Kể theo điểm nhìn của chính mình

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 29 - 31)

Với điểm nhìn của chính mình, người kể chuyện đứng ở bên ngoài thế giới truyện kể để quan sát, hoặc hoàn toàn giấu mình, kể lại câu chuyện một cách khách quan, lạnh lùng hoặc tự bộc lộ qua ngôn ngữ biểu cảm, qua những lời giải thích, bình luận xen vào câu chuyện. Đây là dạng thức kể chuyện quen thuộc trong hình thức trần thuật từ ngôi thứ ba. Khảo sát các tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, chúng tôi nhận thấy rằng phương thức tự sự này chỉ tồn tại ở cấp độ thấp hơn văn bản (đoạn, cảnh, câu) chứ không xuất hiện ở cấp độ toàn văn bản. Như truyện Hiu hiu gió bấc và Cảm giác trên đây vừa được kể theo điểm nhìn của chính người kể chuyện hàm ẩn vừa kể theo điểm nhìn của các nhân vật trong truyện.

Ngay đầu truyện Hiu hiu gió bấc người kể chuyện giới thiệu về nhân vật: “Ở cái xóm nhỏ ven thành phố này người ta nhắc tới anh Hết còn nhiều hơn chủ tịch tỉnh đi họp. Đứa nào hỗn hào, lười biếng, má nó biểu lại coi thằng Hết kìa, ba mươi mấy tuổi đầu rồi, ngày đi làm thuê, chiều về lụi hụi chui vô bếp nấu cơm, gặt giũ cho cha già, hiếu thảo thấy mà thương”. Đó là lời của người kể chuyện hàm ẩn không những giới thiệu về nhân vật chính là anh Hết mà còn bộc lộ tình cảm của người kể trước cảnh tình của anh “thấy mà thương”. Với giọng điệu ấy người kể chuyện hàm ẩn đã kể lại chuyện tình buồn giữa anh Hết và chị Hoài. Có những lúc người kể chuyện không hề che giấu cảm xúc của cá nhân: “Ai nghe nói cũng thương. Đúng là tên sao thì người vậy, chịu thương chịu khó hết mình, hiếu thảo hết mình…Thời đó, tuổi đó, người ta thương không nhìn gia cảnh, địa vị. Tuổi đó, người ta yêu không ngại ngần, không e dè, rào cản, họ để lòng tự nhiên như dòng chảy của sông”.

Có thể thấy trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, người kể chuyện hàm ẩn nhiều khi công khai thể hiện những cảm xúc và nhận xét của chính mình. Những câu hỏi kết thúc truyện, những câu văn buông lơi như chính tiếng lòng đồng cảm của người kể chuyện với nhân vật: “Nhưng mà chờ tới chừng nào lận? Ai mà biết. Mùa này gió bấc hiu hiu lại về”. Tuy nhiên, ở nhiều đoạn, điểm nhìn đã được trao cho nhân vật. Đó là khi anh Hết thể hiện lòng thương tía: “Chừng này tuổi rồi, mỗi khi anh đặt lưng xuống bộ vạc, lại nhớ ngơ nhớ ngẩn lời hát của tía anh ngày xưa. Buồn lắm, nghe đứt ruột lắm. Càng nhớ anh càng thương ông”. Và khi anh muốn bộc bạch nỗi lòng với chị Hảo, người để lòng thương anh: “Anh chưa dám nhìn thẳng vô mắt chị Hoài để cười, chưa dám nựng nịu con của chị Hoài mỗi khi chị bồng nó đi tiêm ngừa. Chưa thanh thản để chào nhau như một người bạn gặp một người bạn. Hảo có hiểu không?”.

Cảm giác trên đây cũng là câu chuyện được kể dưới điểm nhìn của

chính nhân vật người kể chuyện. Mở đầu vẫn là lời giới thiệu về nhân vật: “Cô nghĩa vừa qua tuổi bốn mươi sáu, suốt từ trẻ đến giờ chỉ yêu và cưới đúng một người, sinh cho chồng hai thằng con đẹp trai như cha chúng. Mười tám năm cô dạy lịch sử cấp ba ở trường Phù Đổng, mười tám năm cô tới trường đúng giờ, kiểu thời trang ưa thích là áo dài, tóc dài”. Rồi bằng cái nhìn và giọng điệu của chính mình, người kể chuyện hàm ẩn đã nhận xét cụ thể hơn về cô Nghĩa: “Cô ăn nói nhỏ nhẹ, cười khẽ khàng, vui lắm cũng không thành tiếng. Đề tài ưa thích của cô khi tán gẫu với đồng nghiệp là chuyện cải cách sách giáo khoa và giá cả, rau đang lên. Cô không thỏa hiệp với những lời nói đùa kiểu như “cô đẹp lắm…”, cô nghĩ ai đó mỉa mai mình”. Nhưng đến đoạn về biến cố trong cuộc đời cô khi gặp phải đứa học trò tinh quái, điểm nhìn đã được trao cho nhân vật: “Những lời yêu cô gặp nhiều hồi chưa lấy chồng, nhưng hơn chục năm rồi ít ai nhắc tới, nghe xa lạ quá chừng…Cô

quay đi và nghĩ trò đùa này đã kết thúc…Cô nghĩ ngợi cho buổi chiều này bình thường như mọi buổi chiều đã trôi đi không tăm tích trong đời không có ai đó nói yêu cô”. Người trần thuật đã kể lại chuyện theo cái nhìn và cảm giác của nhân vật: “Cô Nghĩa thấy căng thẳng, cô chưa từng gặp phụ huynh học sinh để nói một chuyện giống như vầy…Tội nghiệp. Cô nghĩ tới hai từ đó suốt đường về, nhưng đi tới đầu hẻm thì mất hết cảm giác…Nghĩ trời đất ơi hên thiệt, thằng nhỏ giỡn chơi thôi, phải yêu thật thì nó sẽ khổ tâm lâu lắm, cô hơn nó tới hai mươi bốn tuổi, tình này sẽ không đi tới đâu hết…”.

Không giấu giếm, người kể chuyện hàm ẩn dưới điểm nhìn của chính mình trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thể hiện những nhận xét, cảm xúc một cách thẳng thắn, tự nhiên. Đó là sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc của nhà văn giành cho mỗi nhân vật, mỗi cảnh đời trong truyện. Tuy nhiên, để người kể chuyện bộc lộ mình một cách thuyết phục hơn còn có một hình thức kể khác, đó là khi người kể hóa thân vào nhân vật. Lúc này, câu chuyện được kể theo cái nhìn, giọng điệu của chính nhân vật trong truyện kể.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn nguyễn ngọc tư (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w