Cơ cấu lao động qua đào tạo hiện nay chưa phù hợp cho một thành phố phát triển theo hướng công nghiệp (tỷ lệ giữa đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật là 1-0,4-2,0 (cả nước là 1-2,4-3,5 và các nước phát triển là 1-4-10). Tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp; trình độ năng lực của lực lượng lao động qua đào tạo vẫn còn bất cập. Công tác đào tạo nghề trong những năm gần đây phát triển tương đối nhanh, song chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng. Công tác dạy nghề phát triển thiếu quy hoạch, quy mô
cơ sở dạy nghề còn nhỏ lẻ, không đồng bộ; phần lớn trang thiết bị dạy nghề ngoài công lập vừa thiếu vừa lạc hậu; đội ngũ giáo viên sư phạm kỹ thuật chưa đồng bộ, tỷ lệ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn còn thấp. Chưa có hình thức và cơ chế thích hợp cho việc hình thành đội ngũ chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao.Tiềm lực khoa học và công nghệ còn hạn chế và thiếu tính đồng bộ. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ khá đông nhưng thiếu chuyên gia giỏi. Việc thu hút cán bộ khoa học giỏi từ các địa phương khác còn bất cập, không có cơ quan chuyên nghiên cứu triển khai.
Só lượng cán bộ khoa học và công nghệ của Thành phố hiện có chưa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH. Tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ trên số dân còn thấp so với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Nếu lấy mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thành phố đạt trình độ trung bình tiên tiến về KH&CN như Hàn Quốc hiện nay, thì chúng ta phải tăng số lượng nhân lực khoa học công nghệ tính trên 1 ngàn dân lên gấp 5 lần. Chất lượng đào tạo cán bộ KH&CN còn hạn chế, cơ cấu ngành nghề chưa cân đối; thiếu nhiều cán bộ khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, đặc biệt là chuyên gia về công nghệ; sự phân bố đội ngũ này giữa các cơ quan, doanh nghiêp, thành thị nông thôn vẫn còn bất hợp lý.