Nghệ thuật tổ chức kết cấu 1 Khái niệm kết cấu.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 62 - 64)

2.2.1 Khái niệm kết cấu.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng tâm sự: “Viết truyện ngắn là chơi bố

cục, thú lắm. Theo tôi quan niệm, truyện ngắn phải có “chuyện” tức là có thể kể lại cho người khác nghe được. Mà muốn kể, câu chuyện phải chặt chẽ, hấp dẫn. Yêu cầu bố cục đặt ra từ đấy”. Trong đó “Bố cục là một phương diện của kết cấu. Ngoài bố cục, kết cấu bao gồm: tổ chức hệ thống tính cách, tổ chức thời gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm, nghệ thuật tổ chức những liên kết cụ thể các thành phần cốt truyện, nghệ thuật trình bày, bố trí các yếu tố ngoài cốt truyện,…sao cho toàn bộ tác phẩm thực sự trở thành một chỉnh thể nghệ thuật” [13, 156]. Mọi liên kết bên trong (giữa các sự kiện, các chi tiết

trong cốt truyện) và bên ngoài (giữa cốt truyện và các thành phần khác của tác phẩm) đều là nhiệm vụ của kết cấu. Trong Giáo trình lý luận văn học (Hà

Minh Đức chủ biên, NXB Giáo dục, H, 2008) định nghĩa về kết cấu: “…các

tác phẩm văn học không chỉ khác nhau về chất liệu hiện thực (với thơ, đó là hệ thống cảm xúc và suy nghĩ, là hình ảnh, hình tượng thơ; với văn xuôi và kịch, đó là hệ thống sự kiện, hệ thống tính cách,…), mà còn khác nhau về cách bố trí, sắp xếp, tổ chức sự xuất hiện của các chất liệu hiện thực đó trong tác phẩm, khác nhau về cách bố cục tác phẩm (với thơ, đó là cách cấu tạo các câu thơ, khổ thơ, đoạn thơ,…; với văn xuôi và kịch, đó là cách dựng các lớp, cảnh, chương, phần, tập,…)…Tóm lại, kết cấu là sự tạo thành và liên kết các bộ phận trong bố cục của tác phẩm, là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các chất liệu tạo thành nội dung của tác phẩm trên cơ sở đời sống khách quan và theo một chiều hướng tư tưởng nhất định”. Tác giả Bùi Việt Thắng trong công trình Bình luận truyện ngắn, kế thừa định nghĩa của Từ điển thuật ngữ văn học, ông

chỉ ra: “kết cấu là chiến lược, còn bố cục là chiến thuật “sắp xếp các chương

đoạn, các bộ phận của tác phẩm theo một trình tự nhất định; bố cục là một phương diện của kết cấu” [28].

Có thể khẳng định, kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm. Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng có một kết cấu nhất định. Kết cấu là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. Là một yếu tố của hình thức, kết cấu đảm nhiệm các chức năng rất đa dạng. Trong mối liên hệ giữa kết cấu với chủ đề - tư tưởng của tác phẩm, kết cấu có nhiệm vụ tổ chức tác phẩm sao cho chủ đề tập trung, tư tưởng thống nhất, sao cho chủ đề tư tưởng thấm sâu vào từng bộ phận của tác phẩm, kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Kết cấu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện sự thống nhất chặt chẽ giữa chủ đề tư tưởng với hệ thống tính cách. Đối với cốt truyện, nhiệm vụ chủ yếu của kết cấu là tổ chức bố cục của cốt truyện thành các phần,

chương, đoạn, lớp, cảnh một cách hợp lý; đồng thời nó bố trí, sắp xếp các chi tiết, các sự kiện thành những bộ phận hữu cơ của một quá trình phát triển biện chứng, và cái đích cuối cùng của quá trình đó vẫn là bộc lộ đặc điểm của tính cách và khẳng định chủ đề - tư tưởng tác phẩm. Ngoài ra, kết cấu còn bố trí, sắp xếp sự xuất hiện một cách hợp lý của các yếu tố ngoài cốt truyện như: lời nói đầu và lời nói cuối của tác giả, những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề, những đoạn phụ đề, những bức tranh phong cảnh,...Có thể nói, kết cấu góp phần đặc biệt quan trọng tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mĩ.

Nếu những yếu tố kĩ thuật, thủ pháp là có giới hạn thì kết cấu là vô hạn, vì mỗi tác phẩm là một “sinh mệnh”, một “cơ thể sống” nên kết cấu tác phẩm là một kiến trúc, một tổ chức cụ thể, phù hợp với nội dung cụ thể của tác phẩm. Kết cấu của một tác phẩm không chỉ bao hàm việc sắp đặt một bố cục các tình tiết, sự kiện “mà còn bao hàm cả việc sử dụng và tổ chức, phối hợp

các kĩ thuật trần thuật để tạo nên một công trình nghệ thuật nhân tạo mang dấu ấn của sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ” (Phạm Xuân Thạch, Truyện ngắn Thạch Lam dưới ánh sáng trần thuật học). Có thể khẳng định, kết cấu bộc lộ

nhận thức, tài năng và phong cách của nhà văn.

Gom góp những buồn vui trong đời, con “sóng ngầm” Nguyễn Ngọc Tư đã tạo ra nhiều truyện ngắn đặc sắc, thổi lên một luồng gió mới của truyện ngắn Nam Bộ. Cách tổ chức kết cấu trong các truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đã giúp chị đi sâu khai thác mảng hiện thực đang phơi bày trước mắt, một hiện thực đang được rung chuông báo động, ở đó đầy những va chạm, bụi bặm và ngột ngạt của cuộc sống đời thường.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w