III- Thực trạng công tác quản lý đường phố, mô hình “Khoán quản” và mô hinh “Xây dựng các tuyến phố văn minh đô thi”
1- Mô hình “Xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị”
1.1- Sự cần thiết của mô hình
Địa bàn quận Hoàn Kiếm do đặc thù có nhiều phố cổ, phố cũ chật hẹp, người đông mật độ dân số lớn lại là trung tâm dịch vụ, thương mại, có nhiều chợ đầu mối lớn, nhiều siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu. Do đó, công tác quản lý đô thị gặp rất nhiều khó khăn nhất là các tuyến phố nhỏ hẹp, hạ tầng kỹ thuật chưa được cải tạo đồng bộ nên các tuyến phố chưa đảm bảo trật tự đô thị, mỹ quan đô thị đặt ra. Vì vậy vấn đề xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị là một yêu cầu cấp thiết. Ngay từ năm 2001, UBND quận đã xây dựng kế hoạch số 1332/KH-UB giao cho 8 phường xây dựng, triển khai một số tuyến phố trở thành tuyến phố trật tự đô thị, văn minh thương mại (nay là tuyến phố văn minh đô thị) và cho đến năm 2005 trên địa bàn 18 phường trong quận đã triển khai duy trì 45 tuyến phố văn minh đô thị. Qua quá trình thực hiện đã khẳng định việc triển khai duy trì các tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn quận là đúng đắn và cần thiết. Hiệu quả rõ nét trên các tuyến phố văn minh đô thị là công tác quản lý đô thị đã được cải thiện đáng kể, đường phố khang trang sạch sẽ, kinh doanh có hiệu quả, các tuyến đường thông thoáng hơn, tệ nạn xã hội đã giảm. Song hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến phố văn minh đô thị còn hạn chế, chưa được cải tạo đồng bộ nên nhiều tuyến phố chưa đáp ứng được tiêu chí theo Quyết định 68/2005/QĐ-UB của UBND thành phố ban hành quy định về công nhận tuyến phố văn minh đô thị. Quận Hoàn Kiếm đã đề xuất UBND thành phố ủy quyền cho quận được đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật và trọng tâm năm 2006 đến 2010 các tuyến phố văn minh đô thị được cải tạo nâng cấp theo sự phát triển chung của toàn quận.
1.2- Tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị
Quyết định 68/2005/QĐ-UB của UBND thành phố ban hành quy định về công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó tuyến phố VMĐT cần đảm bảo những tiêu chí sau:
Mục 1. Tiêu trí về hạ tầng giao thông đô thị
*Hạ tầng kỹ thuật
Hạ tầng kỹ thuật của các tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:
1. Mặt đường êm thuận, không gồ ghề, chắp vá và không có bục, bệ, cầu dẫn; 2. Mặt hè được lát gạch bằng phẳng;
3. Được tổ chức giao thông hợp lý, có đủ hệ thống báo hiệu đường bộ; 4. Hệ thống thoát nước bảo đảm tiêu, thoát nước tốt.
*Vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng
Môi trường của các tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau: 1. Mặt đường, mặt hè luôn sạch sẽ; không có nước đọng, rác, phế thải trên mặt đường, mặt hè; Việc thu gom rác thải được tổ chức hợp lý, cố định về địa điểm và thời gian;
2. Cây xanh trên vỉa hè được chăm sóc, cắt tỉa cành định kỳ; không có cành, lá cản trở tầm nhìn hoặc hoạt động giao thông thông suốt; Cây trồng mới phải phù hợp về độ cao, giống và loại của cây xanh hiện có trên tuyến phố;
3. Hệ thống chiếu sáng công cộng phải bảo đảm độ chiếu sáng đô thị cấp (A) - với độ sáng từ 1 - 1,8 CAD/m2;
4. Các công trình ngầm, nổi như hệ thống thông tin, điện lực và chiếu sáng phải được xây dựng, lắp đặt đúng quy hoạch, đúng quy định; Khi lắp đặt mới phải được ngầm hoá dưới vỉa hè, lòng đường.
*Trật tự đô thị
Trật tự đô thị của các tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:
1. Các điểm trông giữ xe đạp, xe máy phục vụ tuyến phố Văn minh đô thị phải được bố trí trên những tuyến phố ngang, phố nhánh hoặc tuyến phố đó đối với những tuyến phố dài, hè có mặt cắt rộng trên 05 mét được Sở Giao thông công chính cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè, đường phố trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân quận, huyện.
2. Không có cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp kinh doanh, mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; bày, treo hàng hoá bên ngoài cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở gây chiếm dụng không gian hè phố;
3. Không có người lang thang, đánh giầy, xin ăn hoặc người bán hàng rong đeo bám khách để nài mua, ép giá;
4. Việc sử dụng vỉa hè, lòng đường cho việc cưới, việc tang phải được Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn cấp phép sử dụng và không quá 48 giờ;
5. Phải có phương án chống trộm cắp và cướp giật trên tuyến phố đó.
*Mỹ quan đô thị
Mỹ quan đô thị của các tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:
1. Các cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở, nhà ở và công trình khác ở mặt phố phải bảo đảm khang trang, sạch đẹp và được sửa chữa, cải tạo, duy tu, bảo dưỡng định kỳ;
2. Mái che trên vỉa hè phải được thiết kế, lắp đặt thống nhất quy định chung trên toàn tuyến phố về hình thức, màu sắc, kích thước bảo đảm mỹ quan đô thị;
3. Cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt biển quảng cáo, biển chỉ dẫn trên vỉa hè, phải có văn bản thoả thuận với Sở Giao thông công chính và được Sở Văn hoá thông tin cấp phép;
4. Không có hiện tượng chăn, dắt, thả súc vật tự do trên vỉa hè, lòng đường; 5. Thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước và của Thành phố như treo cờ Tổ quốc, khẩu hiệu trong ngày lễ, ngày tết, các sự kiện chính trị, xã hội; tham gia hưởng ứng các cuộc vận động xã hội, từ thiện.
Mục 2. Tiêu chí về hoạt động kinh doanh thương mại. * Điều kiện kinh doanh thương mại
Việc kinh doanh thương mại của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp trên tuyến phố được xét công nhận phải bảo đảm các tiêu chí sau:
1. Có đăng ký kinh doanh; kinh doanh đúng nội dung đăng ký; Không kinh doanh ngành nghề, mặt hàng Nhà nước cấm kinh doanh; không kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng chưa được phép lưu thông;
2. Có chứng chỉ hoặc đảm bảo các điều kiện được quy định trong suốt quá trình kinh doanh đối với những ngành nghề, mặt hàng kinh doanh có điều kiện;
3. Chỉ kinh doanh hàng hoá có nhãn mác theo quy định của pháp luật và phải niêm yết giá, bán theo giá đã niêm yết;
4. Thực hiện đúng việc đăng ký, công bố chất lượng hoặc bảo hành theo quy định của pháp luật đối với những hàng hoá thuộc diện phải đăng ký chất lượng, công bố chất lượng hoặc bảo hành;
5. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành đối với hàng hoá là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ và đối với vật liệu dùng để bao gói;
6. Bố trí, sắp xếp hàng hoá hợp lý, trật tự, ngăn nắp; Cửa hàng thường xuyên được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ.
* Các điều kiện khác
Ngoài các quy định tại Điều 8 bản Quy định này, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp có trụ sở nằm trên tuyến phố được xét công nhận là Tuyến phố văn minh thương mại phải bảo đảm các tiêu chí sau trong hoạt động kinh doanh thương mại:
1. Thực hiện các quy định về phòng, chống cháy, nổ theo hướng dẫn của Công an Thành phố; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở;
2. Có sổ sách, hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước; chấp hành nghiêm chỉnh Luật Thuế, Pháp lệnh phí và lệ phí;
3. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ theo quy định của Sở Y tế Hà Nội cho đội ngũ nhân viên bán hàng và phục vụ tại các cửa hàng, cửa hiệu thực phẩm; có các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại hàng hoá là thực phẩm tươi sống và đối với loại hình dịch vụ ăn uống;
4. Có đội ngũ nhân viên bán hàng và phục vụ với trang phục lịch sự; thái độ phục vụ chu đáo, nhiệt tình và trung thực đối với khách hàng;
5. Bảo đảm trật tự yên tĩnh chung; Không bán hàng quá giờ quy định của Thành phố.
1.3- Công tác triển khai và kết quả đạt được *Công tác triển khai
Thực hiện quyết định số 68/2005/QĐ-UB của UBND thành phố Hà Nội; Quyết định số 2075/QĐ-UB ngày 11/11/2005 của UBND quận hướng dẫn tiêu chí về công nhận tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn I trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Quận đã có nhiều biện pháp để triền khai xây dựng và duy trì các tuyến phố VMĐT trên địa bàn như:
- Tổ chức lực lượng tự quản giữ gìn TTĐT và VSMT tại địa bàn các phường đã và đang hoạt động có hiệu quả góp phần không nhỏ trong việc duy trì các tuyến phố VMĐT nhất là tại địa bàn các phường như: Hàng Gai, Tràng Tiền, Cửa Nam….
- Thường xuyên kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn quận. Thông báo chỉ đạo UBND các phường khắc phục những tồn tại về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường và giải tỏa triệt để các điểm trông giữ xe không có phép.
- Tập trung giải quyết các vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. trật tự an toàn giao thông. Tổ chức giải tỏa các tụ điểm phức tạp thường gây ách tắc giao thông và trật tự đô thị như ga Hà Nội, chợ rau đêm gầm cầu Long Biên, bệnh viện c, viện K, bệnh viện Việt Đức, đền Bà Kiệu, xung quanh chợ Đồng Xuân và giải tỏa nhiều chợ cóc chợ tạm. Sau kiểm tra đã có thông báo bằng văn bản đến các phường và đơn vị để khắc phục, do vậy tình hình TTĐT, VSMT có nhiều chuyển biến tích cực.
