c) Dự kiến phân tích
2.2.4. Cách sáng tác và sử dụng thơ về hóa học
Để có được những câu thơ, bài thơ về hóa học, giáo viên có thể sáng tác hoặc sưu tầm. Công việc sáng tác thơ về hóa học có thể thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Chọn những bài giảng và nội dung kiến thức cần truyền đạt. - Bước 2: Xác định thể loại thơ để sáng tác.
- Bước 3: Tìm từ ngữ phù hợp sắp xếp thành những câu thơ giàu vần điệu, nhịp điệu có nội dung hóa học.
- Bước 4: Đọc toàn bài thơ và chỉnh sửa ngôn từ cho phù hợp với từng thể loại thơ và nội dung kiến thức cần truyền đạt.
Với những bài thơ vui hay thơ đố về hóa học, giáo viên có thể sử dụng trong các bài giảng trên lớp, trên bảng tin hay trong những buổi ngoại khóa đều có thể mang lại hiệu quả cao.
- Khi dùng thơ để khai thác những kiến thức về hóa học trong các bài giảng, người giáo viên cần lưu ý đặc biệt đến nội dung cần thể hiện cũng như kết hợp với thủ pháp về tâm lý để học sinh cảm nhận được sâu sắc. Giáo viên có thể ngâm hay đọc với những giọng điệu vui tươi, hài hước kết hợp cùng cao độ, trường độ, âm sắc của giọng nói giúp học sinh bất ngờ, thích thú. Với những bài thơ dài, giáo viên có thể sao thành nhiều bản và phát cho học sinh để các em làm tài liệu tham khảo.
- Trong những buổi ngoại khóa, đố vui hóa học, giáo viên nên khai thác những bài thơ vui, thơ đố đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ. Như vậy, ngoài việc làm cho không khí thêm phần sinh động, học sinh cũng dễ dàng nắm bắt kiến
thức, giải đố nhanh chóng. Giáo viên cần tránh việc sử dụng những bài thơ quá dài vì sẽ làm cho học sinh bị rối, không nhớ được ý chính, ý cần hỏi.
- Bảng tin hóa học sẽ vui và hấp dẫn hơn khi có dán những bài thơ về hóa học. Những bài thơ này khi dán trên bảng tin sẽ có được những ưu điểm sau: truyền tải được nhiều nội dung hóa học, không ảnh hưởng đến thời gian của tiết học, một số lượng lớn học sinh có thể cùng xem, đọc nhiều lần hay ghi chép lại. Với những bài thơ vui, chúng ta có thể giúp học sinh liên hệ với kiến thức cũ bằng cách cho các em trả lời câu hỏi “Những kiến thức nào đã được đề cập trong bài thơ”. Bên cạnh đó, chúng ta có thể kết hợp tổ chức đố vui, học sinh sẽ gửi đáp án vào hộp thư. Cuối mỗi ngày kiểm tra thư. Mỗi kì (có thể một tháng, hai tháng tùy theo bảng tin), trao phần thưởng cho học sinh có câu trả lời chính xác và nhanh nhất. Tuy giá trị phần thưởng có thể không cao nhưng đây là nguồn động viên tinh thần học sinh, giúp các em hứng thú học tập, say mê tìm hiểu tri thức.
Ngoài ra, giáo viên có thể cho học sinh thể hiện năng khiếu văn chương khi sáng tác thơ về hóa học. Sau đó, cho học sinh trao đổi, đố các bạn khác hoặc chia sẻ tác phẩm của mình với thầy cô, bạn bè trên bảng tin, các em sẽ thêm phần hứng thú, yêu thích bộ môn hơn.