III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN
2. Tăng cường chương trình đào tạo nghề cho thanh niên
+ Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề cho thanh niên
Cần quy hoạch mạng lưới dạy nghề gồm các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề, các lớp dạy nghề để cân đối đào tạo giữa các trình độ, các vùng, các ngành kinh tế phù hợp với chiến lược phát triển của kinh tế để gắn dạy nghề với việc làm.
Về ngành nghề đào tạo, cần tập trung vào một số ngành nghề công nghệ cao, dịch vụ chất lượng, ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử,… và các ngành đang sử dụng nhiều lao động như dệt may, thuỷ sản,…để nâng cao năng suất lao động trong các ngành này, để xuất khẩu hàng hoá đạt giá trị cao.
Có chính sách phân bố lại mạng lưới dạy nghề giữa các địa phương, đặc biệt giữa nông thôn và thành thị để nâng cao chất lượng cung lao động nông thôn. Muốn vậy, cần phải tổ chức các mô hình dạy nghề ngắn hạn lưu động cho lao động nông thôn, với thời gian từ 1 đến 3 tháng, mô hình này tương đương với việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn; Đối với thanh niên, cần nâng cao vai trò của các tổ chức đoàn với các lớp học này, nghĩa là Đoàn thanh niên sẽ vận động, tổ chức các lớp học này thu hút thanh niên tham gia. Muốn vậy các tổ chức Đoàn phải có mối quan hệ mật thiết với các trường, cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp để tuyển dụng người lao động sau khi tuyển dụng.
+ Hoạt động hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên
Cần phải có sự định hướng ngay cho học sinh tốt nghiệp cấp II và cấp III. Một là chuyển tiếp vào phổ thông trung học hay cao đẳng, đại học; hai là học các trường trung học chuyên nghiệp; ba là học các trường dạy nghề dài hạn; bốn là học nghề ngắn hạn; năm là học tại các trung tâm giáo dục từ xa và sáu là tham gia vào thị trường lao động. Như vậy là có rất nhiều con đường để một học sinh sau khi tốt nghiệp có thể đi theo, nếu không có sự định hướng đúng đắn sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm sau này, mà quay lại là điều khó khăn.
Hướng nghiệp phải có một giáo trình rõ ràng và cụ thể, coi nó như một môn học, trong đó phải chỉ rõ xu hướng việc làm trong tương lai, mức cầu lao động, yêu cầu về trình độ, tính cách của người lao động,… Muốn vậy cần phải phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động giữa các trường, cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp; hệ thống thông tin liên trường và đặc biệt là hệ thống thông tin giữa các trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở với các trường dạy nghề để định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Nhưng một điều khó khăn hiện nay là rất khó định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đặc biệt là định hướng ngành chưa có sự nghiên cứu sâu về vấn đề này, nên cần có nhiều buổi gặp trực tiếp giữa học sinh với các trường dạy nghề, các nhà tuyển dụng. Các tổ chức Đoàn thanh niên nên đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện này để thu hút nhiều học sinh tham gia nhất và đại diện cho quyền lợi của học sinh.
Ngoài ra cũng nên mời bố mẹ học sinh đến những buổi nói chuyện này vì họ là người tác động rất lớn đến sự lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên học sinh.
+ Nâng cao khả năng thực hành và làm việc thực tế của học sinh, sinh viên.
Cần phải đổi mới phương thức dạy học gắn học tập với thực hành và tham quan kinh nghiệm thực tế; muốn vậy các trường học phải có mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp để học sinh có thể đến tham quan và làm việc thử. Vì ngày nay, thanh niên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc nhiều, đặc biệt là khả năng thực tế rất yếu kém, đấy cũng chính là lý do các doanh nghiệp chỉ thích thuê lao động có kinh nghiệm làm việc để không phải mất chi phí đào tạo lại. Cần khuyến khích tính chủ động sáng tạo của học sinh, giảng dạy cần sát với thực tế.