II. THÀNH TÍCH:
CEOVN: Trần Ngọc Sươn g Nông Trường Sông Hậu
Trần Ngọc Sương người phụ nữ đầy cá tính, không chỉ làm rạng danh gia đình mà còn là niềm tự hào của người nông dân đồng bằng.
Trần Ngọc Sương, "Giám đốc Nhà nông"
Với những dự định táo bạo, từ một phép tính đến một chuỗi hiệu quả và chất lượng trong công việc, Giám đốc Nông trường Sông Hậu - Trần Ngọc Sương là người phụ nữ đầy cá tính đã đoạt giải “ Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2002” - một giải thưởng cao quý với 15 phụ nữ xuất sắc nhất chọn lọc từ 11 nước vào vòng chung kết tổ chức tại Singapore. Số tiền thưởng 10.000 USD đã được chị tặng cho những phụ nữ và trẻ em nghèo ở Cần Thơ. Việc làm đầy tình nghĩa đó của chị đã để lại “ấn tượng” sâu sắc trong lòng mọi người.
Người phụ nữ "toàn năng"
Nhìn lại sự “thay da đổi thịt” của nông trường Sông Hậu ngày nay, không ít người phải thán phục về ý chí, bản lĩnh và phong cách làm việc của Giám đốc Trần Ngọc Sương. Chị không bao giờ thỏa mãn với những thành công, hoặc bi quan trước những thất bại. Chị là người phụ nữ giàu nghị lực, nhiều ước mơ, luôn luôn nhìn thẳng vào
sự thật, quan sát, lắng nghe thực tế, từ đó làm cuộc đổi mới hiệu quả.
Có năng khiếu thẩm mỹ trong cách chọn mẫu thời trang, nấu nướng, cắm hoa… năm 16 tuổi, Trần Ngọc Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại Trường Cao đẳng nữ công gia chánh Bạc Liêu. Nhưng không chọn con đường mang đậm thiên chức tại gia của người phụ nữ, với hoài bão lớn cho tương lai, cô nữ sinh Trần Ngọc Sương theo học khóa I, Đại học Nông nghiệp Cần Thơ. Khi ra trường chị về làm việc tại nông trường Sông Hậu một thời gian. Để nâng cao kiến thức, chị lại đi nghiên cứu về quản lý kinh tế trên đại học ở Liên Xô. Và giờ đây, ở cương vị Giám đốc một nông trường tầm cỡ chị đã trở thành người phụ nữ toàn năng lo đủ việc: thủy lợi, giao thông, cải tạo đất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, tiếp thị, nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước, cả việc học hành, văn hóa, thể dục thể thao… của toàn thể nông trường.
Nổi tiếng là người di chuyển linh hoạt và tận dụng thời gian làm việc tối đa, những lần phải lên TP.HCM công tác, chị thường đi vào buổi tối để đến kịp giờ làm việc vào sáng hôm sau. Một nhà báo đã tặng chị chín chữ: “Ăn qua loa - Ngủ qua quýt - Đi liên tục”. Đó chính là tác phong làm việc của người phụ nữ nhiệt tình này. Hầu như trong cuộc đời mình, chị dành mọi tình cảm, lý trí, vốn liếng, cả tuổi xuân để sống vì người khác. Vì thế mà cho đến bây giờ, đã ngoại ngũ tuần chị vẫn còn là người của công việc, chỉ có công việc, chuyện riêng tư vẫn gác lại.
"Hổ phụ sinh hổ tử"
Sau khi đi Liên Xô để nghiên cứu về quản lý kinh tế, cùng với tấm bằng tốt nghiệp kỹ sư chăn nuôi trong nước, Trần Ngọc Sương về nông trường Sông Hậu, nơi cha của chị - ông Trần Ngọc Hoằng, người anh hùng chân đất xứ ruộng sình kinh ngập đã khai hoang phục hóa gần 7.000ha đất. Chị đã cùng cha luôn nghĩ cách vạch ra những kế hoạch, những chiến lược lâu dài mong biến vùng đất hoang lầy, nhiễm phèn này trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hàng loạt biện pháp đòn bẩy kinh tế, khuyến nông tại chỗ được áp dụng như: Khoán sản phẩm đến người lao động, khoán cho lực lượng gián tiếp, khoán quỹ lương và khoán hành chính. Đồng thời với các chính sách khoán hợp lý và kích thích năng lực tự chủ của hộ nông trường viên.