- Tiếp tục chỉ đạo duy trì thực hiện chỉ thị 04/CT-TU của Thành ủy về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát động và tổ chức các hoạt động về vệ sinh môi
trường vì thành phố xanh, sạch, đẹp. Xây dựng kế hoạch để tổ chức điều hành lực lượng tự quản vệ sinh môi trường theo phương thức bàn giao cho Xí nghiệp môi trường đô thị số 2 điều hành về công tác chuyên môn để lực lượng này hoạt động hiệu quả hơn.
* Kết quả đạt được trên các tuyến phố VMĐT
Trên địa bàn quận đã xây dựng duy trì được nhiều tuyến phố VMĐT. Diện mạo đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, văn minh sạch đẹp hơn trước. Số lượng các tuyến phố VMĐT ngày càng gia tăng: Như năm 2006 toàn quận đã xây dựng và duy trì được 52 tuyến phố VMĐT. Năm 2007, đã xây dựng thêm 10 tuyến phố VMĐT, nâng tổng số tuyến phố VMĐT trên địa bàn quận lên 62 tuyến. Năm 2008, đã xây dựng được 75 tuyến.
Tuyến phố VMĐT Tràng Tiền luôn được giữ gìn sạch đẹp.
- Tổ chức họp các tổ dân phố, các hộ kinh doanh để tuyên truyền, đồng thời thông báo cụ thể từng vi phạm, kiên quyết xử phạt các đối tượng vi phạm; vi phạm nhiều lần xử lý không chấp hành hoặc không đảm bảo điều kiện kinh doanh thì đình chỉ, thu hồi giấy phép.
- Xóa bỏ chợ tạm, chợ cóc trái phép; xử lý hàng rong, lang thang đeo bám khách, xích lô không được phép lưu hành vào giờ cao điểm, ngoài tuyến du lịch cho phép.
- Về hàng rong: Trên 16 tuyến phố cấm (Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Bà Triệu, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Cân, Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Bài, Nhà Chung) cơ bản không
để hàng rong buôn bán, gây cản trở giao thông, gây mất trật tự đô thị vệ sinh môi trường.
- Trên 13 tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy trên hè: Trong đó có 6 tuyến cấm trắng (Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Hàng Bông) thực hiện nghiêm túc, kết quả được duy trì. Các tuyến phố còn lại bố trí điểm giao thông tĩnh hợp lý, do vậy không để tình trạng để phương tiện lộn xộn, gây cản trở giao thông, trật tự đô thị. Quận tổ chức kẻ vạch sơn trên các tuyến phố còn lại để hướng dẫn nhân dân để phương tiện thống nhất góp phần tạo bộ mặt đô thị phong quang hơn, trật tự hơn, giảm ùn tắc giao thông.
1.4- Các mặt còn tồn tại
Theo các tiêu chí của tuyến phố VMĐT do Thành phố đề ra thì một số tuyến phố VMĐT chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Vẫn còn tình trạng lấn chiếm hè phố để kinh doanh, tại một số phường chưa tổ chức quản lý chặt chẽ các điểm trông giữ xe đạp, xe máy, nên có nhiều điểm trông giữ trái phép, lấy quá giá, quá diện tích cho phép, thiếu biển báo, bình cứu hỏa theo quy định, gây bức xúc trong dân.
- Trên một số tuyến phố tình hình vi phạm về trật tự đô thị, kinh doanh lấn chiếm hè phố, để xe đạp xe máy còn bừa bãi …
Lộn xộn trên Phố Cầu Gỗ quận Hoàn Kiếm
- Công tác đầu tư cải tạo hè, ngõ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bức xúc của dân sinh và tiêu chí tuyến phố VMĐT theo quyết định 68/2005/QĐ – UBND của UBND thành phố Hà Nội về số lượng và chất lượng.
- Hoạt động của lực lượng chuyên trách giữ gìn trật tự đô thị còn chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu.
- Trách nhiệm quản lý TTĐT và vệ sinh môi trường của UBND các phường chưa cao.
- Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị còn chưa thường xuyên, triệt để. Nhiều UBND phường còn lúng túng trong công tác điều hành giữ gìn trật tự công nên công tác này chưa đạt được kết quả như mong muốn và có nhiều tồn tại như phường Hàng Đào, Hàng Trống, Cửa Nam, Tràng Tiền.
- Một bộ phận nhân dân còn chưa tôn trọng, chấp hành luật lệ giao thông và ý thức giữ gìn trật tự đô thị kém.
- Các doanh nghiệp khoán quản chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong công tác dịch vụ công và cung cấp thiếu nhân lực cho các phường để giữ trật tự công, vẫn còn vi phạm các quy định của thành phố về thu phí quá quy định, sử dụng quá diện tích.