Những giải pháp hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại cần phải được đẩy mạnh như: đàm phán, kí kết các Hiệp định, Nghị định thương mại của chính phủ với nước ngoài để từ đó tạo ra nhu cầu gạo của nước họ.
Bên cạnh đó, các tổ chức xúc tiến thương mại cần phải cung cấp các dịch vụ hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo; tạo môi trường kinh doanh quốc tế bình đẳng, giúp doanh nghiệp có được những điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường, giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận; thông tin về các thị trường, tư vấn về pháp lý, giúp giải quyết các vướng mắc trong quan hệ thương mại với vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhà quản lý và người tiêu dùng, giúp cho các doanh nghiệp tận dung cơ hội và hạn chế những rủi ro trên thị trường.
Ngoài ra cần phải có những chính sách và giải pháp để hoạt động xúc tiến thương mại chuyển sang hướng chủ động tích cực hơn, không chỉ dừng ở việc duy trì, tìm kiếm, mở rộng thị trường, khách hàng để bán những sản phẩm gạo hiện có, mà còn phải quan tâm đến việc nghiên cứu thị trường, phát hiện, xác định lợi thế cạnh tranh để sản xuất ra những sản phẩm gạo mang tính cạnh tranh cao. Từng bước đưa hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chuyên môn hóa cao. Trước mắt, hoạt động xúc tiến thương mại nên tập trung vào các giải pháp dễ làm như hội chợ, quảng cáo….
Một trong những giải pháp quan trọng là cần phải xúc tiến nhanh các hoạt động xây dựng, đăng ký, bảo vệ nhãn mác, thương hiệu các sản phẩm gạo để
người tiêu dùng từng bước làm quen với nhãn mác, thương hiệu và chất lượng gạo của từng doanh nghiệp, từng địa phương, từng vùng. Cần có những chính sách và giải pháp về xuất xứ của mặt hàng gạo được đưa vào lưu thông hoặc xuất khẩu; ngăn ngừa, bảo vệ thương hiệu trước các hành vi xâm hại, làm giả, làm nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại.