3 Cuộc sống của người lao động trong các Khu công nghiệp

Một phần của tài liệu Giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cho người lao động tại các khu công nghiệp. (Trang 25 - 28)

Sự phát triển của các KCN ở Việt Nam đã đem đến nhiều mặt tích cực cho việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thực tiễn cho thấy, việc hình thành và phát triển các KCN đã và đang tạo động lực cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, cơ cấu lao động cũng được thay đổi phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với người lao động, nhân tố quan trọng trong việc hình thành và phát triển các KCN, về đời sống vật chất và tinh thần cũng chịu tác động mạnh mẽ của sự phát triển này.

Sự hình thành, phát triển các KCN với các nhà máy, xí nghiệp đã tạo nhiều cơ hội tìm việc làm cho người lao động, giải quyết được tình trạng thất nghiệp, người lao động còn được đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau: may mặc, điện tử, hàn, tiện. . . dần dần nâng cao trình độ tay nghề. Có thể coi quá trình đào tạo tại Doanh nghiệp là quá trình đào tạo nghề nhanh nhất, hiệu quả nhất vì người lao động được thực hành và ứng dụng ngay các trang thiết bị máy móc bên cạnh việc chỉ dẫn các thao tác và lý thuyết từ chính cán bộ quản lý, chuyên gia tại Doanh nghiệp.

Có nhiều cơ hội tìm việc làm và thu nhập cao chính là động lực thúc đẩy người lao động tập trung đến các khu vực có nhiều KCN. Hầu hết các Doanh nghiệp KCN là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên nhìn chung về chế độ tiền lương được áp dụng cao hơn so với các Doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế khác. Từ chế độ lương cao hơn nên các chính sách thưởng của các Doanh nghiệp này cũng là yếu tố để thu hút người lao động. Bên cạnh đó, tại nhiều doanh nghiệp còn áp dụng nhiều chính sách phúc lợi cho người lao động: trợ cấp đi lại, nhà ở, bữa ăn giữa ca…phần nào giúp người lao động trang trải được các chi phí đáp ứng nhu cầu của bản thân, nâng cao đời sống vật chất và có khả năng phụ giúp gia đình. Ngoài ra, khi làm việc tại các KCN, người lao động được tiếp cận với các máy móc, trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao, phương thức quản lý tiên tiến, từ đó người lao động có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tay nghề, đồng thời người lao động còn rèn luyện được tác phong công nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của người sử dụng lao động và công việc đặt ra. Song song với trình độ chuyên môn được nâng lên thì mức lương và các thu nhập khác cũng được tăng lên tương ứng.

Thực tế, với quá trình hình thành và phát triển các KCN trong thời gian vừa qua đã tạo ra cho Việt Nam một lực lượng lao động có chuyên môn tay nghề, khả

năng ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới. Và việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, không chỉ riêng với chính quyền các địa phương mà ngay cả chính bản thân người lao động phải nỗ lực rất nhiều nhằm đáp ứng với yêu cầu sử dụng “công nghệ chất xám” của sự phát triển các KCN trong thời gian sắp tới Tuy nhiên, cũng từ sự phát triển này, chính quyền địa phương nơi có các KCN cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật là làm thế nào để nâng cao chất lượng sống cho người lao động. Xuất phát từ thực tế cho thấy môi trường và điều kiện sống của người lao động, đặc biệt là lao động trong các KCN hiện nay vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được hết nhu cầu về vật chất và tinh thần.

Theo quy định của Bộ luật lao động: người lao động làm việc không quá 8 giờ/ ngày, không quá 48h/tuần, với quy định này đảm bảo cho người lao động có đủ thời gian để nghỉ ngơi, đáp ứng các nhu cầu giải trí cho bản thân từ đó tái tạo lại sức lao động. Nhưng với tình hình thực tế như hiện nay, quy định trên đang bị các Doanh nghiệp vi phạm rất phổ biến, công nhân lao động phải làm việc từ 10-12 giờ/ngày, 60-72 giờ/tuần, cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với quy định của Luật Lao động. Thậm chí do áp lực của các hợp đồng đã ký kết, giao hàng đúng hạn, người sử dụng lao động còn áp đặt người lao động tăng ca liên tục với cường độ làm việc cao, căng thẳng mà không có chế độ bồi dưỡng và trả thù lao thích hợp.

Phần lớn công nhân khi được hỏi cho rằng, họ đồng ý làm thêm giờ với sự miễn cưỡng, bởi không có sự lựa chọn nào khác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp làm việc theo dây chuyền và chỉ cần vài người không chấp nhận làm thêm giờ thì ảnh hưởng cả dây chuyền đồng thời ảnh hưởng đến “lợi nhuận” của chủ Doanh nghiệp. Vì vậy, họ thường tìm cách gây áp lực và có thể đuổi việc với những người lao động không chịu “dốc sức” cho Công ty. Bên cạnh đó, tăng ca sẽ có thu nhập thêm, giảm bớt khó khăn về đời sống vật chất cho bản thân và gia đình.

