b. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp/ngành [20], [21], [23], [34]
1.4.3. Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực [26], [29]
Việt Nam là thành viên mới so với các nước khác trong khối ASEAN và AFTA nên kinh nghiệm thực thi các cam kết kinh tế - thương mại trong khuôn khổ ASEAN và AFTA vẫn còn non yếu và chưa tối đa hoá được hiệu quả của quá trình này. Việt tìm hiểu các mô hình hội nhập kinh tế thành công của một số nước nhằm rút ngắn quá trình, giảm các chi phí và nâng cao các lợi ích từ hội nhập khu vực là một việc làm hết sức cần thiết đối với Việt Nam. Dưới đây là một vài mô hình thực tiễn điển hình để tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong tiến trình hội nhập ASEAN và AFTA.
• Kinh nghiệm Singapore
Là một đối tác vô cùng quan trọng của Việt Nam trong thương mại và đầu tư, Singapore là một điển hình thành công của mô hình kinh tế dựa trên thế 3 chân kiềng là xuất khẩu, phát triển dịch vụ và kỹ thuật công nghệ cao. Có thể nói, Singapore là một quốc gia mà Việt Nam trong những năm qua đã học hỏi và vận dụng nhiều kinh nghiệm nhất trong khối ASEAN, đặc biệt là chính sách chủ động hội nhập, phát triển nền kinh tế hướng ngoại mà vẫn đảm bảo tính độc lập tự chủ quốc gia. Singapore đẩy mạnh các hình thức thương mại quốc tế như xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu gián tiếp, buôn bán đối lưu, tạm nhập tái xuất… Đặc biệt, Singapore đã phát huy được thế mạnh về vị trí địa lý các cảng biển của mình tạo ra một thị trường trung chuyển hàng hoá lớn cho các nước ASEAN. Để làm được điều này, Singapore đã đi trước một bước trong việc mở cửa thị trường, tạo cửa ngõ giao lưu buôn bán giữa ASEAN với các thị trường khác ở bên ngoài. 98% tổng số mặt hàng (5708 mặt hàng) của Singapore hiện đã nằm trong CEPT với thế suất bằng 0%, tức là miễn thuế hoàn toàn. Do vậy đã biến Singapore trở thành trung tâm dịch vụ thương mại thế giới và được xem là trung tâm buôn bán chuyển khẩu lớn nhất khu vực. Như vậy, bài học có thể rút ra từ Singapore cho Việt Nam về cam kết tự do hoá thương mại với ASEAN và AFTA là: nhanh chóng và hợp lý cắt giảm thuế, bãi bỏ các rào cản phi thuế quan, mạnh dạn mở cửa thị trường để tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường cung cấp dịch vụ, chế biến hàng xuất khẩu, thị trường trung chuyển tái xuất sang các nước khác.
Về đầu tư nước ngoài, Singapore ban hành nhiều sắc luật khuyến khích đầu tư khác nhau, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế ở từng giai đoạn. Trong thời kỳ đầu phát triển công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu, sắc lệnh công nghiệp “mũi nhọn” và sắc lệnh “miễn thuế” đã định hướng đầu tư nước ngoài của Singapore vào
những ngành có công nghệ cao, để hiện đại hoá sản xuất trong nước, đảm bảo quá trình phát triển độc lập, bền vững sau này. Vậy bài học của Singapore có thể rút ra cho Việt Nam khi thực hiện tự do hoá đầu tư trong ASEAN và AFTA là: tổ chức bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, khuyến khích đầu tư lớn và có trọng điểm vào các ngành mũi nhọn, có công nghệ cao để hưởng các ưu đãi; mở cửa thị trường nhằm phát huy thế mạnh vị trí địa lý thuận lợi, coi trọng phát triển nguồn nhân lực và chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho đầu tư.
• Kinh nghiệm Thái lan
Có thể nói Thái lan là quốc gia có các điều kiện về địa lý, khí hậu, nhân lực, cơ cấu kinh tế gần tương đồng với Việt nam, do đó sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh tự nhiên với ta trong khu vực. Thái lan cũng là quốc gia tiên phong trong việc thực hiện AFTA và tỏ ra sốt sắng trong việc mở cửa thị trường thương mại dịch vụ và đầu tư. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Thái lan là nông sản trong đó chủ lực là mặt hàng gạo, thuỷ sản (là nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới), dệt may, đồ điện, xe hơi, xe gắn máy, đồ thủ công… Thái lan đặc biệt chú trọng đến phát triển thương mại dịch vụ và ngành này chiếm trên 50% GDP của Thái lan, trong đó quan trọng nhất là dịch vụ du lịch, ngân hàng, bảo hiểm… được Thái lan chú trọng mở cửa thị trường, phát triển tràn lan của các thành phần kinh tế “bong bóng”, các khoản nợ do đầu tư quá nhiều, mức độ phụ thuộc vào buôn bán với nước ngoài quá lớn, nhập siêu ngoại thương tăng, dự trữ ngoại tệ quá ít đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ vào tháng 7 năm 1997.
Quá trình thực hiện các cam kết kinh tế – thương mại của Thái lan trong ASEAN và AFTA diễn ra ở mức độ khá nhanh, thể hiện mong muốn tự do hoá thương mại và tăng cường cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tính đến nay, Thái lan đã thực hiện cắt giảm thuế trên 9100 mặt hàng nhập khẩu theo qui định của CEPT và là một trong ba nước ASEAN thực hiện CEPT nhanh nhất. Còn về thực hiện các cam kết đầu tư, Luật Đầu tư của Thái lan đến nay không có qui định nào phân biệt đối xử giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài, do đó có thể nói Thái lan cũng là nước đI đầu trong việc thực hiện AIA cũng như các cam kết về tự do đầu tư trong APEC.
Như vậy bài học rút ra từ Thái lan đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập ASEAN và AFTA là duy trì mức độ mở cửa hợp lý để đón nhận những cơ hội từ
bên ngoài, cần đảm bảo được sự kiểm soát của Nhà nước đối với cơ cấu đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt công tác quản lý nợ nước ngoài, đồng thời ổn định môi trường chính trị kinh tế, khuyến khích hình thức liên doanh và kiểm soát chặt chẽ các công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
• Kinh nghiệm Trung Quốc
Nổi lên như một cường quốc kinh tế sau 20 năm thực hiện chính sách mở cửa, Trung Quốc là quốc gia gần gũi với Việt nam về mặt văn hoá, thể chế chính trị và cơ cấu lao động. Thành công lớn nhất của Trung Quốc là phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nội lực, tranh thủ công nghệ bên ngoài và nhân công rẻ trong nước để giảm giá thành sản phẩm để từ đó thâm nhập các thị trường nước ngoài bằng giá bán thấp. Do vậy hàng hoá Trung Quốc hiện nay đang chiếm lĩnh các thị trường lớn trên thế giới. Trung Quốc đang tạo thế và lực trong khối APEC cũng như ra sức gây ảnh hưởng đến kinh tế ASEAN. Trong quan hệ hợp tác với APEC và WTO, Trung Quốc đã đề ra qui tắc cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, cộng thêm sự cẩn trọng nên việc thực hiện các cam kết của Trung Quốc trong khuôn khổ APEC luôn đạt được hiệu quả cao đồng thời vẫn giảm thiểu những tác động tiêu cực. Buôn bán của Trung Quốc với các nước APEC lên tới 74% do đó Trung Quốc chịu lệ thuộc nhiều vào khối này, đặc biệt là trong buôn bán với Hoa Kỳ và Nhật Bản, đây là một mối nguy hiểm đối với Trung Quốc.
Khác với Singapore và Thái lan, Trung Quốc chưa là thành viên chính thức của WTO và là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của các nước ASEAN. Quá trình hội nhập của Trung Quốc trong APEC từ tốn hơn và có thể nói là quá trình đấu tranh bền bỉ với hai siêu cường kinh tế trong cùng khối là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn lấy thị trường tiêu thụ rộng lớn của mình để tạo đối trọng trong quá trình mặc cả với các nước này. Việt tham gia cắt giảm thuế quan và phi thuế quan của Trung Quốc luôn tỏ ra cầm chừng, đặc biệt Trung Quốc luôn tìm cách bảo hộ mặt hàng nông sản của mình trong quá trìnhnày và điều này là nguyên nhân chủ yếu của các cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Như vậy bài học rút ra từ Trung Quốc là Việt Nam cần phải tăng cường phát huy nội lực của mình để tạo thế và lực trong đàm phán, nhất quán các nguyên tắc riêng của Việt nam trong quá trình thực hiện các cam kết với ASEAN và APEC.