Thái Phan Vàng Anh trong bài Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn
đương đại đã khẳng định: “Truyện ngắn Việt Nam đương đại không còn mang tính chất một giọng, đơn bè, như các thời kỳ trước…khảo sát tính chất đối thoại trong ngôn ngữ trần thuật hay lời nửa trực tiếp (phát ngôn đồng thời của người trần thuật và nhân vật) có thể thấy rõ tính chất đa thanh của ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn thời kỳ này” [5, 4]. Theo xu hướng đổi mới đó,
đọc văn của Nguyễn Ngọc Tư chúng ta cũng nhận thấy sự đa dạng trong ngôn ngữ trần thuật. Ngay trong bản thân các phát ngôn của người trần thuật, cùng lúc có thể có cả lời trực tiếp hay những suy tư gián tiếp của nhân vật. Khảo sát tính chất đối thoại trong ngôn ngữ trần thuật và lời nửa trực tiếp, chúng ta có thể thấy tính chất đa thanh của ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư.
Tính chất đối thoại trong ngôn ngữ trần thuật. Đây là một dạng lời phát ngôn trực tiếp, mang tính cá thể hóa cao của nhân vật khi tham gia giao tiếp. Theo Lại Nguyên Ân thì đối thoại là “sự giao tiếp qua lại (thường là
giữa hai phía) trong đó sự chủ động và thụ động được chuyển đổi luân phiên từ phía này sang phía kia (giữa những phía tham gia giao tiếp); mỗi phát ngôn
đều được kích thích bởi phát ngôn có trước và là sự phản xạ lại phát ngôn ấy…” [6, 333]. Trong truyện ngắn, hình thức đối thoại được sử dụng rộng rãi
và có vai trò quan trọng trong việc biểu đạt nội dung. Có kiểu đối thoại theo hình thức phân vai, có kiểu lời đối thoại được nhấn mạnh nhờ những chỉ dẫn của người trần thuật nhằm giản lược hoạt động giao tiếp,…Tuy nhiên, người trần thuật vẫn có thể biến lời thoại của nhân vật thành lời của bản thân. Không gai góc, như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê; không trần trụi, quyết liệt như Y Ban,…lời đối thoại trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư mang tính chất độc thoại đầy thấp thỏm, da diết. Đối thoại giữa các nhân vật trong truyện của chị nhiều khi không đảm bảo yêu cầu của một cuộc thoại thông thường. Người tham gia cuộc thoại có khi không trả lời, nếu có thì đáp lại bằng một phát ngôn không cụ thể. Ở truyện Cái nhìn khắc khoải, cuộc đối thoại giữa “chị” và “anh Hai” thực chất chỉ là những lời độc thoại của “anh Hai”, còn nhân vật “chị” chỉ thốt lên “anh Hai”:
- “Sáng nay tôi gặp thằng bạn, nó mới chạy bầy vịt từ nông trường qua. Tôi hỏi, nghe nó nói thợ gặt An Bình ở đó.
- Anh Hai!
- Ảnh tên Sinh phải hôn, cô Út? Ờ, Sinh, ảnh…cũng đang gặt bên đó, cô Út à.
- Anh Hai!
- Tàu từ xã chạy nông trường lúc năm giờ, ngang đây, chắc cỡ sáu rưỡi. Cô ráng đón chuyến đó. Để lỡ tới bữa sau, sợ mấy ảnh lại chuyển đồng, kiếm mệt lắm. Thôi, tính vậy nghen, cô Út.”
Mang tâm trạng xúc động nghẹn ngào và lòng biết ơn, nhân vật cô Út không thể nói được điều gì ngoài hai từ “anh Hai”. Còn người phát ngôn (anh Hai) cũng cố nói cho nhanh những gì muốn nói như sợ người nghe thấy được cảm xúc thực của mình.
Hay trong truyện Biển người mênh mông, cuộc trò chuyện của ông Sáu Đèo với Phi: “Chú mầy uống đi, buồn gì, hai đứa mình có duyên gặp lại đây, có phải vui biết bao nhiêu không? Nhưng qua có lời dặn lại, chú em đừng bao giờ uống say quá, chỉ những người sầu muộn mới uống say thôi”. Ở đây, người đọc chỉ thấy lời phát ngôn một chiều của ông Sáu. Đó là lời tâm sự, phơi trải nỗi sầu muộn của mình và sự đồng cảm với Phi. Đối thoại này là sự độc thoại với nhu cầu chia sẻ.
Đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư chúng ta nhận thấy, hầu hết nhân vật của chị ít hành động nên lời đối thoại chiếm số lượng ít hơn so với lời người kể chuyện và lời độc thoại nội tâm.
Dễ dàng nhận biết lời đối thoại của các nhân vật tách hẳn ra khỏi lời người kể chuyện qua những dấu gạch đầu dòng:
“ – Gió mát thiệt, hen? – Lương !
– Gì ? – Ôm tôi đi.
– Ý trời, người ta dòm. – Thây kệ họ. Ôm tui đi.
– Thôi, kỳ lắm…” ( Trích Bến đò xóm Miễu)
“ - Mới năm sáu tuổi mà lanh quá…Giống ai mà lanh vậy con? - Giống má.
- Ủa, má đâu không thấy?” (Trích Có con thuyền đã buông bờ).
Có khi lời đối thoại của nhân vật trong truyện nằm trong lời người dẫn truyện, không có dấu hiệu xuống dòng và gạch đầu dòng như thông thường. Trong truyện Bến đò xóm Miễu có đoạn: “Nhưng Bông đã nói trước, Bông khoe, “Chắc tui bỏ nghề, tui lấy chồng”. Lương rà rà mái chèo cho đò cập bến, Lương hỏi Bông lấy ai? Bông cười: “Cái ông hồi nãy đưa tui về”. Lương
muốn sụm bộ giò, lặng người mà miệng vẫn cười hịch hạc, “Sướng nghen”. Hay ở truyện Huệ lấy chồng, kiểu lời người trần thuật đan xen với lời thoại nhân vật cũng được Nguyễn Ngọc Tư sử dụng nhằm làm tăng hiệu quả biểu đạt: “Huệ cười, người ta vậy, mầy còn nhắc làm chi. Mà, sao bữa nay nghe gió lạnh quá chừng, gió te tái đưa tới một tiếng gà đang gáy, nghe từng giọt, từng tiếng buồn thỉu”. Bằng cách giữ nguyên lời nói của nhân vật trong câu kể, người trần thuật ở đoạn văn trên đã chuyển từ lời đối thoại sang lời độc thoại. Vẫn như đang nói với Điềm, song cái cảm giác “buồn thỉu” bởi gió lạnh, bởi tiếng gà te tái chỉ có thể là của riêng Huệ trước ngày lấy chồng, khi bóng dáng người cũ chưa thể phai nhòa. Với kiểu trần thuật này Nguyễn Ngọc Tư đã giúp độc giả thâm nhập sâu hơn vào thế giới nội tâm nhân vật. Sự chuyển đổi từ lời đối thoại sang lời kể đã làm lạ hóa kiểu trần thuật đơn âm, tiến tới một kiểu trần thuật đa giọng điệu.
Có thể thấy, chịu sự chi phối từ cách lựa chọn đối tượng phản ánh và cảm hứng sáng tạo của nhà văn, ẩn sau mỗi lời thoại của chị (dù của nhân vật hay của người dẫn truyện) là những tâm tình kín đáo, những dằn vặt nội tâm sâu sắc, mang tính nhân văn cao cả.
Lời nửa trực tiếp là “Lời trần thuật của tác giả và lời độc thoại của
nhân vật có khi hòa nhập với nhau, xuyên thấu nhau tạo thành lời nửa trực tiếp” (Bakhtin). Còn trong Từ điển thuật ngữ văn học thì đó là “biện pháp diễn đạt lời văn khi lời của nhân vật có bề ngoài thuộc về tác giả (về mặt chấm câu, ngữ pháp) nhưng về nội dung và phong cách lại thuộc về nhân vật” [13,187].
Nếu lời gián tiếp là lời trần thuật ngôi thứ ba kể về đối tượng, lời trực tiếp là lời nhân vật được truyền đạt thông qua độc thoại và đối thoại thì lời nửa trực tiếp là kiểu nói kết hợp đồng thời hình thức phát ngôn gián tiếp (bởi người trần thuật) và trực tiếp (bởi nhân vật). Tuy nhiên, không đơn nghĩa như lời trực tiếp, lời nửa trực tiếp thường mở ra nhiều hướng tiếp nhận, trở thành kiểu
lời nói đặc trưng cho ngôn ngữ trần thuật phức hợp, đa thanh. Như đoạn văn trong truyện Nước chảy mây trôi: “Lúc về Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo mớ khô cá sặc rằn này hôm nào mẹ con tiễn đi, mẹ nướng rồi xé trộn xoài sống, con thích món này lắm”. Thông điệp “Diệp ôm vai mẹ, Diệp bảo thích món cá khô trộn xoài sống” (bao gồm cả hành động của nhân vật) được người trần thuật truyền đạt lại. Lời kể chứa đựng ngôn ngữ nói biểu cảm của nhân vật nên lời người trần thuật và lời nhân vật hòa vào nhau.
