Thiết bị công nghệ dệt may nước ta nói chung và ngành công nghiệp may nói riêng vừa lạc hậu vừa thiếu đồng bộ, dẫn đến sản phẩm làm ra kém năng lực cạnh tranh. Theo đánh giá của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ngành dệt may Việt Nam đang ở trình độ công nghệ bậc 2/7 của thế giới, thiết bị máy móc lạc hậu 2-3 thế hệ đặc biệt là công nghiệp dệt. Điều này làm cho việc phát huy năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Có thể nói một trong những nguyên nhân cơ bản hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam là tình trạng thiếu vốn đầu tư ở các doanh nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực dệt, do thiếu thiết bị và công nghệ hiện đại nên ngành dệt nước ta không có khả năng sản xuất các loại vải cao cấp phục vụ nguyên liệu cho ngành công nghiệp may. Vì vậy các doanh nghiệp may không có nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng yêu cầu chất lượng cho sản phẩm sản xuất ra, mặt khác nếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài thì sẽ đội giá thành sản phẩm lên, khiến cho sản phẩm mất khả năng cạnh tranh và đó là một trong những nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp may của chúng ta buộc phải lựa chọn phương thức an toàn là gia công hàng xuất khẩu.
Nhận thức được tầm quan trọng của máy móc và công nghệ hiện đại, trong những năm gần đây, ngành may đã liên tục tiến hành đầu tư mở rộng sản xuất và đổi mới trang thiết bị để có thể kịp thời đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày một cao.
Trong 5 năm gần đây toàn ngành đã trang bị thêm gần 20000 máy may hiện đại các loại để sản xuất các mặt hàng sơ mi, Jacket, đồ bảo hộ lao động, áo phông các loại... cải thiện một bước chất lượng hàng dệt may của nước ta.