Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư 1 Giọng điệu trữ tình – lo âu, khắc khoả

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 90 - 94)

3.2.2.1 Giọng điệu trữ tình – lo âu, khắc khoải

Đây là giọng điệu nổi bật trong các sáng tác của nhà văn trẻ Nam Bộ. Trước sự đổi thay không ngừng của xã hội hiện đại, giọng điệu trong các sáng tác của các nhà văn trẻ cũng có nhiều biến đổi. Đó là giọng hoài nghi phản ánh tâm lý thất vọng trước thực tại xã hội; giọng chất vấn, đay đả đầy mỉa mai khi nói về những điều phi lý ở đời; giọng giễu nhại chống lại những nguyên tắc bảo thủ, lỗi thời;…Tự bao giờ, Nguyễn Ngọc Tư đã “gom góp những buồn vui” để viết, để “trả nợ” những yêu thương và cả những chấp chới, khổ đau mà chị nhận được từ cuộc đời. Chị đi sâu khai thác mảng hiện thực đang phơi bày ra trước mắt, một hiện thực đang được rung chuông báo động, ở đó đầy những va chạm, bụi bặm và ngột ngạt của cuộc sống đời thường. Chị viết về những con người chân lấm tay bùn thật thà, chất phác; những người nghệ sĩ nghèo khổ thiết tha với nghề nhưng tất cả đều chung nhau một điểm, mỗi nhân vật mang trong mình một nỗi đau, một niềm “uẩn khúc riêng”. Vì vậy, giọng văn của chị vừa dung dị, sâu lắng; vừa bâng khuâng, trăn trở suy tư và đầy tâm trạng. Ở đó có cái mềm mại nữ tính của người con gái lại có cái khắc khoải, hụt hẫng, lo âu về những điều bất trắc sẽ xảy ra.

Chưa đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, chỉ nghe những nhan đề thôi đã đậm chất thơ nhưng ẩn giấu những lo âu, khắc khoải. Đó là những: Ngọn đèn không tắt, Đau gì như thể…, Lý con sáo sang sông, Biển người mênh mông, Nước chảy mây trôi, Cánh đồng bất tận, Gió lẻ, Cải ơi, Nhớ sông, Sầu trên đỉnh Puvan, Của ngày đã mất, Thổ Sầu, Nước như nước mắt, Khói trời lộng lẫy,…

Văn của chị vừa trữ tình nhẹ nhàng, vừa đầy tâm trạng suy tư được gọi ra bằng những câu văn nghe như nhạc: “Và chiếc ghe, cánh đồng, dòng sông thênh thang mãi…” (Cánh đồng bất tận); “Chiều nay bìm bịp kêu, nắng chỉm lỉm theo” (Khói trời lộng lẫy). Nhiều câu trong trẻo và buồn như một bản vọng cổ hoài lang “tự dưng nghe buồn, nghe thất vọng quá trời đất” (Một mái

nhà); “mà, lòng người là thứ dễ thương tổn, dòng sông cũng có thể cắt nát,

sau đó thì ánh mắt, tiếng nói, nước mắt,…”; “những buổi trưa tháng mười mờ mờ, lợt lạt quay về trên khu phố nhà tôi” (Vết chim trời). Những câu văn nhoi nhói một niềm đau: “Những cơn buốt lạnh chợt tới, chợt đi, thảng thốt”; “và em thấy mình thực sự trôi, bồng bềnh và mộng mị trong một không gian tối dần, tối dần và rồi, bóng tối bắt đầu vô tận” (Gió lẻ). “Má thở dài, thở dài” (Chuyện của điệp). Những câu văn buông ra nhẹ nhàng lại có thể gieo vào lòng người đọc những trăn trở, suy tư nặng trĩu về cuộc đời. Có được điều đó chính là nhờ tài năng và tấm lòng của nhà văn.

Nhiều khi đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư thấy sao buồn quá. Số phận con người thật nhỏ bé và đáng thương. Tuổi đời chưa nhiều nhưng hình như ở nhà văn trẻ này vốn sống và kinh nghiệm đã có đầy. Chị viết giản dị nhưng không kém phần trữ tình, sâu lắng. Truyện của chị hầu hết là những khoảnh khắc tâm lý, nhẹ nhàng, ít tình tiết giật gân, nhưng đọc xong người ta cứ phải nghĩ. Những cuộc đời, những số phận luôn luôn bị bao bọc bởi những điều bất

trắc, khổ đau. Hàng loạt câu văn bỏ lửng, hàng loạt dấu “…” giữa những trang văn:

“Biển người thì mênh mông vậy…” (Biển người mênh mông).

“May mà không bao giờ nhìn thấy nụ cười đó, nhưng câu nói con người Tiên thiệt thà, hỏi sao cậu biết thì cậu cười, “Thì đui thử như tui đi, rồi biết…”. Trời, ai ngu sao…” (Nửa mùa).

“Ai mà biết, mùa này gió bấc hiu hiu lại về…” (Hiu hiu gió bấc). “Chớ biết làm sao, lỡ thương quá chừng rồi…” (Bến đò xóm Miễu). “Đêm đó, ngoài nhà xuồng, nó nghe ông thở dài. Tự mình làm mình chịu, ai biểu…” (Cái nhìn khắc khoải).

“Mà có đau, dường như cũng trễ…” (Cánh đồng bất tận).

“Chị không hỏi em đã đi đâu, chẳng ích gì…Đàn ông rong ruổi đường xa đàn bà vật vạ ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà…” (Mộ gió).