Với cường độ lao động làm việc cao, thời giờ nghỉ ngơi bị hạn chế, nên sức khỏe người lao động bị ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt là lao động nữ, họ thường xuyên bị mắc các chứng bệnh mệt mỏi, trầm cảm, suy nhược cơ thể…. Việc này ảnh hưởng đến cả khả năng xây dựng hạnh phúc gia đình của họ, về sức khỏe lẫn cơ hội giao lưu, tìm kiếm bạn đời vì sau khi làm về chỉ còn thời gian tắm giặt và ngủ để lấy lại sức. Ngay cả với những người lao động đã lập gia đình, với thời gian và cường độ làm việc này, cũng gây ra rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ, họ không còn thời gian để chăm sóc gia đình, không có người trông nom con cái vì các lớp học mầm non tại địa phương chỉ nhận nuôi dạy trẻ theo giờ hành chính, trong khi công nhân lao động chủ yếu ở xa, họ không thể nhờ

cậy người thân để trông con em của mình mà thuê người giữ thì thu nhập của họ không đáp ứng được.

Với mức thu nhập trung bình trên 1 triệu đồng/ tháng/ người, thì khả năng chi trả của người lao động cho việc thuê nhà trọ làm chỗ ở chỉ dừng lại mức 100 ngàn -150 ngàn/người. Nhưng với giá thuê tại các nhà trọ và tình hình thực tế hiện nay chỉ phù hợp với công nhân còn trẻ và sinh sống độc thân. Tuy nhiên trong tương lai không xa, khi tuổi đời tăng lên, nhu cầu lập gia đình phát sinh trong các lao động thuộc đối tượng di dân tự do, tất yếu dẫn đến nhu cầu xây dựng nhà ở, tạo thành vùng cư dân xung quanh các KCN sẽ gây khó khăn trong việc quản lý nhân hộ khẩu, an ninh trật tự trị an cũng như giải quyết các nhu cầu sinh hoạt giải trí. . .

Nhà ở và các giá trị về đời sống vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu nên về đời sống văn hóa tinh thần của người lao động tại các KCN đang dần giảm sút. Phần lớn ở các nhà trọ, công nhân lao động không có các phương tiện nghe nhìn không có sách báo để đọc, mặt khác, như đã nêu do thời gian làm việc kéo dài, cường độ lao động cao, vì thế nên ngoài giờ làm việc công nhân lao động phải dành thời gian để nghỉ ngơi, ngủ lấy lại sức khỏe nên thường họ không có thói quen đọc sách báo, nghe đài, xem tivi…. cơ hội tiếp cận thông tin, tiếp cận với những thay đổi của đời sống văn hóa xã hội của người công nhân lao động bị hạn chế, thu hẹp dẫn đến nhu cầu về giải trí văn hóa tinh thần cũng dần giảm sút.

Thực tế, đến các khu nhà trọ tập trung vào những ngày nghỉ cuối tuần, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người lao động ngủ muộn hơn ngày làm việc; âm thanh của những bài hát não tình, nhạc nhảy, tiếng thuyết minh những bộ phim chưởng, tình cảm xen lẫn nhau. Các nam công nhân thì tập trung đánh bài, uống rượu. . , các lao động nữ thì tập trung xem các bộ phim tình cảm ủy mị hoặc tập trung nấu ăn, trò chuyện…có lẽ đây là những cách giải trí, cách hưởng thụ duy nhất và thực tế đối với công nhân. Cũng chính từ cách giải trí phổ thông này cũng gây ra một số hiện tượng ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung: đánh nhau, tiếng ồn giữa các phòng làm ảnh hưởng đến phòng khác dẫn đến cãi vả, gây gổ nhau… tình trạng thiếu văn hóa tinh thần lại dẫn đến tình trạng thiếu văn hóa trong ứng xử.

Mặc khác, do sống xa nhà thiếu thốn tình cảm, tình trạng nam nữ cùng sống chung nhà trọ nên quan hệ nam nữ đôi khi thiếu lành mạnh, phổ biến là tình hình “sống chung, sống thử” tại các nhà trọ quanh KCN như hiện nay. Trong đó, nổi lên sự sa sút trong đời sống hôn nhân gia đình của lao động nữ, họ ít có cơ hội giao lưu tìm hiểu để xây dựng hạnh phúc gia đình, tệ nạn mại dâm và các vấn đề xã hội khác phát sinh ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, tại hầu hết các cụm, khu công nghiệp không có một nơi vui chơi giải trí công cộng: công viên, sân thể thao, nhà hát, rạp chiếu phim…, nên công nhân nếu có nhu cầu cũng không thể nào hưởng thụ được. Về phía các cơ quan chức năng như văn hóa thông tin, Đài phát thanh — truyền hình cũng chưa tổ chức được nhiều các chương trình nghệ thuật hoặc các loại hình sân chơi giải trí khác phục vụ người lao động ngay tại nơi tập trung đông người lao động. Những yếu tố này phần nào cũng đã tác động đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người lao động, những nhu cầu tối thiểu nhất mà lẽ ra họ phải được đáp ứng.

Ngoài việc gặp nhiều khó khăn trong việc hưởng thụ các giá trị vật chất và tinh thần thì người lao động còn gặp nhiều khó khăn trong việc học tập, nâng cao trình độ, hiểu biết các quy định pháp luật, ngay cả chính sách pháp luật liên quan “thiết thân” với người lao động là pháp luật lao động, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc đình công của người lao động hầu hết đều không tuân thủ đúng các trình tự và thủ tục như pháp luật quy định.

Một phần của tài liệu Giải pháp nhằm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cho người lao động tại các khu công nghiệp. (Trang 25 - 28)