II. Các chỉ tiêu bình quân
3.2.1. Chi phí trung gian nuôi tôm của các hộ điều tra
Trong tổng chi phí sản xuất, chi phí trung gian chiếm tỷ trọng lớn nhất, nó bao gồm chi phí về giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, xử lý ao hồ, nhiên liệu, trả lãi vốn vay, lao động thuê ngoài và các chi phí khác. Tùy theo các loại ao nuôi khác nhau mà mức độ đầu tư khác nhau. Bảng số liệu 12 thể hiện rõ cơ cấu chi phí trung gian của các loại ao nuôi.
Số liệu bảng 12 cho thấy trong chi phí trung gian, chi phí về thức ăn chiếm trọng lớn nhất. Bình quân mỗi ha đầu tư đến 29.733,61 nghìn đồng cho thức ăn, chiếm gần 57%. Trong đó, nuôi cao triều đầu tư nhiều cho thức ăn hơn nuôi hạ triều. Trung bình, mỗi ha cao triều tiêu tốn khoảng 36.638 nghìn đồng cho thức ăn (chiếm 57,63% tổng chi phí trung gian), trong khi 1 ha nuôi hạ triều chỉ mất 7.030 nghìn đồng (chiếm 55,80%).
Bảng 12: Chi phí trung gian của các hộ điều tra theo các loại ao nuôi năm 2009 (Tính BQ/ha)
Chỉ tiêu BQC Cao triều Hạ triều Cao triều/hạ triều
Giá trị (1000đ) % Giá trị (1000đ) % Giá trị (1000đ) % +/- Lần
Tổng chi phí trung gian 52.421,54 100 63.571 100 44.524 100 19.047 1,43
1.Giống 9.626,34 18,36 11.424 17,97 8.353 18,76 3.071 1,37 2.Thức ăn - Thức ăn tươi - Thức ăn CN 29.733,61 8.674,85 21.058,76 56,72 16,54 40,17 36.638 10.997 25.641 57,63 17,30 40,33 24.843 7.030 17.813 55,80 15,79 40,01 11.795 3.967 7.828 1,47 1,56 1,44 3.Phòng trừ dịch bệnh 805,95 1,54 916 1,44 728 1,64 188 1,26 4.Xử lý ao hồ + Xử lý ao trước nuôi + Tu bổ ao hồ 4.200,54 2.383,54 1.817,00 8,01 4,55 3,46 5.078 3.525 1.553 7,98 5,54 2,44 3.579 1.575 2.004 8,04 3,54 4,50 1.499 1.950 -451 1,42 2,24 0,77 5. Nhiên liệu 1.993,15 3,80 3.103 4,88 1.207 2,71 1.896 2,57 6.Trả lãi vốn vay 1.480,96 2,68 2.112 3,32 1.034 2,32 1.078 2,04
7. Lao động thuê ngoài 4.730,73 9,02 5.216 8,20 4.387 9,85 829 1,19
8.Chi phí khác 453,54 0,80 539 0,85 393 0,88 146 1,37
Bảng số liệu còn cho thấy thức ăn công nghiệp chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với thức ăn tươi trong các loại ao nuôi. Cụ thể, trong nuôi cao triều thì thức ăn công nghiệp chiếm đến 40,33%, còn thức ăn tươi chỉ chiếm 17,30%, tương tự như vậy đối với nuôi hạ triều thức ăn công nghiệp chiếm 40,01% còn thức ăn tươi chỉ có 15,79%, nguyên nhân của sự chênh lệch đó là do:
Thức ăn tươi bao gồm các loại cá nhỏ, khuyết…đây là loại thức ăn hữu cơ dễ bị phân hủy trong môi trường nước, nếu cho ăn không đúng kỹ thuật sẽ làm tồn đọng cặn bã ở dưới ao gây ra ô nhiễm ao nuôi. Nên trong những năm lại đây trung tâm khuyến ngư và sở Thủy Sản khuyến cáo người dân hạn chế cho ăn thức ăn tươi. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cho thấy nhiều hộ vẫn sử dụng loại thức ăn này do có giá thành thấp hơn thức ăn công nghiệp lại có thể tận dụng được các loại thủy sản đánh bắt của gia đình.
Còn thức ăn công nghiệp hiện nay được bà con sử dụng khá phổ biến, đây là loại thức ăn tổng hợp có nhiều chất dinh dưỡng góp phần giúp cho tôm sinh trưởng và phát triển nhanh chóng, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường, giúp cho tôm có khả năng chống chịu dịch bệnh tốt. Do đó, loại thức ăn này được khuyến khích bà con sử dụng thay thế cho thức ăn tươi. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thức ăn tổng hợp khác nhau, vì vậy các hộ nuôi tôm cần lựa chọn những hãng sản xuất có uy tín và có chứng nhận của cơ quan chức năng để tránh mua phải loại thức ăn kém chất lượng làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tôm nuôi.
