Hiện nay các nước đang phát triển tiêu thụ tới 94 – 95% tổng lượng gạo trên thế giới, các nước phát triển chỉ chiếm 5 – 6%. Riêng các nước đông dân ở châu Á đã chiếm hơn 90% mức tiêu thụ của thế giới.
Gạo là mặt hàng thiết yếu hàng ngày không thể thiếu vắng đối với mọi thành viên trong xã hội. Do vậy khi nghiên cứu nhu cầu gạo cả trong hiện tại và tương lai thì phải nghiên cứu và đánh giá tình hình gia tăng dân số. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2020, trong đó riêng Châu Á là 1,5 tỷ. Điều này sẽ làm tăng đáng kể khối lượng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm. Do đó, có thể thấy rằng, thị trường thế giới đang tạo ra cơ hội lớn cho các nông sản Việt Nam, nhất là sản phẩm gạo - đang là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian gần đây, dân số các nước phát triển (tiêu thụ chủ yếu lúa mì) chỉ tăng bình quân hàng năm 0,5%, trong khi đó dân số các nước đang phát triển (tiêu thụ chủ yếu lúa gạo) lại tăng gần 2%/ năm. Như vậy muốn đảm bảo lương thực ổn định, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, mức tăng sản lượng lương thực phải cao gấp 1,5 – 2 lần mức gia tăng dân số. Do dân số và nhu cầu lương thực tăng nhanh nên các nước sản xuất và xuất khẩu gạo cần phải tăng sản lượng gạo hàng năm với tốc độ gấp rưỡi mức tăng những năm qua.
Dân số ngày càng tăng, đời sống của người dân cũng đòi hỏi ngày một cao hơn. Nhu cầu tiêu thụ gạo cấp thấp và trung bình sẽ dần giảm xuống và gạo cao cấp sẽ tăng lên. Vì thế trong những năm tới xu hướng tiêu dùng gạo sẽ căn cứ vào các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh và chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng đều biết rằng để có sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thì giá thành phải cao hơn. Thực tế, rất nhiều người tiêu dùng mong muốn được mua những loại gạo chất
lượng cao và sẵn sàng trả giá cao hơn nếu gạo đó thực sự ngon.
Dự báo những năm sau này sẽ có nhiều nước tham gia vào xuất khẩu lúa gạo, tạo sự sôi động và cạnh tranh gay gắt trên thị trường lúa gạo thế giới, đặc biệt ở châu Á với những nước xuất khẩu gạo truyền thống như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan. Nguyên nhân là do các nước xuất khẩu luôn tăng sản lượng lúa gạo không chỉ để thoả mãn cho nhu cầu tăng dân số mà còn nhằm mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể, đồng thời chính sách của nhiều nước cũng cho phép khu vực tư nhân tham gia vào xuất nhập khẩu gạo.