Những lời nửa trực tiếp trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư vẫn là lời người trần thuật nhưng đồng thời là tiếng lòng của nhân vật. Dòng tâm trạng nhân vật đan xen trong lời người trần thuật. Nó là ý nghĩ mang ngôn ngữ bên trong của nhân vật song tồn tại như những diễn từ của người trần thuật. Đó là ngôn ngữ trong trẻo nhưng nhiều suy tư của Diệp ở những đoạn độc thoại nội tâm được “thốt lên” bởi người trần thuật: “Đâu nè, đâu phải muốn là làm, cũng phải suy nghĩ đắn đo dữ lắm. Coi lại, làm gì có chuyện con người được sống hồn nhiên như nước chảy mây trôi? Phải chọn lựa và trả giá chớ…”(Nước chảy mây trôi). Đó là lời nói đầy yêu thương mà người trần thuật chỉ có thể có được từ ngôn ngữ độc thoại của trái tim người mẹ: “Có nên nói hay không lời xưa rày má thường dạy thằng con trai lớn, rằng sống trên đời, thấy phải thì làm, mà làm cũng đừng nghĩ sẽ được đáp đền xứng đáng, vì có những thứ quý giá lắm, chẳng gì bù đắp được đâu” (Qua cầu nhớ người). Từ điểm nhìn nhân vật, mượn ngôn ngữ giọng điệu nhân vật, người trần thuật trong nhiều tác phẩm của chị đã kể chuyện với con mắt của chính người trong cuộc. Những băn khoăn của Tiên trong Nửa mùa về người yêu vừa phụ bạc mình được kể đầy xót xa: “Cuối cùng, nó nuốt nước mắt, tin rằng chuyện này cũng giống như trong phim, chắc là anh mặc cảm, anh không muốn làm gánh nặng cho nó nên mới ra đi. Chắc là anh không dùng cách giả đò thân mật với một cô gái khác vì sợ làm nát tan lòng nó. Chắc là anh đứng gián chỗ hàng
rào một hồi, câm lặng nuốt nước mắt nhìn nó ngủ…Và nếu giống như trong phim thì Tiên phải đi tìm anh, dù ở cùng trời cuối đất, để nói với anh rằng, nó có thấy nặng nề, cực nhọc gì đâu, cả nghĩ tới điều đó nó còn không mảy may nữa là…”. Hay ở một đoạn trong Giao thừa, người kể chuyện đã nói hộ những nỗi niềm buồn tủi của nhân vật: “Cô thấy mình giống như cây cỏ ven đường, người ta đi qua đạp, đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống cỗi cằn. Những mùa lam lũ. Những mùa cực nhọc. Một mình chống chọi. Đàn ông con trai coi được một chút mới lòng vòng ở ngoài đã nghe thiên hạ rần lên “Thứ gái hư đâm đầu vô làm gì”. Ai mà muốn, chỉ tại con nhỏ, thấy gió yêu gió, thấy hoa yêu hoa, đam mê bồng bột. Nghĩ mình học chưa đến đâu nhưng là học những bài học bự nhất, đắt nhất”. Niềm thương dường như tan chảy trong từng câu chữ.
Qua việc phân tích việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Ngọc Tư khi trần thuật, chúng ta nhận thấy tài năng và cá tính riêng của nhà văn Nam Bộ trẻ tuổi này. Chị đã vận dụng linh hoạt ngôn ngữ trần thuật, đặc biệt là việc sử dụng phương ngữ, hình thức đối thoại và độc thoại nội tâm nhằm làm nổi bật thế giới tâm hồn của người dân quê chị. Đồng thời, những lời nửa trực tiếp được sử dụng đậm đặc trong truyện tạo cho ngôn ngữ trần thuật của chị trở nên giàu sức gợi hơn.
3.2 Giọng điệu trần thuật