a. Đối với mặt hàng rau
Thái Lan là một trong số ít các nước đang phát triển đã thu được nhiều thành công trong mô hình xây dựng ngành công nghiệp chế biến rau xuất khẩu, đưa ngành sản xuất và chế biến rau thành một ngành sản xuất lớn. Thái Lan có điều kiện tự nhiên cũng như chủng loại rau xuất khẩu tương đối giống Việt Nam. Vì thế, những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thúc đẩy xuất khẩu rau của Thái Lan sang thị trường thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ là những tài liệu quý báu cho hoạt động xuất khẩu rau của Việt Nam. Cụ thể những kinh nghiệm đó như sau:
- Thái Lan tập trung sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm “rau sạch” đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm của các thị trường khó tính như Nhật, EU. Chính điều này đã giúp sản phẩm rau của Thái Lan dễ dàng xâm nhập vào những thị trường có nhu cầu tiêu thụ rau thuộc loại cao nhất thế giới này.
- Thái Lan sản xuất rau theo phương thức công nghiệp, tức là tập trung sản xuất chuyên môn hoá và chuyên nghiệp hoá từ khâu cung cấp sản phẩm đầu vào như giống, phân bón.. đến các khâu dịch vụ đầu ra như thu gom, phân loại, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Mặt khác, Chính phủ Thái Lan rất tập trung đầu tư cho công tác lai tạo các loại rau cho năng suất và chất lượng cao.
- Chú trọng xây dựng hệ thống kho tàng bảo quản lạnh để chủ động nguồn hàng xuất khẩu.
- Thường xuyên ký các hợp đồng xuất khẩu lớn và dài hạn với đối tác ở nước nhập khẩu rau của Thái Lan, trong đó có các đối tác Nhật Bản để chủ động sản xuất và xuất khẩu rau.
Mặc dù Thái Lan là nước có tiềm năng sản xuất trái cây tương đương Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Thái Lan gấp trên hai lần Việt Nam. Các sản phẩm trái cây Thái Lan thường được đánh giá là có chất lượng, hương vị, độ đồng đều cao hơn trái cây Việt Nam nhưng lại có giá cả thấp hơn. Độ thơm ngon và đồng đều về chất lượng chính là những thế mạnh giúp cho trái cây xuất khẩu của Thái Lan có vị trí vững chắc trên thị trường thế giới. Những kinh nghiệm trong thúc đẩy xuất khẩu trái cây của Thái Lan là:
- Chú trọng đầu tư, trang bị dây chuyền công nghệ chế biến tiên tiến, đảm bảo điều kiện vận tải, đồng thời sử dụng kỹ thuật đóng gói hiện đại, thoả mãn được các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn của Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường Châu Á khác.
- Chính phủ đầu tư cho việc chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trái cây theo hướng phát triển những sản phẩm trái cây mũi nhọn như: xoài, dứa, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cam...Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người sản xuất trái cây Thái Lan thông qua các quỹ hỗ trợ, các chương trình vay vốn ưu đãi lãi suất thấp…Ví dụ vào tháng 7/2002 Bộ Thương mại Thái Lan đã thành lập mội quỹ trị giá 2 tỉ Bath để trợ giá cho nông dân trồng cây ăn trái và hỗ trợ cho chiến dịch quảng bá trái cây tươi xuất khẩu.
- Đẩy mạnh các hoạt đông xúc tiến xuất khẩu trái cây cấp Chính phủ, trong đó chú trọng các chương trình quảng bá sản phẩm. Ví dụ như Chính phủ Thái Lan cho vận chuyển 30 tấn trái cây miễn phí trị giá 3 triệu Bath tới văn phòng thương mại của 23 quốc gia ở Châu Âu, Đông Á, Trung Đông và Mỹ. Hay để quảng bá và xuất khẩu xoài sang thị trường Nhật Bản, Thái Lan đã tổ chức cuộc thi “hoa hậu xoài” tại các siêu thị Nhật Bản và sau đó tổ chức cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản và các hoa hậu Thái Lan để tiếp thị cho một loại xoài mới có chất lượng cao trên thị trường Nhật Bản…
- Tập trung các nỗ lực Marketing xuất khẩu trái cây hướng vào một số thị trường mục tiêu trọng điểm như: Nhật Bản, EU, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Inđonêxia và Trung Đông.
- Chính phủ Thái Lan đẩy mạnh việc tiến hành các đàm phán song phương liên quan đến xuất khẩu nông sản, trong đó có mặt hàng rau quả với một số nước trong đó có Nhật Bản. Những hiệp định này có các điều khoản liên quan đến tránh đánh thuế hai lần hoặc chấm dứt đánh thuế nhập khẩu trái cây (ví dụ Thái Lan và Trung Quốc đã đạt thoả thuận chấm dứt đánh thuế nhập khẩu đối với trên 200 mặt hàng trái cây và rau).