Không kém phần quan trọng, chi phí về giống chiếm tỷ lệ lớn thứ hai trong tổng chi phí trung gian, sau thức ăn. Đây là nhân tố hàng đầu quyết định đến hiệu quả của toàn bộ quá trình sản xuất. Nó ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tôm nuôi. Trong kết cấu chi phí trung gian, chi phí giống bình quân chung mỗi ha chiếm 18,36%, tương ứng với 9.626,34 nghìn đồng, trong đó nuôi cao triều là 17,97%, nuôi hạ triều là 18,76%. Hầu hết các hộ nuôi tôm đều thả giống với mật độ tương đối vừa phải, phù hợp với diện tích ao nuôi. Tuy nhiên, do giống được lấy ở ngoại tỉnh, chủ yếu là ở Đà Nẵng nên chất lượng con giống khó được đảm bảo, nhiều khi không qua kiểm dịch, là nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh là rất lớn, dẫn đến tôm có thể chết ngay sau khi thả, làm ảnh hưởng rất lớn đến kết quả và hiệu quả nuôi tôm của các hộ dân. Do đó, vấn đề đặt ra cho địa
phương trong thời gian tới là cần xây dựng một trại ươm giống tại chỗ để cung cấp giống có chất lượng tốt cho bà con. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch giống trước khi thả nuôi để hạn chế được dịch bệnh ở tôm.
Chiếm tỷ trọng lớn thứ 3 trong tổng chi phí trung gian là lao động thuê ngoài. Hầu hết các hộ nuôi tôm phải thuê lao động cho việc xử lý ao hồ và thu hoạch cuối vụ, với tiền công phải trả cho một ngày công giao động từ 80-100 nghìn đồng. Cho nên, chi phí về lao động thuê bình quân trên ha cũng chiếm một tỷ lệ tương đối cao là 9,02 trong tổng chi phí trung gian. Chi phí thuê lao động của nuôi cao triều và nuôi hạ triều không có sự chênh lệch đáng kể, chi phí thuê lao động nuôi cao triều bình quân trên ha là 5.216 nghìn đồng chiếm 8,20% trong tổng chi phí trung gian còn chi phí lao động của nuôi hạ triều là 4.387 nghìn đồng chiếm 9,85% trong tổng chi phí trung gian.
Tiếp đến là chi phí xử lý ao hồ: để tiến hành nuôi có hiệu quả tốt thì trước khi thả giống, các hộ nuôi tôm phải tiến hành xử lý ao hồ nhằm tạo điều kiện phát triển cho tôm phát triển. Chi phí xử lý ao hồ bình quân trên ha chiếm 8,01% tương ứng với 4.200,54 nghìn đồng, đối với nuôi cao triều, chi phí xử lý ao hồ bình quân trên ha chiếm 7,98%, còn nuôi hạ triều chiếm 8,04% trong tổng chi phí trung gian tương ứng với mỗi loại ao nuôi. Xử lý ao hồ nhằm nạo vét ao, diệt tạp, diệt khuẩn, bón vôi để điều chỉnh độ pH cho thích hợp. Hằng năm do điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhiều đợt lụt làm cho đê bao quanh ao nuôi bị hư hỏng, vì vậy cần phải được tu bổ lại ao.
Trong tổng chi phí trung gian tỷ trọng về chi phí nhiên liệu chiếm vị trí thứ năm: hiện nay hầu hết các hộ nuôi tôm đều trang bị cho mình máy bơm nước và máy sục khí, đặc biệt là các hộ nuôi cao triều. Nhưng để vận hành được các loại máy này cần phải có nhiên liệu để nổ máy trong qua trình thay nước và tạo khí cho hồ nuôi. Trong tổng chi phí trung gian, bình quân mỗi ha chi phí này chiếm 3,80% tương ứng với 1.993,15 nghìn đồng.
Sau chi phí về nhiên liệu, chi phí trả lãi vốn vay cũng chiếm tỷ trọng đáng kể, với lãi suất bình quân trên ha là 2,68%, tương ứng với 1.480,96 nghìn đồng. Hiện nay hầu hết các hộ nuôi tôm đều phải vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để tiến hành nuôi tôm. Trong năm này các hộ nuôi tôm được cho vay ưu đãi với lãi suất thấp 0,5%/tháng, tuy nhiên nó chỉ áp dụng cho những hộ đã hết nợ ở ngân hàng, còn những hộ vẫn còn
thiếu nợ của ngân hàng thì áp dụng mức lãi suất cao hơn 10%/năm, còn nhiều hộ khác do dư nợ ở ngân hàng lớn, tiền gốc và tiền lãi không trả nên ngân hàng không cho vay tiếp, vì vậy muốn duy trì hoạt động sản xuất của mình các hộ nuôi phải đi vay nóng bên ngoài với mức lãi suất cao.
Thấp hơn các chi phí trên, tỷ trọng chi phí phòng trừ dịch bệnh chiếm thứ bảy trong tổng chi phí trung gian: chi phí phòng trừ dịch bệnh của các hộ nuôi tôm trong năm qua không cao, chiếm tỷ lệ thấp nhất 1,54%. Trong những năm lại đây, dịch bệnh đốm trắng xảy ra khắp nơi, công tác phòng trừ dịch bệnh của địa phương ngày càng được tăng cường, UBND huyện chỉ đạo cho các cơ quan chức năng cùng các xã triển khai công tác phòng trừ dịch bệnh ngay ở đầu vụ. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy các hộ nuôi vẫn xem nhẹ đầu tư cho khoản chi phí này.
