QUYẾT ĐỊNH VỀ GIÁ
1. Một số lý thuyết kinh tế căn bản trong quá trình định giá sản phẩm phẩm
Để có thể xây dựng cơ cấu cho quá trình định giá sản phẩm chúng ta cần nghiên cứu mối quan hệ giữa các mô hình lý thuyết kinh tế vi mô với khái niệm của quá trình phân tích lợi nhuận trong doanh nghiệp.
DT, CP Tổng chi phí Tổng doanh thu Q Q* BEP 1 BEP 2
Đường tổng doanh thu là 1 đường cong (do khối lượng sản phẩm bán ra không cùng một mức giá), đường cong tổng doanh thu tăng lên và có xu hướng nghiên dần về bên phải, do: các nhà kinh tế giả thiết rằng đến một thời điểm nào đó doanh nghiệp phải giảm giá bán để khuyến khích bán ra sản phẩm nhiều hơn, nên tổng doanh thu tiếp tục tăng lên nhưng với tỷ lệ nghiên dần do giá bán giảm từ từ.
Đường tổng chi phí cũng là đường cong do chi phí sản xuất của số sản phẩm tăng thêm không phải là hằng số. Khi tỷ lệ tăng tổng chi phí còn thấp hơn tỷ lệ tăng doanh thu thì công ty vẫn còn có lợi bằng việc sản xuất và bán thêm sản phẩm.
Đến một lúc nào đó khi tỷ lệ tăng của tổng chi phí bằng với tỷ lệ tăng của tổng doanh thu, thì hai đường biểu diễn này ở cách xa nhau nhất, chênh lệch giữa tổng chi phí và tổng doanh thu ở mức cao nhất, khối lượng sản phẩm bán được ở thời điểm này đạt mức Q*, đây là khối lượng tốt nhất để sản xuất và bán sản phẩm.
Q* thể hiện khối lượng bán và giá bán hợp lý nhất:
- Nếu khối lượng bán vượt quá Q* ( ở bên phải Q* ), thì khi đó tổng chi phí sẽ tăng nhanh hơn tổng doanh thu và tất nhiên tổng lợi tức sẽ giảm.
- Nếu khối lượng bán chưa đạt đến Q* ( ở bên trái Q* ), thì tổng doanh thu tăng nhanh hơn tổng chi phí, doanh nghiệp nên tận dụng năng suất để nâng cao khối lượng sản phẩm lên, để đạt ở mức sản lượng Q*.
2. Vai trò của chi phí trong các quyết định về giá
Vấn đề được đặt ra là chi phí được sử dụng và có lợi ích gì trong các quyết định về giá, tại sao phải sử dụng các số liệu chi phí trong việc hình thành các quyết định về giá? Vì:
- Trong việc đưa ra các quyết định về giá bán sản phẩm, nhà quản lý phải đương đầu với vô số các điều kiện không chắc chắn, do đó việc lập giá dựa vào các số lượng chi phí phản ánh một điểm khởi đầu là đã có thể loại bớt một số điều không thực và bằng cách này nhà quản lý thấy được phương hướng để xác lập giá bán có thể được chấp nhận.
- Chi phí gắn liền với những phí tổn cụ thể tại doanh nghiệp. Vì vậy, việc lập giá dựa vào chi phí, giúp cho nhà quản trị nhận biết được mức giá tối thiểu, mức giá cá biệt, từ đó tránh xây dựng những mức giá quá thấp, dẫn đến thua lỗ.
- Trong điều kiện doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau, không thể phân tích được mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận cho từng sản phẩm thì việc tính giá dựa trên chi phí giúp cho các nhà quản lý xác lập được giá trực tiếp, nhanh hơn để cung cấp cho khách hàng và sau đó có thể chỉnh lý khi thời gian và điều kiện cho phép.
- Giá bán được dựa vào các yếu tố chi phí có thể cung cấp cho người lập giá một số hiểu biết, giúp họ dự đoán được giá bán sản phẩm trong điều kiện cạnh tranh.
Từ những vấn đề trên ta thấy được tầm quan trọng của chi phí trong các quyết định về giá là tiền đề hoạch định giá và điều giá trong chính sách của doanh nghiệp. Do vậy, một trong những chức năng quan trọng của kế toán quản trị là cung cấp thông tin chi phí để hỗ trợ cho các quyết định lập giá.