Nhiều cơ sở dịch vụ kỹ thuật được mở ra, ứng trước tổng quỹ lương hàng năm để hổ trợ cho người lao động, bung mở nhiều cách làm ăn, dùng các chính sách đòn bẩy để đồng lương đẻ thêm thu nhập. Giáo dục ý thức “ vì tập thể và kết hợp cá nhân với tập thể”, khuyến khích sáng tạo và năng động, mở các dịch vụ căn tin, chợ, bến xe, kinh doanh vật phẩm văn hóa… Tóm lại, những gì người lao động cần thì chị chủ động tìm cách mang đến, gợi mở cho họ. “Hãy để cho người nông dân suy nghĩ ngay trên chính luống cày của họ”- câu nói của Lênin đã trở thành cách tổ chức quản lý của Trần Ngọc Sương với nông trường Sông Hậu. Vùng đất 7.000ha hoang lầy với lau sậy và cỏ dại mọc um tùm hầu như không ai dám ngó ngàng tới, thế mà nay đã trở thành những con đường rợp mát bóng cây, những làng quê trù phú có câu lạc bộ, trường học, chợ, trạm y tế, trung tâm văn hóa… bừng sáng cả một khoảng trời Tây
Đô.
Nông trường Sông Hậu hiện có trên 5.500 ha lúa hai vụ, hơn 1.000ha rau màu xen canh, và xen nuôi khoảng 5.100ha tôm, cá nước ngọt trên đất hai vụ lúa theo kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gần 200ha vườn cây ăn trái, hàng trăm máy cày, máy xới, máy bơm, máy xay xát, xưởng sửa chữa cơ khí, xưởng gạch ngói, các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu, trạm phát sóng FM nội bộ… Năm 2002 nông trường phát triển mạnh đàn bò sữa lên gần 600 con, bình quân mỗi ngày cung cấp 1,5 tấn sữa tươi nguyên chất cho chi nhánh Công ty sữa Vinamilk tại Cần Thơ. Nông trường còn tập trung tạo thế và lực để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng đề án tiêu chuẩn hóa theo hệ thống chất lượng quốc tế ISO 9001: 2000, đồng thời thực hiện quản lý doanh nghiệp phục vụ sản xuất, đời sống và làm hàng xuất khẩu.
Nông trường hiện nay có 10 nhà máy chế biến nông sản, một nhà máy chế biến thực phẩm, một nhà máy chế biến gỗ gia dụng. Chị nói: “Chúng tôi đang từng bước thực hiện cổ phần hóa các nhà máy, hạch toán tự chủ, mạnh bạo giao thêm quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho người lao động, đội sản xuất, cơ sở chế biến. Làm sao để hơn 10.000 công nhân nông nghiệp ở đây thực sự là hơn 10.000 “ông chủ”, có thể đứng sân được với thị trường thế giới, để họ có thể bán được các sản phẩm tươi sống, sơ chế, tinh chế của mình một cách có lợi nhất. Và lợi ích, tất nhiên họ phải được hưởng trọn gói theo giá trị và chất lượng sản phẩm do họ làm ra”. Đó thực sự là lợi ích thiết thực nhất của người lao động.
Nông trường hiện có khoảng 3.600 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (THPT). Trường THPT Trần Ngọc Hoằng là trường được đầu tư dạy và học theo trường chuẩn quốc gia, mấy năm qua là điển hình thi đua của huyện Ô Môn - tỉnh Cần Thơ về cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Hàng năm nông trường chi ra từ 2,5tỷ đến hơn 3 tỷ đồng cho giáo dục nhằm nâng cao đời sống cho giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng trường lớp. Đó cũng là hiệu quả đáng mừng của một chủ trương đúng của cơ sở - xã hội hóa giáo dục.
Nữ doanh nhân "thời Internet"
Trong Hội thảo khoa học “Nông trường Sông Hậu - mô hình phát triển theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang phát biểu: “Trong thời buổi nông nghiệp cả nước đang tiến quá chậm, lợi ích của người nông dân tăng quá ít vì vướng vào tình trạng khó tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là thị trường đầu ra, thì nông trường Sông Hậu đã nổi lên thành mô hình khép kín từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản hàng hóa - quả là một tổng công ty lớn đi lên từ đất đai và lao động ở nông thôn”.
Thành công của nông trường Sông Hậu chính là hiểu rõ các yếu tố tự nhiên và xã hội. Coi trọng yếu tố con người , phát huy nguồn nhân lực sẵn có, có quy hoạch và tổ chức sản xuất tốt phù hợp khả năng thực tế. Điều quan trọng là nông trường luôn tìm tòi và học hỏi để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, chủng loại, mẫu mã,
sớm biết gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năng động tìm kiếm thị trường mới, nhất là thị trường ngoài nước. Hiện nay, sản phẩm của nông trường đã có chỗ đứng ở một số thị trường như Nga, một số nước ở châu Phi, Đông Nam Á và Đông Âu.
Nông trường Sông Hậu, nơi có hai cha con nối nghiệp giám đốc đều được nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2002 Trần Ngọc Sương lại đoạt giải “ Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, và chị cũng là một trong ba “ Nữ doanh nhân thời Internet” - như trong Tạp chí “Thế giới vi tính” số tháng 9-2001 đã khẳng định càng làm cho nông trường Sông Hậu thêm tỏa sáng. Tục ngữ có câu: “ Cây lành sinh trái ngọt”, chính đạo đức và tài năng của người cha đã kết tinh và để lại cho nông trường Sông Hậu người nữ giám đốc hết lòng vì công việc trên con đường xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu giữa miền phù sa châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.