Khái niệm và đặc điểm chi NSNN

Một phần của tài liệu PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐƠN VỊ TRONG THỜI GIAN TỚI . MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH . PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG VÀ BIỆN PHÁP CỦA CÔNG TY VASC (Trang 28 - 30)

II- THU VÀ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

2.1.1.Khái niệm và đặc điểm chi NSNN

2. Chi Ngân sách nhà nước

2.1.1.Khái niệm và đặc điểm chi NSNN

a) Khái niệm

Chi NSNN là việc phân phối và sử dụng quỹ NSNN theo những nguyên tắc nhất định nhằm đảm bảo thực hiện các chức năng của Nhà nước.

Như vậy, chi NSNN là quá trình phân phối lại các nguồn tài chính đã được tập trung vào NSNN và đưa chúng đến mục đích sử dụng. Vì thế, chi NSNN là những việc cụ thể, không chỉ dừng lại trên các định hướng mà phải phân bổ nguồn lực tài chính cho từng mục tiêu, từng hoạt động và từng công việc thuộc chức năng của Nhà nước.

Ở đây, cần phân biệt hai quá trình trong chi NSNN, bởi nó có ý nghĩa quan trọng trong quản lý NSNN, đó là:

- Quá trình phân phối là quá trình cấp phát kinh phí từ NSNN để hình thành các loại quỹ trước khi đưa vào sử dụng.

- Quá trình sử dụng là quá trình trực tiếp chi dùng khoản tiền cấp phát từ NSNN mà không trải qua việc hình thành các loại quỹ trước khi đưa vào sử dụng. Ví dụ: việc chi dùng quỹ NSNN cho đầu tư xây dựng cơ bản, hoặc các chương trình kinh tế có mục tiêu.

Chi NSNN chính là sự phối hợp giữa hai quá trình đó.

Mỗi một chế độ xã hội, mỗi một giai đoạn lịch sử, chi NSNN có nội dung, cơ cấu khác nhau, song chúng có những đặc trưng chung dưới đây:

- Chi NSNN gắn chặt với bộ máy nhà nước và những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội mà Nhà nước đảm đương trong từng thời kỳ.

Chi NSNN phải đảm bảo các hoạt động của nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng nguồn NSNN có được trong từng năm, từng thời kỳ lại có hạn làm hạn chế phạm vi hoạt động của Nhà nước, buộc Nhà nước phải lựa chọn để xác định rõ phạm vi chi NSNN. Nhà nước không thể bao cấp tràn lan qua NSNN, mà phải tập trung nguồn tài chính vào phạm vi đã hoạch định để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước.

- Chi NSNN gắn với quyền lực của Nhà nước. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định quy mô, nội dung, cơ cấu chi NSNN và phân bổ nguồn vốn ngân sách cho các mục tiêu quan trọng nhất, bởi vì Quốc hội là cơ quan quyết định các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia. Chính phủ là cơ quan hành pháp, có nhiệm vụ quản lý, điều hành các khoản chi NSNN.

- Hiệu quả chi NSNN khác với hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp, nó được xem xét trên tầm vĩ mô.

Vốn sử dụng ở các doanh nghiệp sau một chu kỳ sử dụng phải được thu hồi, bảo toàn vốn và hiệu quả sử dụng vốn được đánh giá trực tiếp bằng các chỉ tiêu như: thời gian thu hồi vốn, tỷ suất doanh thu, tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn.v.v.

Khác với việc sử dụng vốn của doanh nghiệp, các khoản chi của NSNN không thu hồi trực tiếp và hiệu quả của nó không thể đánh giá bằng các chỉ tiêu cụ thể, trực tiếp nói trên mà được đánh giá bằng các chỉ tiêu mang tính tổng hợp và mang tính định tính cao như: mức độ tăng trưởng kinh tế (chỉ số tăng GDP), sự ổn định kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, mức sống vật chất và văn hoá của dân cư.v.v.

Tuy nhiên, điều đó không bác bỏ trong đầu tư phải chú ý tới hiệu quả kinh tế, nhất là các khoản vay nợ để đầu tư.

- Chi NSNN là những khoản chi không mang tính hoàn trả trực tiếp.

Các khoản cấp phát từ NSNN cho các ngành, các cấp, cho các hoạt động văn hoá, xã hội, giúp đỡ người nghèo... không phải trả giá hoặc hoàn lại cho Nhà nước.

Đặc điểm này giúp phân biệt các khoản chi NSNN với các khoản tín dụng. Tuy nhiên, NSNN cũng có những khoản chi cho việc thực hiện chương trình mục tiêu mà thực chất là cho vay ưu đãi có hoàn trả gốc với lãi suất rất thấp hoặc không có lãi (chi giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo...)

- Chi NSNN là một bộ phận cấu thành luồng vận động tiền tệ và nó gắn liền với sự vận động của các phạm trù giá trị khác như giá cả, tiền lương, tín dụng, thuế, tỷ giá hối đoái...

Chi NSNN có quy mô lớn, phức tạp đòi hỏi những hàng hoá, dịch vụ đa dạng. Do vậy, nó tác động mạnh mẽ đến môi trường tài chính vĩ mô, đến tổng cung, tổng cầu về vốn tiền tệ. Nếu thu, chi NSNN cân đối được về cơ bản tổng cung tổng cầu về tài chính và do đó tổng cung tổng cầu về hàng hoá, dịch vụ của xã hội sẽ ổn định.

Một phần của tài liệu PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐƠN VỊ TRONG THỜI GIAN TỚI . MỤC TIÊU HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH . PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG VÀ BIỆN PHÁP CỦA CÔNG TY VASC (Trang 28 - 30)