến năm 2008, địa giới hành chính Hà Nội lại có sự điều chỉnh lớn. Việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội đã được kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII thông qua ngày 29/5/2008. Theo đó toàn bộ tỉnh Hà Tây, cùng với huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập vào Hà Nội.

Sau khi mở rộng, diện tích tự nhiên của Hà Nội là 3.328,9km2 với dân số là 6.232.940 người và tính đến năm 2011, dân số Hà Nội là 6.699.600 người với mật độ dân số trung bình 2.013 người/km2 [138]. Dân số sống ở nội thành chiếm khoảng 43,2% và dân số ngoại thành chiếm 56,8%. Hà Nội hiện có 29 đơn vị hành chính quận, huyện; 577 đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn.

Bảng 2.1. Tỷ lệ dân số nội thành Hà Nội từ 1990-2011

Năm Tổng số dân (người) Tỷ lệ dân số nội thành (%) 1990 2.051.900 45,4 1995 2.335.400 46,3 2000 2.737.300 53,4 2005 3.149.800 65,3 2008 6.233.000 38,7 2011 6. 699.600 43,2

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê hàng năm

Từ năm 1990 đến 2007, dân số Hà Nội và mật độ dân số nội thành có xu hướng tăng nhanh. Đến năm 2008, do sáp nhập Hà Tây và một số xã thuộc Vĩnh Phúc, Hòa Bình vào Hà Nội nên tỷ lệ dân số nội thành đã giảm từ 65,3% (năm 2005) xuống còn 38,7%. Tuy nhiên, ba năm sau đó (năm 2011) dân số nội thành tăng thêm 4,5% (từ 38,7% lên 43,2%).

Như vậy, có thể thấy sau hơn 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đã diễn ra một cách nhanh chóng, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Hà Nội là một trong hai thành phố (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có tốc độ đô thị hóa cao nhất nước ta. Theo ước tính năm 2010, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội là 30 - 32% và nhảy vọt thành 55 - 65% vào năm 2020 [55]. Tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm vừa qua đang đặt ra cho Hà Nội những bài toán cần phải giải quyết, đó là vấn đề cơ sở hạ tầng, lao động việc làm, môi trường, tệ nạn xã hội...

Một phần của tài liệu Biến đổi văn hóa trong cộng đồng dân cư vùng đô thị hóa (Trang 49 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w