Ngoài ra còn có loại chi phí khác chiếm tỷ lệ bình quân trên ha là 0,80%, đây là các loại chi phí phát sinh trong quá trình nuôi.
Qua phân tích trên ta thấy trong chi phí thức trung gian thì chi phí thức ăn và chi phí về giống có ảnh hưởng quan trọng và chiếm tỷ lệ cao nhất. Chi phí phòng trừ dịch bệnh ngày càng được chú trọng hơn, chi phí xử lý ao nuôi có liên hệ mật thiết với các chí phí khác, nó đòi hỏi năng lực của chủ hộ trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến kĩ thuật nuôi.
So sánh chi phí trung gian giữa nuôi cao triều và nuôi hạ triều
Số liệu ở bảng 12 cho thấy chi phí trung gian giữa hai loại ao nuôi có sự chênh lệch nhau khá lớn. Cụ thể nuôi cao triều 1ha phải bỏ ra chi phí trung gian là 63.571 nghìn đồng, còn nuôi hạ triều bình quân 1 ha chỉ bỏ ra 44.524 nghìn đồng, chênh lệch đến 19.047 nghìn đồng, hay nuôi cao triều cao hơn nuôi hạ triều 1,43 lần.
Điều trên là do sự chênh lệch của các yếu tố sau:
Chi phí thức ăn của nuôi cao triều cũng cao gấp 1,47 lần so với nuôi hạ triều. Trong khi nuôi hạ triều chi phí thức ăn bình quân mỗi ha hết 24.843 nghìn đồng thì nuôi cao triều chi phí thức ăn hết 36.638 nghìn đồng. Các loại ao nuôi cao triều thường nuôi theo hình thức thâm canh hoặc bán thâm canh, còn loại ao nuôi hạ triều thường nuôi theo hình thức QCCT, do đó thức ăn đầu tư cho loại ao cao triều cao hơn.
Chi phí giống ở nuôi cao triều cao gấp 1,37 lần so với nuôi hạ triều, điều này phù hợp với đặc điểm kinh tế kỹ thuật giữa các loại ao nuôi. Tuy diện tích nuôi tôm của cao triều ít hơn diện tích nuôi hạ triều nhưng chi phí về giống của nuôi cao triều cao hơn là vì phần lớn các ao nuôi cao triều các hộ nuôi tôm thả giống tôm thịt có giá cao hơn so với giống tôm POST được thả hầu hết ở các ao nuôi hạ triều. Cho nên, làm cho chi phí về giống của nuôi cao triều cao hơn.
Về chi phí nhiên liệu, lượng nhiên liệu bình quân trên ha của nuôi cao triều cao gấp 2,57 lần so với nuôi hạ triều. Đối với nuôi hạ triều chi phí nhiên liệu chỉ là 1.207 nghìn đồng còn đối với nuôi cao triều thì chi phí nhiên liệu lên đến 3.103 nghìn đồng. Nguyên nhân là do các ao nuôi hạ triều nằm ở ngoài phá nên lợi dụng được khi triều lên để tiến hành xử lý ao nuôi nên ít tiêu tốn nhiên liệu bơm nước xử lý ao. Phần nhiên liệu mà nuôi hạ triều phải chi trả là sử dụng máy bơm nước để bơm xả nước trong mỗi lần thay nước. Còn ao nuôi cao triều do ở vùng trong phá nên phải tốn nhiên liệu bơm nước xử lý ao hồ và trong quá trình thay nước vừa phải bơm xả nước và bơm nước lên hồ. Do đó, chi phí nhiên liệu của nuôi cao triều cao hơn nuôi hạ triều.
Chi phí về phòng từ dịch bệnh, xử lý ao hồ, trả lãi vốn vay và lao động thuê ngoài của nuôi cao triều đều cao hơn nuôi hạ triều do mức đầu tư thâm canh của nuôi cao triều cao hơn. Nhìn vào bảng số liệu, chi phí phòng bệnh bình quân một ha của nuôi cao triều gấp 1,26 lần nuôi hạ triều, chi phí xử lý ao gấp 1,42 lần, trả lãi vốn vay gấp 2,04 lần và lao động thuê ngoài gấp 1,19 lần. Các hộ nuôi cao triều đã chú trọng đến phòng trừ dịch bệnh và xử lý ao nuôi hơn, ngoài ra chi phí mua sắm trang thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất cao và mức đầu tư lớn nên các hộ nuôi cao triều phải đi vay khoản tiền lớn hơn, làm cho lãi suất vốn vay cũng cao hơn so với nuôi hạ triều.
Qua phân tích trên ta thấy, mức đầu tư của nuôi cao triều luôn lớn hơn nuôi hạ triều. Do ở ao nuôi cao triều đòi hỏi yêu cầu kĩ thuật cao nên mức độ đầu tư phải lớn, chính vì thế cũng ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi tôm của các loại ao nuôi sau này.