4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.4. Thời gian sinh trưởng của các dòng, giống bố mẹ và tổ hợp lai trong vụ Mùa
vụ Mùa 2007
Thời gian sinh trưởng (TGST) của cây lúa được tính từ lúc cây mạ nẩy mầm đến lúc cây lúa chín hoàn toàn. TGST là một đặc tính di truyền của giống, các giống khác nhau có thời gian sinh trưởng khác nhau. Ngoài ra, TGST của cây lúa còn phụ thuộc vào các yếu tố ngoại cảnh như: Thời vụ
gieo trồng, điều kiện canh tác, thời tiết khí hậu (nhiệt độ, ánh sáng, lượng mưa,...) và các biện pháp kỹ thuật như lượng bón phân, cách bón, cách chăm sóc,...
TGST là tổng thời gian qua các giai đoạn sinh trưởng của giống, dựa vào đặc điểm này của giống để bố trí thời vụ gieo trồng và cơ cấu cây trồng hợp lý. Mặt khác, TGST là cơ sở khoa học để tác động các biện pháp kỹ thuật, canh tác thuận lợi cho sự sinh trưởng phát triển của cây trồng tạo tiền đề cho việc nâng cao tiềm năng năng suất. TGST có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng năng suất cây trồng đặc biệt là cây lúa. Trên cơ sở đó tiến hành theo dõi TGST qua từng giai đoạn của các tổ hợp lai và các dòng, giống bố mẹ trong thí nghiệm. Kết quả được trình bày ở bảng 4.5a và 4.5b.
Nhìn chung các tổ hợp lai và các dòng giống bố mẹ tham gia thí nghiệm đều có tổng TGST từ trung bình đến dài. Kết quả cũng cho thấy, TGST của các tổ hợp lai nhìn chung là ngắn hơn so với các dòng, giống bố
mẹ của chúng. Ở các dòng, giống bố mẹ thời gian sinh trưởng biến động từ
115 đến 138 ngày. Dòng có thời gian sinh trưởng dài nhất là G7 và G10 (138 ngày), dòng có thời gian sinh trưởng ngắn nhất là G6 (115 ngày). Còn
ở các tổ hợp lai thế hệ F1 thời gian sinh trưởng biến động từ 119 đến 132 ngày. Tổ hợp lai có thời gian sinh trưởng dài nhất là TH5 (132 ngày), các tổ
hợp lai có thời gian sinh trưởng ngắn là TH4, TH8 và TH11 (119 ngày). Kết quả phân tích về mức độ biểu hiện của con lai F1 về thời gian sinh trưởng được trình bày ở bảng 4.5c. Qua bảng đó cho thấy: Tổ hợp lai TH5 có biểu hiện siêu trội dương (hp > 1), 4 tổ hợp lai TH1, TH4, TH7 và TH10 có biểu hiện siêu trội âm (hp < -1). Các tổ hợp lai còn lại có biểu hiện di truyền trung gian thiên về dạng bố mẹ có thời gian sinh trưởng dài (0 < hp < 1).
Như vậy, khi lai giữa các dòng, giống lúa chịu hạn địa phương và giống lúa cải tiến thì 10 trong tổng số 11 tổ hợp lai có cải thiện được thời gian sinh trưởng theo hướng ngắn ngày.