“Osho nếu thật từng tồn tại, thì ông ta có nói những lời vá víu nỗi đau đó không? Vĩnh không biết. Nhưng cô gái bốn mươi hai kí lô là có thật…” (Osho và bồ).

Đằng sau những dấu chấm lửng ấy là tâm trạng lo âu, thắc thỏm của nhà văn trước cảnh đời và tình người.

Giọng điệu trữ tình – lo âu đầy thắc thỏm còn được thể hiện qua việc sử dụng hàng loạt những câu hỏi tu từ. Đó là sự thổn thức trước cuộc đời đa đoan, sự vỡ nhẽ trước cuộc sống,…và cũng là sự đồng cảm sâu sắc của nhà văn. Câu hỏi tu từ xuất hiện khá đậm đặc trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, tạo nên nét đặc trưng nghệ thuật trong sáng tác của chị. Nó thường xuất hiện khi nhân vật phải tự đào sâu vào bên trong tâm hồn mình, tự hỏi mình để hiểu mình, hiểu đời. Nó có khả năng tái hiện tự nhiên, ám ảnh mọi diễn biến trong thế giới nội tâm nhân vật cho nên nó mang đậm chất trữ tình nhưng đầy khắc khoải, âu lo.

Sử dụng nhiều câu hỏi tu từ nhất có lẽ là truyện Cánh đồng bất tận. Người kể chuyện cũng chính là nhân vật, tự cất lên tiếng lòng của mình khiến cho những câu hỏi cứ trào ra những day dứt, đau đớn xoáy sâu vào sự đồng cảm của người đọc:

“Chịu hết nổi cảnh sống này rồi hả? Bao giờ đi?”.

“Đêm nay, sao tôi thế này, vì nhìn thấy niềm hi vọng ư?”. “Có ai chờ chúng tôi trên những cánh đồng khơi?”.

“Tôi sặc ra một bụm cười, trời ơi, tôi biết lấy ai bây giờ?...Tôi biết lấy ai trong số đó?”.

Những cô đơn, lênh đênh, hi vọng rồi thất vọng trong lòng nhân vật bùng nổ trong những câu hỏi không lời đáp tạo ra sự da diết, ám ảnh về thân phận con người.

Nhiều khi đó là nỗi niềm bơ vơ, không bến đỗ trong cuộc đời:

“Nếu giật mình nghe tiếng khóc của cô gái gọi vào những khuya xa, anh chỉ nằm im, nghĩ, sắp sáng rồi, bữa nay làm gì, đi đâu ta?” (Sầu trên đỉnh

Puvan).

Hay những trăn trở, những dằn vặt không thể giải đáp cho dù có đi suốt cuộc đời:

“Vào những khoảnh khắc đó anh đã nghĩ gì, nghĩ gì, nghĩ gì?”.

“Tại sao tôi chọn thằng nhỏ này để làm chuyên đề khi có hàng ngàn đứa trẻ khác? Tôi tìm kiếm, hi vọng gì ở đây?” (Khói trời lộng lẫy).

Đặc biệt khi những dấu chấm lửng, những câu hỏi ở kết truyện vừa day dứt, trăn trở vừa khơi mở ra chân trời cảm xúc, suy tư nơi độc giả:

“Con Nga đứng đằng sau, ngó cái lưng bắt đầu còng xuống của người cha, nghe gió thổi qua lòng mê miết, nghĩ mình ngu thiệt, mình nuôi hận người ấy làm chi đây, mình trả đũa làm chi, đổi lấy cái gì? Có đáng không

những năm tháng dài vằng vặc? Những tâm hồn thương tổn? Và kia, một mái đầu bạc phơ xơ xác?

Có đáng không? Trời ơi, có đáng không?” (Đau gì như thể).

“Coi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi?” (Nước chảy mây trôi).

“Thí dụ như con cá, lá rau, hạt gạo mến thương của người cù lao không ràng buộc được một con người (như đã từng rịt chân ông lại), thì cái bóng nhỏ nhoi của đứa con gái đang tuyệt vọng đứng ngóng chờ dưới bến không có ý nghĩa gì sao? Tuyệt không đáng gì à?” (Thương quá rau răm).

“Hay vì tôi đang khóc, nên nghĩ vậy…” (Một chuyện hẹn hò).

“Nhưng cô muốn tới đâu? Tới đâu là tới đâu? Tới một chỗ nào?” (Cảm

giác trên đây).

“Nó chỉ lấy cắp chiếc xe đạp thôi mà, mắc gì ông già mủi lòng đau đớn vậy? Làm như nó đã giết con nhỏ, không bằng…”

Có thể thấy, dấu chấm lửng và câu hỏi tu từ là phương tiện hiệu quả thể hiện giọng điệu trữ tình nhưng đầy khắc khoải, lo âu trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Giọng điệu này còn được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh đặc trưng như: “dòng sông”, “cánh đồng”, “gió”, “nỗi nhớ”, “giọt

nước mắt”,…

Chính giọng điệu trữ tình – lo âu đầy khắc khoải đã tạo nên nét riêng cho những truyện ngắn của chị. Những lời tha thiết, những dòng cảm xúc của nhà văn trước cuộc đời bàng bạc trong từng trang văn, khiến người đọc truyện của chị xong rồi vẫn cứ suy nghĩ, trăn trở khôn nguôi.

Cùng với giọng điệu trữ tình – âu lo đầy khắc khoải, nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là chất giọng dân dã, mộc mạc.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 90 - 94)