Thời Mạc và Lê Trung hưng (1427-1789)

Một phần của tài liệu báo cáo nghiên cứu khoa học '''' vị trí khu di tích khảo cổ học 18 hoàng diệu trong cấu trúc thành thăng long - hà nội qua các thời kỳ lịch sử[1] '''' (Trang 25 - 29)

2. Thành Thăng Long Đông Kinh thời Lê Sơ Mạc Lê Trung hưng

2.2.Thời Mạc và Lê Trung hưng (1427-1789)

Trong thời nhà Mạc, Hoàng thành và Cấm thành hầu như không thay đổi. Nhà Mạc đã nhiều lần xây dựng, tu bổ các cung điện và nhất là lo tăng cường, mở rộng hệ thống phòng vệ để đối phó với những cuộc tiến công của quân Trịnh trong cuộc chiến Nam - Bắc triều.

Năm 1587, “họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long”[51] và “đắp lũy đất các xứ, trên từ sông Hát xuống đến sông Hoa Đình, kéo dài đến vài trăm dặm”[52].

H.6: Cấm thành theo Hồng Đức bản đồ A. 2499

Năm 1588, “đắp thêm ba lớp lũy phía ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu, vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa đến Cầu Dền suốt đến Thanh Trì, giáp phía Tây Bắc sông Nhị, cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào ba lớp hào, đều trồng tre, dài đến mấy mươi dặm để bọc lấy phía ngoài thành”[53]. Thành Đại La được mở rộng lên mặt bắc, bao quanh cả Hồ Tây và phía ngoài có ba lớp lũy bảo vệ. Đây là lần mở rộng quy mô thành Đại La lớn nhất nhưng hoàn toàn do nhu cầu chiến tranh và chỉ tồn tại một thời gian ngắn.

Đầu năm 1592, quân Trịnh tiến công, chiếm được thành Thăng Long và đã cho “san phẳng lũy đất đắp thành Đại La dài đến mấy ngàn trượng, phá hết bụi rậm gai góc, cào lấp hào rãnh, phá hết thành bằng đất”2. Thành Đại La và hệ thống hào lũy phòng vệ bên ngoài bị phá hủy và từ đó kinh thành Thăng Long chỉ còn lại Hoàng thành và Cấm thành.

Trong thời Lê Trung hưng tức thời vua Lê - chúa Trịnh, về mặt cấu trúc kinh thành Thăng Long có một số thay đổi lớn. Chúa Trịnh chuyển trị sở chính quyền

ra khỏi Hoàng thành và xây dựng Vương Phủ trên một khu đất ở phía Tây hồ Hoàn Kiếm và phía Nam tháp Báo Thiên (khoảng Nhà thờ lớn). Tại đây mọc lên một quần thể kiến trúc mới gồm nhiều cung điện nguy nga, phía ngoài có tường thành bao bọc. Phủ chúa được thể hiện trên nhiều bản đồ Hồng Đức, thành hình vuông, mở hai cửa: Chính Môn ở phía Nam và cửa Tuyên Vũ ở phía Đông, nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Trong thời Lê Trung hưng, Phủ chúa mới là trung tâm quyền lực của nhà nước quân chủ. Sự chuyển dịch trung tâm chính trị này kéo theo một loạt thay đổi trong quy hoạch kinh thành Thăng Long. Khu vực phía Tây và tây nam Hoàng thành để hoang phế dần. Cấm thành giành cho vua Lê không còn thực quyền và là nơi cử hành những nghi lễ vương triều, tiếp đón sứ thần nước ngoài.

Năm 1749, trước mối đe doạ của khởi nghĩa nông dân, chúa Trịnh Doanh cho sửa đắp thành Đại La nhưng thu nhỏ lại, loại bỏ Hồ Tây và khu vực phía Tây ra khỏi phạm vi kinh thành. Đó là thành Đại Đô, mở tám cửa, mỗi cửa đặt hai ô tả và hữu[54]. Trên bản đồ Hà Nội hiện nay, thành Đại Đô phía bắc là Yên Phụ (Yên Hoa) qua đường Thanh Niên, tiếp đường Hoàng Hoa Thám, vòng theo đường Ngọc Hà ôm lấy vườn Bách Thảo, rồi theo phố Giảng Võ, tiếp theo đường La Thành qua ô Chợ Dừa, đường Đại Cồ Việt qua ô Cầu Dền đến ô Đống Mác và theo đê sông Hồng nối với Yên Phụ. Đoạn đê sông Hồng lúc bấy giờ còn nằm sâu vào phía trong so với đê sông Hồng hiện nay vì ô Tây Long (khoảng Nhà hát lớn), chùa Tràng Tín (Hàng Chuối) còn là bến đò. Qui mô của tòa thành Đại Đô còn thể hiện rõ trên các bản đồ Hà Nội thế kỷ XIX như bản đồ năm 1831, năm 1873 với 16 cửa ô. Bên ngoài thành Đại Đô, những đoạn Hoàng thành và thành Đại La xưa vẫn còn di tích nhưng không được tu bổ. Cả một khu vực rộng lớn về phía Tây và tây nam của Hoàng thành bị nông thôn và nông nghiệp hóa. Chính trong bối cảnh đó, khu Thập tam trại ra đời.

Trong phạm vi thành Đại Đô, phần còn lại của Hoàng thành và cả Cấm thành không được chăm sóc tu bổ nên bị xuống cấp và sạt lở nhiều, cửa Bắc bị lở xuống

sông Tô Lịch, cửa Đại Hưng và cửa Đông Hoa cũng bị hư hỏng nhiều. Năm 1786, quân Tây Sơn đã đắp lại Hoàng thành từ cửa Đại Hưng đến cửa Đông Hoa.

Tuy nhiên vị trí và quy mô Cấm thành vẫn không thay đổi. Đoan Môn và điện Kính Thiên vẫn tồn tại qua biết bao biến thiên và sự cố lịch sử cuối thời Lê Trung hưng. Năm 1786, vua Lê Hiển Tông đã tiếp Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tại điện Kính Thiên và Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh Tây Sơn theo cửa Đoan Môn vào tiếp kiến nhà vua.

Một phần của tài liệu báo cáo nghiên cứu khoa học '''' vị trí khu di tích khảo cổ học 18 hoàng diệu trong cấu trúc thành thăng long - hà nội qua các thời kỳ lịch sử[1] '''' (Trang 25 - 29)