Khái quát về thực trạng quản lý CTRĐT tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Quản lý chất thải rắn đô thị và đánh giá hiệu quả dự án quản lý chất thải rắn đô thị. Tổng quan kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam (Trang 61 - 62)

Theo số liệu của Bộ Xây dựng tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng từ 70% năm 2.000 lên 80% năm 2008. Lượng chất thải rắn được chôn lấp tại các bãi chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 60%. Tỷ lệ thu hồi các chất có khả năng tái chế và tái sử dụng đạt khoảng 20-25%. Thực hiện phân loại chất thải rắn y tế tại nguồn cho hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế của các đô thị loại III trở lên… Tuy nhiên, trên cả nước, mới có 1 Khu xử lý chất thải nguy hại được xây dựng tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Tại TP.HCM, nhiều các bãi rác cũng đang quá tải, lượng rác thu gom của TP phải chuyển chở đến nơi xử lý mới rất xa. Còn lại hầu hết các chất thải rắn nguy hại ở nhiều đô thị đều phải xử lý chung cùng các loại rác thải khác - đây đang là một nguy cơ rất lớn về môi trường sống với các đô thị.

Phương pháp xử lý chất thải rắn thông dụng nhất hiện nay là chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng phát sinh mêtan - một loại khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được các chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng và không phù hợp với điều kiện tự nhiên của một số vùng miền ở nước ta. Hiện chỉ có khoảng 5-6% tổng lượng chất thải rắn thu gom được chế biến thành phân bón hữu cơ, song lượng phân hữu cơ này chất lượng kém nên khó tiêu thụ. Mặc dù đã có một số công nghệ mới được nghiên cứu và áp dụng

trong nước đáp ứng được tiêu chí hạn chế chôn lấp nhưng việc hoàn thiện công nghệ và triển khai nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn. Việc thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải nguy hại cũng chưa đảm bảo an toàn, thiếu các cơ sở xử lý nên mặc dù với số lượng không nhiều nhưng loại chất thải này đang tiềm ẩn những hiểm họa rất lớn đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chất thải xây dựng, bùn bể phốt, chất thải từ các điểm dân cư nông thôn và các làng nghề đang có chiều hướng tăng mạnh và là những nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường nhưng vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức

Nguyên nhân của tình trạng trên, là do công tác qui hoạch manh mún, giám sát còn lỏng lẻo, các biện pháp cưỡng chế hành vi vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ mạnh. Mặt khác, đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cho đến nay nguồn kinh phí đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn ODA. Cơ sở dữ liệu quản lý chất thải rắn còn phân tán và không nhất quán giữa các cơ quan quản lý Nhà nước; phối hợp giữa các cơ quan liên ngành về quản lý chất thải rắn còn yếu; ý thức người dân còn chưa cao...

Một phần của tài liệu Quản lý chất thải rắn đô thị và đánh giá hiệu quả dự án quản lý chất thải rắn đô thị. Tổng quan kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn áp dụng ở Việt Nam (Trang 61 - 62)